Tiêu chuẩn ASC và ngành cá tra, cá basa Việt Nam

Hiện nay, Hội đồng Quản lý nuôi trồng Thủy sản (ASC) đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn riêng cho từng loại sản phẩm thủy sản khác nhau.

Cụ thể, các tiêu chuẩn sản phẩm cá tra, basa áp dụng trên toàn thế giới được đưa vào thực thi kể từ năm 2011; các tiêu chuẩn cho sản phẩm tôm, bào ngư cũng đã được hoàn thiện trong tháng 3/2014; các tiêu chuẩn cho thủy sản hai mảnh vỏ, cá giò hiện đang trong quá trình xây dựng.

ASC cho biết hoạt động sản xuất cá tra đang đối mặt với 7 vấn đề chính

Riêng đối với ngành nuôi cá tra/basa được Tổ chức ASC nhận định là một trong những loại hình nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh nhất trên thế giới, trong đó 90% hoạt động nuôi cá tra/basa của thế giới diễn ra tại Việt Nam. Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành nuôi cá tra/basa đã đặt ra nhiều mối lo ngại về môi trường và xã hội. Do đó, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên - một đối tác của ASC đã khởi xướng các cuộc họp, đối thoại nhằm phối hợp để xây dựng các tiêu chuẩn có thể đo đếm được và dựa trên năng lực để hạn chế những ảnh hưởng xấu từ phong trào nuôi cá tra, basa.

Theo ASC, ngành cá tra, basa có 7 vấn đề chính như sau:

1. Pháp lý: Các trang trại đôi khi được xây dựng và/hoặc hoạt động ngoài khuôn khổ pháp lý để xác định các vấn đề môi trường, xã hội và an toàn thực phẩm liên quan đến khu vực nuôi cá.

2. Sử dụng đất và nước: Khi các trang trại mới được thiết lập, môi trường sống dễ bị ảnh hưởng có thể bị phá hủy và làm chuyển hướng nước, điều có thể ảnh hưởng những người sử dụng nước khác và môi trường.

3. Ô nhiễm nước và kiểm soát chất thải: Chất thải dư thừa có thể gây ô nhiễm nước và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của động thực vật.

4. Di truyền và đa dạng sinh học: Cá tra/basa sổng thoát khỏi các cơ sở nuôi có thể cạnh tranh với cá tự nhiên và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đặc biệt là ở những khu vực chưa có cá tra/basa.

5. Kiểm soát thức ăn: Sử dụng bột cá, dầu cá và cá tạp để làm thức ăn cho cá tra/basa dẫn đến việc sự suy giảm các nguồn thức ăn của các loài cá khác. Ngoài ra, việc cho cá tra/basa ăn cá tạp có thể dẫn đến sản lượng cá thu hoạch không bền vững và ô nhiễm nước.

6. Kiểm soát sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất: Các trang trại cá tra/basa dễ bị các vấn đề về sức khỏe có thể tác động đến cá nuôi và cá tự nhiên. Ngoài ra, việc sử dụng không thích hợp các loại thuốc thú y và hóa chất có thể gây ra những hậu quả không lường trước đối với môi trường và sức khỏe con người, chẳng hạn như tính chống kháng sinh và các sản phẩm không an toàn.

7. Trách nhiệm xã hội/xung đột giữa những người sử dụng: Nhiều lao động được thuê làm ở các trang trại cá tra/basa và trong các nhà máy chế biến, đặt các thực hành lao động và quyền của người lao động dưới sự giám sát của cộng đồng. Ngoài ra, các xung đột có thể phát sinh giữa những người sử dụng các nguồn lực chung.

Đặng Quang