Tính pháp lý của chữ ký điện tử trong hợp đồng điện tử: Kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ - Kiến nghị hoàn thiện

Bài báo nghiên cứu "Tính pháp lý của chữ ký điện tử trong hợp đồng điện tử: Kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ - Kiến nghị hoàn thiện" do ThS. Trần Thiên Trang (Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang) thực hiện.

Tóm tắt:

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự xuất hiện của hợp đồng điện tử không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà còn mang lại nhiều thuận lợi cho các chủ thể tham gia. Tuy nhiên, hợp đồng điện tử đã và đang đặt ra những thách thức đáng kể trong việc ban hành cơ chế pháp lý toàn diện và hiệu quả để quản lý loại hợp đồng đặc biệt này. Bài viết tập trung làm rõ tính pháp lý của chữ ký điện tử trong hợp đồng điện tử dưới góc độ phân tích các quy định có liên quan của Luật Giao dịch Điện tử năm 2023, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của pháp luật Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ trong việc ban hành quy định về chữ ký điện tử. Từ đó, bài viết đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam về chữ ký điện tử.

Từ khóa: hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử, chữ ký số, Luật Giao dịch Điện tử, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.

1.  Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, thương mại của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cùng với sự tiến triển của thương mại điện tử, các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng điện tử đã phát sinh, đòi hỏi một khung pháp lý an toàn và đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế số tại Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp sẵn sàng thích nghi với hợp đồng điện tử do những ưu điểm nổi bật của chúng, bao gồm tiết kiệm chi phí, hiệu quả thời gian và thúc đẩy giao dịch quốc tế. Tuy nhiên, việc triển khai hợp đồng điện tử vào hoạt động kinh doanh, thương mại bị hạn chế bởi hai yếu tố chính là hạ tầng công nghệ và cơ chế pháp lý. Trên thực tế, chữ ký điện tử thường được sử dụng bởi các doanh nghiệp và cho các dịch vụ công như khai báo thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội, thay vì cho các hợp đồng điện tử [1][2]. Hạn chế này xuất phát từ cơ sở hạ tầng công nghệ hiện nay để xây dựng và thực thi các hợp đồng điện tử cũng như chữ ký điện tử vẫn chưa hoàn thiện, có thể kể đến như khả năng bảo mật, xác thực và ổn định để đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống hợp đồng điện tử, triển khai đa dạng các loại chữ ký điện tử. Đồng thời, sự xuất hiện của các hợp đồng điện tử đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho cơ chế pháp lý điều chỉnh toàn diện và phù hợp đối với loại hợp đồng này. Đặc biệt, các khoảng trống trong quy định pháp luật về chữ ký điện tử - một trong các yếu tố quan trọng trong việc xác định tính hiệu lực của hợp đồng điện tử đã tạo ra nhiều nguy cơ rủi ro cho các chủ thể tham gia hợp đồng trên thực tế. Vấn đề đáng lưu ý là việc thiết lập cơ chế pháp lý phù hợp cho hợp đồng điện tử nói chung và chữ ký điện tử nói riêng sẽ là nền tảng cốt lõi để giải quyết vấn đề về công nghệ trong thực tiễn.

Tại Việt Nam, khung pháp lý quan trọng đầu tiên về hợp đồng điện tử là Luật Giao dịch Điện tử (LGDĐT) ban hành năm 2005. Đến năm 2023, Quốc hội Việt Nam đã thông qua LGDĐT năm 2023 (LGDĐT 2023) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, thay thế cho LGDĐT 2005, nhằm khắc phục nhiều điểm hạn chế, lỗi thời trong LGDĐT năm 2005. Mặc dù có một số tiến bộ trong điều chỉnh về giao dịch điện tử, LGDĐT năm 2023 vẫn thiếu các quy định cụ thể và cần thiết để giải quyết những vấn đề phát sinh khi triển khai hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử. Do đó, căn cứ các quy định có liên quan của LGDĐT năm 2023, bài viết sẽ phân tích về tính pháp lý của chữ ký điện tử trong hợp đồng điện tử, đồng thời tham khảo pháp luật Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ trong việc ban hành quy định về chữ ký điện tử nhằm hướng đến hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

2. Tính hợp pháp của chữ ký điện tử trong hợp đồng điện tử theo pháp luật Việt Nam

Trong hợp đồng điện tử, các bên thể hiện ý chí, sự tự nguyện tham gia giao dịch thông qua chữ ký. Chữ ký điện tử trở thành phương thức thay thế cho chữ ký viết tay truyền thống để thể hiện sự đồng ý điện tử (e-consent) của các bên tham gia hợp đồng. LGDĐT năm 2023 đã bổ sung thêm loạt khái niệm mới về “chữ ký điện tử”, “chữ ký số”. Theo đó, “chữ ký điện tử là chữ ký được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu để xác nhận chủ thể ký và khẳng định sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu” [3]. Như vậy, chữ ký điện tử đóng vai trò là cơ sở pháp lý để xác nhận danh tính và sự đồng ý của người ký. Bên cạnh đó, chữ ký điện tử sẽ không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì được thể hiện dưới dạng chữ ký điện tử [4]. Quy định này của LGDĐT năm 2023 là phù hợp với hầu hết các quốc gia đã ban hành quy định về hợp đồng điện tử và chữ ký điện tử (trong đó có Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ). LGDĐT năm 2023 cũng đã đưa ra quy định điều chỉnh cụ thể về chữ ký số - một dạng của chữ ký điện tử. Theo đó, chữ ký số phải đáp ứng đủ các yêu cầu về tính định danh, tính toàn vẹn, tính bảo mật và quyền kiểm soát của chủ thể ký [5]. Các điều kiện mà chữ ký số cần đảm bảo đã tạo cơ chế pháp lý khá an toàn để bảo vệ chủ thể tham gia vào giao dịch, cũng như đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, trên thực tế, chữ ký số dùng để giao kết hợp đồng thực sự đã được sử dụng bởi chủ thể nào là vấn đề khó xác định. Chữ ký số có thể cho thấy sự đồng thuận tham gia hợp đồng của chủ thể ký bởi khóa bí mật (private key) và định danh người ký bởi khóa công khai (public key) nhưng nó vẫn có thể tạo ra khó khăn trong việc xác định chính xác người ký trong trường hợp người giữ chữ ký số mất thiết bị, cố ý hoặc vô ý làm lộ mật khẩu chữ ký số hoặc chuyển giao nó cho một người khác nắm giữa.

Hơn nữa, khác với hợp đồng truyền thống mà các bên trực tiếp ký vào văn bản giấy, hợp đồng điện tử có thể cung cấp đa dạng phương thức ký điện tử khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng các phương thức ký khác để xác nhận sự chấp thuận của chủ thể ký mà không phải là chữ ký điện tử vẫn còn đang bỏ ngỏ và chưa có quy định cụ thể [6]. Đồng thời, ngoài chữ ký số, LGDĐT năm 2023 cũng không đưa ra quy định điều chỉnh cho các dạng chữ ký điện tử khác. Như vậy, có thể nói, hợp đồng điện tử chỉ được công nhận hiệu lực khi được ký bằng chữ ký số. Mặc dù trên thực tế, số lượng chủ thể sử dụng chữ ký số vẫn còn rất hạn chế [7], thay vào đó là các dạng chữ ký thông qua phương thức điện tử như chữ ký hình ảnh chụp, chữ ký scan, chữ ký hình ảnh được xác thực qua SMS hoặc email, dấu hiệu sinh trắc học (giọng nói, vân tay, khuôn mặt) hoặc nhấp vào nút "Tôi chấp nhận"/“Tôi đồng ý” trên trang web chứa các điều khoản hợp đồng. Trong số các phương thức này, chữ ký scan, chữ ký hình ảnh chụp và nhấp vào nút "Tôi chấp nhận"/“Tôi đồng ý” được triển khai phổ biến trên thực tế. Vậy liệu rằng, các cách thức ký trên có được công nhận tính pháp lý nếu đáp ứng được yếu tố ý chí, tính tự nguyện giao dịch của chủ thể ký và cả điều kiện “gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu”.

Trước khi xét tính hợp pháp của các dạng chữ ký qua phượng điện tử thì tính tự nguyện tham gia giao dịch của chủ thể ký là yếu tố quan trọng cần được xác định. Ở khía cạnh tính tự nguyện, các hợp đồng được ký trực tuyến thông qua trang web, đặc biệt là ký kết chỉ bằng cách nhấp vào nút "Tôi chấp nhận"/“Tôi đồng ý” sẵn có trên trang web có thể xem là áp đặt sự đồng ý ngầm bởi chủ thể ký không thực hiện được quyền đàm phán, sửa đổi, bổ sung đối với đề nghị ban đầu mà chỉ có thể tiếp nhận hợp đồng thiết lập sẵn. Do đó, đây có thể là một rào cản và bất lợi cho chủ thể tham gia, đặc biệt là phía người tiêu dùng - một bên yếu thế trong mối quan hệ với doanh nghiệp. Ngoài ra, khả năng đọc hiểu và tiếp nhận thông điệp dữ liệu điện tử của chủ thể tham gia cũng là khía cạnh cần thiết phải xem xét để làm rõ yếu tố tự nguyện và giá trị pháp lý của chữ ký. Trong môi trường điện tử, hợp đồng được xác lập bằng cách thức điện tử sẽ có xu hướng được soạn thảo với số lượng trang lớn hơn rất nhiều so với một hợp đồng truyền thống. Bởi, hợp đồng truyền thống thường hướng đến sự tinh gọn để tránh phát sinh chi phí và tăng tính thuận tiện, trong khi hợp đồng điện tử sẽ không bị hạn chế về tài chính hay lưu trữ. Người tiếp nhận hợp đồng điện tử cũng hướng đến sự thuận tiện, nhanh chóng của loại hợp đồng này để giúp tiết kiệm thời gian. Do đó, độ dài của hợp đồng sẽ có tác động trực tiếp đến khả năng đọc hiểu và xử lý thông tin của người tiếp nhận [8]. Cùng với đó, có thể thấy nguyên tắc tự do hợp đồng dẫn đến không có tiêu chuẩn cụ thể về thứ tự ưu tiên trong sắp xếp các điều khoản hợp đồng. Như vậy, nếu đặt các điều khoản pháp lý quan trọng của hợp đồng ở dưới cùng của trang web hoặc rải rác trong hợp đồng điện tử thì khó có thể đảm bảo được chủ thể tiếp nhận hợp đồng đã hiểu rõ ràng và đầy đủ nội dung hợp đồng để đáp ứng điều kiện về tính tự nguyện, không bị nhầm lẫn, lừa dối khi giao kết hợp đồng. Một thực tiễn cho thấy, điều khoản dịch vụ của Shopee được đăng tải trên trang web vào ngày 29/3/2024 với hơn 15.200 từ có nội dung: “Tôi đã đọc các điều khoản dịch vụ này và đồng ý với tất cả các điều khoản như trên cũng như bất kỳ điều khoản nào được chỉnh sửa sau này. Bằng cách bấm nút “đăng ký” hoặc “đăng ký qua facebook” khi đăng ký sử dụng trang shopee, tôi hiểu rằng tôi đang tạo chữ ký điện tử mà tôi hiểu rằng nó có giá trị và hiệu lực tương tự như chữ ký tôi ký bằng tay” [9]. Như vậy, ngay khi khách hàng thực hiện ký bằng cách bấm vào nút “đăng ký” để thể hiện sự chấp thuận thì không chỉ đồng ý với tất cả các điều khoản hiện tại của Shopee đưa ra mà còn bao gồm các điều khoản sẽ được sửa đổi trong tương lai.

Tóm lại, LGDĐT năm 2023 đã cho thấy sự thiếu chặt chẽ trong các quy định về chữ ký điện tử khi bỏ ngỏ việc công nhận tính hợp pháp của các dạng chữ ký qua phương thức điện tử phổ biến hiện nay và tạo nên khoảng trống pháp lý trong việc đảm bảo tính tự nguyện của chủ thể ký khi tham gia hợp đồng tiện tử. Từ đó, làm giảm tính an toàn và tăng rủi ro cho các bên giao dịch điện tử trong nhiều trường hợp thực tế như: một bên phủ nhận việc đính kèm hình ảnh chữ ký của mình vào hợp đồng hay chối bỏ việc đã sử dụng tài khoản chữ ký số để giao kết hợp đồng; người mua hàng/sử dụng dịch vụ dễ dàng nhấp nút “đồng ý” được cài đặt sẵn bởi tính tiện dụng mà chưa nhận thức rõ về hệ quả pháp lý của hành vi này cũng như mặc nhiên đồng ý với bất kỳ sự thay đổi nào trong điều khoản hợp đồng; hợp đồng không có hiệu lực do các dạng chữ ký được sử dụng rộng rãi, nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh.

3.  Kinh nghiệm của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ trong việc ban hành quy định về chữ ký điện tử

3.1. Pháp luật Liên minh châu Âu

Theo Quy định số 910/2014 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu ngày 23/7/2014 về dịch vụ nhận dạng và ủy thác điện tử cho giao dịch điện tử trên thị trường nội bộ và bãi bỏ Chỉ thị Hướng dẫn số 1999/93/EC (eIDAS) đã thiết lập khung pháp lý cụ thể cho chữ ký điện tử nhằm hướng đến bảo mật toàn diện các phương tiện nhận dạng điện tử. Theo eIDAS, “chữ ký điện tử” được định nghĩa là dữ liệu dưới dạng điện tử được gắn liền với hoặc liên kết logic với dữ liệu khác dưới dạng điện tử và được người ký sử dụng để ký [10]. Chữ ký điện tử sẽ không bị từ chối giá trị pháp lý và giá trị chứng cứ trong các thủ tục pháp lý chỉ vì được thể hiện dưới dạng điện tử hoặc không đáp ứng các yêu cầu của chữ ký điện tử chứng thực (qualified electronic signature). Trong đó, chữ ký điện tử chứng thực là chữ ký điện tử cao cấp (advance electronic signature) được tạo ra bằng một thiết bị tạo chữ ký điện tử chứng thực và dựa trên Chứng chỉ chứng thực cho chữ ký điện tử [11]. Chữ ký điện tử cao cấp sẽ có giá trị pháp lý tương đương với chữ ký bằng viết tay [12]. Như vậy, về cơ bản, chữ ký điện tử có thể xem là có giá trị pháp lý như một chữ ký tay thông thường, dù có thể hiện ở dạng chữ ký điện tử thông thường hay chữ ký điện tử cao cấp (chữ ký điện tử chứng thực). Liên minh châu Âu cũng quy định cụ thể về điều kiện để công nhận chữ ký điện tử là loại chữ ký điện tử cao cấp, trong đó, chữ ký này phải đáp ứng đủ 4 điều kiện: (a) được kết nối duy nhất với chủ thể ký; (b) có khả năng xác định chủ thể ký; (c) được tạo ra bằng cách sử dụng dữ liệu tạo chữ ký điện tử có tính bảo mật cao và theo sự kiểm soát của chủ thể ký; (d) được liên kết với dữ liệu đã ký ở mức độ mà bất kỳ thay đổi nào trong dữ liệu đều có thể phát hiện được [13]. Có thể thấy, sự công nhận về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và các điều kiện đối với chữ ký điện tử cao cấp trong pháp luật của Liên minh châu Âu có sự tương đồng với giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và điều kiện công nhận chữ ký số trong pháp luật Việt Nam. Các yêu cầu đặt ra đối với chữ ký điện tử cao cấp của Liên minh châu Âu sẽ góp phần đảm bảo tính bảo mật, cũng như tính định danh chủ thể ký đối với hợp đồng điện tử. Như vậy, thông qua chữ ký điện tử cao cấp, chủ thể tham gia hợp đồng chứng minh được sự đồng ý đối với giao dịch cũng như có đủ cơ sở xem xét về tính hiệu lực của hợp đồng.

Top of Form

3.2. Pháp luật Hoa Kỳ

Tương tự như eIDAS của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ đã phát triển Đạo luật Thống nhất về Giao dịch Điện tử (UETA) nhằm mang lại sự chắc chắn pháp lý cho các giao dịch điện tử. UETA xóa bỏ rào cản đối với các giao dịch điện tử thông qua quy định bảo vệ hiệu lực pháp lý, khả năng thực thi của hồ sơ, chữ ký ở dạng điện tử hoặc hợp đồng hình thành từ việc sử dụng tài liệu điện tử [14]. Năm 2000, Nghị viện Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật Chữ ký Điện tử trong Thương mại Toàn cầu và Quốc gia (E-Sign), cung cấp một khung pháp lý liên bang cho thương mại điện tử. Tương tự UETA, E-Sign cũng ngăn chặn các quy định từ chối hiệu lực pháp lý của giao dịch trong thương mại liên tiểu bang hoặc nước ngoài với lý do chữ ký, hợp đồng hoặc hồ sơ của giao dịch đó được thực hiện dưới dạng điện tử hoặc vì chữ ký điện tử, hồ sơ điện tử đã được sử dụng trong quá trình hình thành một hợp đồng cụ thể [15]. E-Sign cũng đưa ra các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ cho người tiêu dùng bằng yêu cầu thực hiện một quy trình điện tử cụ thể để chứng minh sự đồng ý. Theo Mục 101(c) của E-Sign, trước khi đồng ý, người tiêu dùng phải được cung cấp một tuyên bố rõ ràng và dễ thấy về các thông tin như: quyền lợi của người tiêu dùng trong việc nhận hồ sơ trên giấy hoặc dưới dạng không điện tử; quyền rút lại sự đồng ý của người tiêu dùng và các điều kiện, hậu quả hoặc chi phí trong trường hợp rút lại này; các thủ tục mà người tiêu dùng phải sử dụng để rút lại sự đồng ý;… Sự đồng ý của người tiêu dùng phải được ghi nhận ở dạng điện tử và được thể hiện một cách hợp lý để chứng minh người tiêu dùng có khả năng truy cập thông tin ở dạng điện tử. Nếu có bất kỳ thay đổi nào liên quan đến việc truy cập hoặc lưu trữ các hồ sơ điện tử hoặc nếu thay đổi đó tạo ra một rủi ro khiến người tiêu dùng sẽ không thể truy cập hoặc lưu trữ hồ sơ điện tử liên quan đến sự đồng ý thì người tiêu dùng phải được thực hiện lại quy trình đồng ý [16]. Trên thực tế, các nhà bán lẻ thương mại điện tử thường đưa ra các điều khoản và điều kiện hợp đồng trên một trang web và ở dưới dạng Điều khoản sử dụng. Bằng cách nhấp vào nút "Tôi chấp nhận", người tiêu dùng được xem là đồng ý với các điều khoản hợp đồng. Các hợp đồng điện tử gần như tự động này (Quasi-Automated E-Contracts) rất phổ biến trên các trang web bán lẻ. Điều 2-204(4)(b) sửa đổi của Luật Thương mại Thống nhất (UCC) đã xem xét việc một hợp đồng điện tử có thể được hình thành khi người tiêu dùng nhấp vào nút "Chấp nhận" hoặc thanh toán từ một trang web thương mại điện tử. Hành động này được cho là thể hiện ý định của người mua là tiếp tục nhấp qua để hoàn tất giao dịch mặc dù có cơ hội hợp lý để từ chối. Vậy, khi pháp luật đưa ra quy trình chặt chẽ để thực hiện xác nhận sự đồng ý thì người tiêu dùng trong trường hợp này có thể hạn chế được những bất lợi và rủi ro nếu tham gia các giao dịch dạng nhấp nút "Chấp nhận" với các điều khoản có sẵn của bên bán/cung ứng dịch vụ.

4. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp lý liên quan đến tính hợp pháp của chữ ký trên hợp đồng điện tử

Thứ nhất, hợp đồng điện tử là một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên để thiết lập hoặc chấm dứt các mối quan hệ pháp lý, được diễn đạt dưới dạng điện tử. Từ đó, hành vi ký điện tử có thể tạo ra rất nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tính hợp pháp của chữ ký trên hợp đồng điện tử cũng như tính tự nguyện và ý chí của các chủ thể tham gia giao dịch điện tử khi xét trong mối liên quan với hành vi ký. Do đó, trên cơ sở tham khảo eIDAS, pháp luật Việt Nam rất cần các quy định minh thị, trực tiếp về việc công nhận hay không công nhận đối với các loại chữ ký đã hình thành hiện nay trong môi trường thương mại điện tử cũng như hệ quả pháp lý khi loại chữ ký được sử dụng là không hợp pháp. Đồng thời, cần thiết phải bổ sung thêm quy định về các yêu cầu, điều kiện đối với chữ ký điện tử nói chung và đối với các phương thức ký điện tử đặc thù chứ không chỉ quy định về chữ ký số như hiện nay. Điều này nhằm bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng điện tử, không chỉ ở tính bảo mật, định danh, không thể chối bỏ, tính toàn vẹn của thông tin, mà còn phản hồi kịp thời, phù hợp với sự phát triển đa dạng của chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử. 

Thứ hai, các hợp đồng điện tử, đặc biệt là hợp đồng được ký trực tuyến thông qua các trang web không thể đương nhiên có hiệu lực pháp lý chỉ bởi thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực theo Điều 117 của Bộ luật Dân sự năm 2015 mà cần có quy định riêng, chi tiết về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam cần bổ sung quy trình điện tử cụ thể để xác nhận sự đồng ý của các chủ thể tham gia hợp đồng trên cơ sở tham khảo E-Sign. Đây được xem như cách chứng minh hiệu quả tính tự nguyện và ý chí của chủ thể tham gia giao dịch điện tử, từ đó, đảm bảo tính hiệu lực của hợp đồng và sự bình đẳng của các bên tham gia, đặc biệt là trong trường hợp ký kết hợp đồng mẫu được soạn thảo sẵn bởi một bên trong hợp đồng. Ngoài ra, mọi sự thay đổi trong hợp đồng mà không có xác nhận sự đồng ý của bên còn lại được coi là vi phạm pháp luật và bên tự ý sửa đổi, thêm hoặc bớt điều khoản hợp đồng điện tử đã ký nên bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ ba, đặc thù của hợp đồng điện tử và sự đa dạng trong phương thức điện tử xác nhận sự đồng ý của chủ thể tham gia do đó tác giả cho rằng các quy định pháp luật đối với chữ ký điện tử cần phải xem xét cẩn trọng đến bối cảnh điện tử của loại hợp đồng này, thay vì chỉ đơn thuần xét đến tính chất, loại hợp đồng. Cụ thể, các hợp đồng điện tử được hình thành và hiển thị trên các phương tiện điện tử cần đáp ứng yêu cầu về tính rõ ràng, dễ đọc, dễ theo dõi trước khi chủ thể tham gia thực hiện hành vi xác nhận sự đồng ý giao dịch.

Thứ tư, để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong kinh doanh, cần thiết bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông thông qua thẩm quyền xét công nhận đối với các hình thức ký điện tử cụ thể mà các doanh nghiệp đề xuất. Điều này nhằm tăng tính khả thi trong thực hiện chuyển đổi số ở doanh nghiệp khi doanh nghiệp có thể chủ động triển khai các phương thức ký phù hợp với điều kiện kinh tế, quy mô và nhu cầu của mình.

 

Lời cảm ơn:

Tác giả cảm ơn Trường Đại học Văn Lang, địa chỉ: 69/68 Đặng Thùy Trâm, P. 13, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã hỗ trợ tài chính cho bài viết này.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2023). Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 - Hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững. Truy cập tại: https://vecom.vn/bao-cao-ebi-2023.

[2] Bộ Thông tin và Truyền thông (2023). Báo cáo Tình hình ứng dụng và phát triển chữ ký số tại Việt Nam năm 2023. NXB Thông tin và Truyền thông.

[3] Khoản 11 Điều 3 Luật Giao dịch Điện tử năm 2023

[4] Khoản 1 Điều 23 Luật Giao dịch Điện tử năm 2023

[5] Khoản 12 Điều 3, Khoản 3 Điều 22 Luật Giao dịch Điện tử năm 2023

[6] Khoản 4 Điều 22 Luật Giao dịch Điện tử năm năm 2023

[7] Nhĩ Anh (2023). Mới có 5% khách hàng các ngân hàng đang dùng chữ ký số. Truy cập tại: https://vneconomy.vn/moi-co-5-khach-hang-cac-ngan-hang-dang-dung-chu-ky-so.htm

[8] Gautrais, Vincent (2003-2004). The Colour of E-Consent, University of Ottawa Law & Technology Journal, 1, 189-212.

[9] Trung tâm trợ giúp Shopee Việt Nam (tháng 3/2024). Điều khoản dịch vụ, https://help.shopee.vn/portal/4/article/77243

[10] Điều 3(10), eIDAS

[11] Điều 3(11), eIDAS

[12] Điều 25, eIDAS

[13] Điều 26, eIDAS

[14] Điều 7(b), UETA

[15] Mục 101(a), E-Sign

[16] Kierkegaard, Sylvia Mercado (2006). E-contract formation: U.S. and EU perspectives. Shidler Journal of Law, Commerce & Technology, 3(3), 1-22.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2023). Luật Giao dịch điện tử năm 2023.
  2. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.     
  3. The Uniform Commercial Code (UCC) (2002). Revsied Article 2 - Sales 2002.
  4. The Uniform Electronic Transactions Act (UETA) 1999.
  5. The Electronic Signatures in Global and National Commerce Act (E-Sign) 2000.
  6. Regulation (EU) No 910/2014 on electronic identification and trust services for electronic transactions in the internal market and repealing Directive 1999/93/EC (eIDAS) 2014.
  7. Nhĩ Anh (2023). Mới có 5% khách hàng các ngân hàng đang dùng chữ ký số. Truy cập tại: https://vneconomy.vn/moi-co-5-khach-hang-cac-ngan-hang-dang-dung-chu-ky-so.htm
  8. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2023). Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 - Hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững. Truy cập tại:  https://vecom.vn/bao-cao-ebi-2023
  9. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023). Báo cáo tình hình ứng dụng và phát triển chữ ký số tại Việt Nam năm 2023. NXB Thông tin và Truyền thông.
  10. Trung tâm trợ giúp Shopee Việt Nam (tháng 3/2024). Điều khoản dịch vụ. Truy cập tại: https://help.shopee.vn/portal/4/article/77243
  11. Gautrais, Vincent (2003-2004). The Colour of E-Consent. University of Ottawa Law & Technology Journal, 1, 189-212.
  12. Kierkegaard, Sylvia Mercado (2006). E-contract formation: U.S. and EU perspectives. Shidler Journal of Law, Commerce & Technology, 3(3), 1-22.

 

The legality of electronic signatures in electronic contracts: Experiences from the European Union and the United States - Recommendations

LLM. Tran Thien Trang

Faculty of Law, Van Lang University

Abstract:

With the rapid development of science and technology, the emergence of electronic contracts not only meets the needs of economic and social development but also brings many advantages to the related parties. However, electronic contracts have posed significant and comprehensive challenges to legal mechanisms. This study clarified the legality of electronic signatures in electronic contracts by analyzing the regulations of the Law on Electronic Transactions 2023. This study also presented references to the experiences of the European Union and the United States in issuing regulations on electronic signatures. Based on the study’s findings, some recommendations were made to strengthen Vietnam’s regulations on electronic signatures.

Keywords: electronic contracts, electronic signatures, digital signatures, the Law on Electronic Transactions, the European Union.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13 tháng 6 năm 2024]