Thứ Hai – 6/7
Chính quyền tiểu bang Victoria, tiểu bang đông dân thứ hai tại Australia, buộc phải tái áp dụng lệnh phong toả trong vòng 6 tuần đối với khu đô thị Melbourne do số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao trở lại, khiến rủi ro bùng phát đại dịch lần hai hiện hữu. Melbourne hiện là đô thị lớn thứ hai tại Australia với 5 triệu dân, tiểu bang Victoria cũng đóng cửa biên giới với các bang lân cận.
Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh tại tiểu bang Victoria có thể khiến suy thoái kinh tế của Australia trở nên nghiêm trọng hơn. Dữ liệu của hãng nghiên cứu IBISWorld cho thấy tiểu bang Victoria đóng góp tới 24% GDP của Australia trong năm 2019. Việc tiểu bang Victoria phải đóng cửa trở lại cũng làm tiêu tan kỳ vọng tái khởi động nền kinh tế vào cuối tháng 7/2020 của Thủ tướng Australia Scott Morrison. Trước đó, Australia dự kiến sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế trên toàn quốc và lệnh đóng cửa biên giới vào cuối tháng 7/2020.
Thứ Ba – 7/7
Một số tổ chức tài chính lớn trên thế giới cảnh báo thị trường chứng khoán Trung Quốc đang tăng quá nóng với tình trạng đầu cơ gia tăng, điều này có thể châm ngòi cho một cú vỡ bong bóng chứng khoán như hồi năm 2015. Thời báo kinh tế Financial Times cho biết tổng lượng giao dịch ký quỹ tại Trung Quốc đã đạt mức 1,27 nghìn tỷ Nhân dân tệ (184 tỷ USD), tính đến ngày 7/7, sau 1 tuần tăng liên tiếp. Chỉ trong 7 ngày qua, giá trị vốn hoá của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng thêm hơn 1 nghìn tỷ USD, vượt xa mức tăng của các thị trường chứng khoán khác trên toàn cầu.
Hồi năm 2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng cao kỷ lục bất chấp việc nền kinh tế suy yếu, đà tăng được dẫn dắt chủ yếu bởi gia tăng khối lượng giao dịch ký quỹ. Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong suốt 1 năm trước khi sụt giảm mạnh 40% chỉ trong vài tháng.
Các kênh truyền thông thuộc Chính phủ Trung Quốc đang đồng loạt chia sẻ về lợi ích của một “thị trường tăng giá lành mạnh” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế nước này. Giới phân tích cảnh báo những thông tin này đang khiến một bộ phận nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Trung Quốc tăng cường đầu cơ trên thị trường với tâm lý hưng phấn, lạc quan thái quá về triển vọng thị trường.
Thứ Tư – 8/7
Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2020 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu trong năm nay sẽ sụt giảm 40% dưới các tác động của đại dịch Covid-19, và lần đầu tiên trong 15 năm trở lại đây, lượng vốn FDI giảm xuống dưới mốc 1.000 tỷ USD.
Tổng thư ky UNCTA Mukhisa Kituyi nhận định nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng khó khăn khi cú sốc từ đại dịch COVID-19 sẽ ngày càng phức tạp. Viễn cảnh về một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng, sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đánh giá lại các dự án đầu tư mới, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động tái đầu tư vốn thường chiếm đến hơn 50% lượng vốn FDI.
UNCTAD dự báo FDI toàn cầu sẽ còn giảm thêm 5-10% vào năm 2021 nhưng khả năng sẽ phục hồi vào năm 2022 với dòng vốn FDI có thể quay trở lại xu hướng cơ bản trước đại dịch. Các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất về vốn FDI do phụ thuộc nhiều hơn về đầu tư vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi cũng không thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ kinh tế giống như các nền kinh tế phát triển.
Thứ Năm – 9/7
Một quan chức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết đã có 8 ứng cử viên tham gia tranh cử vị trí Tổng Giám đốc WTO sau khi có thêm 3 ứng cử viên gồm cựu Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox, cựu Bộ trưởng Kinh tế Saudi Arabia Mohammed al-Tuwaijri, cựu Chủ tịch Đại Hội đồng WTO người Kenya Amina Mohamed đăng ký.
Dự kiến Đại hội đồng WTO sẽ nhóm họp từ ngày 15 – 17/7 để chất vấn 8 ứng cử viên về kế hoạch hành động của các ứng viên. Ứng cử viên đắc cử phải nhận được sự ủng hộ đa số của 164 quốc gia thành viên WTO qua mỗi lần bình chọn. WTO đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng như căng thẳng thương mại toàn cầu cũng như chủ nghĩa bảo hộ kinh tế đang gia tăng tại nhiều quốc gia.
Tân Tổng giám đốc WTO sẽ phải tìm cách khôi phục lại các cuộc đàm phán thương mại hiện đang bế tắc, cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như cập nhập các quy tắc thương mại toàn cầu vốn bộc lộ nhiều bất cập sau 25 năm tồn tại.
Đầu tháng 6 vừa qua, Tổng Giám đốc đương nhiệm WTO Roberto Azevedo đã bất ngờ thông báo từ chức vì lý do gia đình, sớm hơn 1 năm trước khi nhiệm kỳ chính thức của ông kết thúc.
Thứ Sáu – 10/7
Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 4/7/2020 tại nước này đã tăng thêm 1,314 triệu đơn, thấp hơn mức dự báo 1,39 triệu đơn được các chuyên gia kinh tế đưa ra theo khảo sát của Dow Jones. Tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ hiện đạt 18,06 triệu đơn, giảm 698.000 đơn so với dữ liệu trong tuần trước đó.
Mặc dù dữ liệu cho thấy thị trường lao động tại Hoa Kỳ đang được cải thiện nhưng đây là tuần thứ 15 liên tiếp số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này đạt trên 1 triệu đơn. Giới phân tích cảnh báo thị trường lao động tại Hoa Kỳ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và cần thời gian dài để phục hồi trở lại như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Hãng hàng không United Airlines, tuần này, đã ra thông báo 36.000 nhân viên có thể bị sa thải trong bối cảnh ngành hàng không Hoa Kỳ vật lộn để duy trì tồn tại trước các tác động của dịch bệnh.