Kết thúc quý 2/2024, Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (mã cổ phiếu GEG - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 487 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng tới 27% nên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm 19%, còn 212 tỷ đồng.
Xét về cơ cấu, doanh thu bán điện chiếm tới 99,6% tổng doanh thu trong kỳ, đạt 485,8 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu cung cấp dịch vụ giảm 57%, chỉ còn 1,8 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng doanh thu trong kỳ.
Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Điện Gia Lai ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1,2 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Điện Gia Lai đạt 630 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 127,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,6% và 15% so với cùng kỳ năm 2023, phần lớn nhờ mữ lãi cao trong quý 1/2024.
Năm nay, Điện Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu thuần ở mức 3.120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 270 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 88% so với mức thực hiện của năm 2023. Như vậy, sau nửa năm, công ty đã hoàn thành 39% kế hoạch doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Phú Hưng, Điện Gia Lai nhiều khả năng sẽ hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh “tham vọng” năm nay với lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 395 tỷ đồng, cao gấp đôi năm 2023 trong bối cảnh Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW, Tiền Giang) đang hoạt động tối đa công suất.
Hiện Chứng khoán Phú Hưng dự báo sản lượng điện năm nay của Điện Gia Lai có thể đạt tới 1,42 triệu kWh, tăng 15% so với công suất thực tế của năm ngoái và cao hơn 4% so với kế hoạch hiện nay.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán ngày 13/8, thị giá cổ phiếu GEG đã giảm kịch biên độ, chỉ còn 13.150 đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân được cho là toàn bộ 04 dự án điện gió của Điện Gia Lai nằm trong diện 32 dự án điện gió và điện mặt trời được Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công An yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu.
Các dự án điện gió trên của Điện Gia Lai có tổng công suất 230 MW, gồm: Tân Phú Đông 1 (100 MW, Tiền Giang), Tân Phú Đông 2 (50 MW, Tiền Giang), La Bang 1 (50 MW, Gia Lai), và VPL Bến Tre (30 MW, Bến Tre).
Đáng chú ý, hiện Điện Gia Lai phát sinh dư nợ dài hạn lên đến 8.628 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay tài trợ cho các dự án điện gió trên, gồm: Tân Phú Đông 1 (2.628 tỷ đồng); Tân Phú Đông 2 (1.536 tỷ đồng); La bang (1.096 tỷ đồng); Nhà máy Điện gió VPL (1.010 tỷ đồng).
Tại thời điểm cuối quý 2, nợ phải trả của Điện Gia Lai đạt 10.193 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn của công ty lên đến 9.943 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu.
Điện Gia Lai là công ty con chuyên phụ trách mảng năng lượng trong hệ sinh thái của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group). Trong đó, loạt công ty con của TTC Group đang nắm giữ lượng lớn vốn cổ phần của Điện Gia Lai. Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công, Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã cổ phiếu SBT), Công ty Cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (mã cổ phiếu ABT) đang lần lượt nắm giữ 14,13%, 9,24%, và 5,32% vốn cổ phần Điện Gia Lai.
Ngoài ra, bà Huỳnh Bích Ngọc - vợ của ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch TTC Group cũng đang trực tiếp nắm giữ 0,36% vốn cổ phần Điện Gia Lai.