Việc tiếp cận và nắm bắt thông tin về các FTA là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp, địa phương thực thi, tận dụng hiệu quả các FTA trong hoạt động của mình.
Nhằm triển khai việc nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do hàng năm của các địa phương (FTA Index), trong năm 2021 Bộ Công Thương đã tổ chức khảo sát thực tế đối với 1.650 doanh nghiệp từ 63 tỉnh, thành phố để có cơ sở dữ liệu nhằm đánh giá mức độ khả thi của việc xây dựng Bộ chỉ số.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy việc tiếp cận thông tin và hiểu biết về các FTA của cộng đồng doanh nghiệp tại các địa phương còn nhiều hạn chế.
Mức độ nhận biết của doanh nghiệp về các FTA và cơ quan đầu mối cung cấp thông tin về các FTA là khá khiêm tốn. Những khía cạnh so sánh bao gồm các đánh giá theo loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động, quy mô vốn và quy mô lao động, số năm hoạt động và so sánh theo vùng nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Trong 3 Hiệp định được liệt kê để lấy ý kiến khảo sát bao gồm: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), thì mức độ nhận biết của Hiệp định CPTPP là cao nhất, tuy nhiên cũng chỉ ở mức 30% sau đó đến EVFTA với 29% và UKFTA với 14%. Khoảng 14% doanh nghiệp cung cấp thông tin về FTA khác, ví dụ FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), FTA ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)...
Về hoạt động tuyên truyền, phổ biến các FTA tại địa phương, Khảo sát FTA 2021 có tìm hiểu việc triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến thông tin các FTA cho cộng đồng doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong 1 năm gần nhất với loạt câu hỏi về việc doanh nghiệp đã tham dự bao nhiêu sự kiện tuyên truyền, phổ biến về các FTA do cơ quan nhà nước địa phương tổ chức, loại hình sự kiện tham gia nếu có và đánh giá chất lượng nội dung của sự kiện tham gia gần nhất. Kết quả, khoảng 20% doanh nghiệp cho biết từng tham dự sự kiện tập huấn về các FTA do cơ quan nhà nước địa phương tổ chức, trong đó có 16% tham dự 1 cuộc, 3,2% tham dự từ 2-3 cuộc và chỉ có 1,4% tham dự trên 4 cuộc trở lên. Như vậy, vẫn còn 80% doanh nghiệp cho biết chưa tham gia bất kỳ sự kiện phổ biến, tuyên truyền về các FTA do cơ quan nhà nước địa phương tổ chức.
Kết quả cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp từng tham gia các sự kiện phổ biến, tuyên truyền về các FTA không có sự khác biệt đáng kể theo số năm hoạt động hay lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn với các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Nhìn chung, các doanh nghiệp đánh giá chất lượng của các sự kiện phổ biến FTA là khá tích cực.
Về việc cung cấp thông tin thị trường do cơ quan địa phương cung cấp, khi doanh nghiệp được hỏi có nhận được thông tin dự báo, định hướng thị trường từ các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cung cấp hay không, chỉ có 31% cho biết có nhận được và 69% trả lời là không. Theo quy mô doanh nghiệp cả về lao động lẫn vốn, các doanh nghiệp lớn có tỷ lệ đánh giá chất lượng các thông tin dự báo, định hướng thị trường là tốt đều cao hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Báo cáo về tình hình thực hiện các FTA thế hệ mới năm 2022 của Bộ Công Thương cũng cho biết, hoạt động tuyên truyền, phổ biển thông tin về các FTA thời gian qua còn nhiều bất cập. Số lượng các hội nghị, hội thảo được tổ chức rất nhiều nhưng nhiều khi bị chồng chéo, trùng lặp nội dung, dẫn đến lãng phí nguồn lực. Theo thống kê sơ bộ, riêng trong năm 2022, số lượng các hội nghị, hội thảo hoặc tập huấn về Hiệp định CTPPP, EVFTA và UKVFTA trong năm 2022 là khoảng 347 sự kiện, tức là 1 ngày diễn ra 1 sự kiện. Có những trường hợp cùng 1 nơi diễn ra 2-3 hội nghị, hội thảo cùng 1 nội dung do các cơ quan khác nhau tổ chức.
Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa quan tâm đến việc tham gia các hội nghị, hội thảo về các FTA, đặc biệt còn tình trạng nhiều sự kiện tổ chức về FTA có số doanh nghiệp tham dự chỉ đạt 1/3-1/2 doanh nghiệp được mời.
Thêm vào đó, thông tin phổ biến, tuyên truyền tại các địa phương còn mang tính chất chung chung, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có bề dày hoạt động đã nắm được thông tin nên chưa thực sự quan tâm đến các hoạt động tuyên truyền.
Hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số FTA Index để có thể sớm đưa vào thực hiện.
Đề án xây dựng Bộ chỉ số FTA Index dự kiến gồm các chỉ số thành phần như: Tiếp cận thông tin về các FTA; Thực hiện quy định pháp luật; Một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các FTA; Thực hiện các cam kết về phát triển bền vững… nhằm phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA đem lại tới các địa phương, đặc biệt đánh giá đến những đối tượng thụ hưởng trực tiếp là doanh nghiệp và người tiêu dùng. FTA Index sẽ giúp đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương so với chương trình hành động do Chính phủ ban hành cũng như các chương trình hành động mà chính các địa phương xây dựng nhằm thực thi các FTA từ đó tìm ra những ưu điểm cũng như hạn chế trong việc thực hiện các FTA này. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển tại địa phương. Qua đó tạo động lực tăng cường quan tâm của các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp đối với việc khai thác và tận dụng các FTA cũng như công tác hội nhập kinh tế quốc tế.