Tổng giám đốc Công ty Phân lân Văn Điển Hoàng Văn Tại: Đồng hành & chia sẻ với nông dân

Quen với khó khăn dồn dập

Đến tận bây giờ, cựu kỹ sư hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội, Hoàng Văn Tại vẫn không quên được ấn tượng buổi đầu tiên đến thực tập tại Nhà máy Phân lân Văn Điển năm vào 1978. Ở thời điểm đó, Nhà máy bụi đến mắt cá chân, cây cối chết hết, còn duy nhất cây đại, cây phi lao gãy ngọn. Đứng trước cửa Nhà máy chờ bắt xe bus về Trường, ông nói với hơn 30 bạn cùng lớp rằng sẽ không bao giờ về đây làm việc. Nhưng ở đời, đôi khi cơ duyên mạnh hơn ý nguyện, ông về Nhà máy năm 1983.

Gần 30 năm sau, Nhà máy đã trở thành Công ty, rồi Công ty cổ phần, ông cũng lần lượt trải qua các vị trí Đốc công Phân xưởng, Phó phòng Kỹ thuật, Trưởng phòng Kỹ thuật, Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc, nhưng điều kiện làm việc của người lao động vẫn là điều ông đau đáu nhất.

Năm 2010, khi ông lên làm Tổng giám đốc, cũng là năm đầu tiên hoạt động theo mô hình cổ phần có gần 140 người, chiếm ¼ số lao động xin nghỉ mất sức, vì cảm thấy khó trụ được ở môi trường lao động nặng nhọc, độc hại. Công ty phải bỏ ra tiền tỷ giải quyết chế độ, lao động thiếu trầm trọng, việc tuyển và đào tạo lao động mới không kịp bù đắp số lao động xin nghỉ, vài chục ngàn tấn sản phẩm tồn kho ở miền Trung chưa được xử lý, nguy cơ không hoàn thành kế hoạch trước Nhà nước, trước đại hội cổ đông… Hàng bao sức ép dồn dập đè nặng lên người mới cầm trịch.

Nhưng ông bảo, đời ông quen với những khó khăn dồn dập rồi, kể cả những cái “hỡi ơi” từ trên trời rơi xuống, cái chính phải biết phân loại chính - phụ. Tỷ như trong hàng đống sức ép ấy, cái chính là con người, đảm bảo chế độ thỏa đáng cho người lao động thì những sức ép khác tự khắc tiêu tan. Đối với người lao động, ông lại chọn ra hai cái chính là điều kiện lao động và tiền lương. Trong điều kiện lao động, lại lấy ý kiến công nhân để chọn những khâu cấp bách nhất: bốc xếp, ép quặng, đóng bao… để đưa máy móc vào.

Song song với giải quyết cái trước mắt, phải tính kế lâu dài. Ông yêu cầu công đoàn tập hợp sáng kiến từ ý tưởng trở đi. Theo quy định của Công ty, chỉ cần đưa ra ý tưởng sáng kiến, người lao động đã được thưởng 100.000 đồng, nếu được áp dụng vào sản xuất, người lao động sẽ được hưởng % trên giá trị làm lợi. Cơ chế khuyến khích này đã tạo một phong trào thi đua sáng tạo rộng khắp. Riêng năm 2013, đã có 21 ý tưởng và các sáng kiến được đề xuất khen thưởng, 10 đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất.

Bản thân ông cũng luôn đi đầu trong chuyện này. Sáng kiến “Nghiên cứu cải tiến công nghệ và thiết bị sử dụng trấu ép thay cho than antraxít trong sấy lân tại phân xưởng Sấy nghiền” năm 2013 của anh đã đem lại giá trị làm lợi khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo lần thứ 7.

Xử lý khu vực lao động nặng nhọc, độc hại, phát huy sáng kiến của công nhân đã tạo ra một hình ảnh Công ty mới trong mắt người lao động. Không còn tình trạng người xin nghỉ hưu sớm. Công ty đã xóa bỏ được đội vệ sinh công nghiệp (60 - 80 người chuyên quét đường) nhưng mặt bằng Công ty luôn giữ sạch sẽ 24/24 giờ; điều kiện làm việc của công nhân ngày càng được cải thiện, đời sống của CBCN ngày càng được nâng cao; được Bộ Tài nguyên & Môi trường quyết định đưa ra khỏi danh sách theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ; được tặng giải thưởng môi trường.

10 điều tâm huyết

Nhiều năm qua, ông là người đi khắp cả nước chỉ để làm mỗi một việc là quảng bá cho việc sử dụng hiệu quả phân lân, NPK Văn Điển, ở những vùng thổ nhưỡng khác nhau.

Ông bảo có đi mới biết nông dân nước mình… liều quá. Ở Hội thảo đánh giá tác dụng của phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển và chế phẩm sinh học Tam Nông trong sản xuất chè an toàn tại tỉnh Phú Thọ, mới thấy bà con nông dân đang hiểu sai quy trình bón phân cho cây chè. Thông thường, cây trồng sau mỗi vụ thu hoạch hút đi từ đất tới 20 nguyên tố hóa học, nhưng trong các hướng dẫn khuyến nông hiện nay chủ yếu khuyến cáo người dân cân đối 3 loại dinh dưỡng đa lượng là N (đạm), P (lân) và K (kali) mà rất ít khi đề cập tới các yếu tố trung lượng và vi lượng vô cùng quan trọng khác như: Mg (magiê), Si (silic), Zn (kẽm), Fe (sắt), Cu (đồng)…

Hội thảo khoa học, hội thảo đầu bờ là một kênh thông tin giúp bà con nông dân hiểu và sử dụng phân bón Văn Điển hiệu quả hơn, phù hợp hơn với vùng đất sản xuất của mình. Năm 2014, Phân lân Văn Điển phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức chuỗi 3 hội thảo quốc gia về sử dụng hiệu quả phân bón Văn Điển tại miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam.

Dọc ngang trên những vùng thổ nhưỡng khác nhau của đất nước, cùng với kinh nghiệm hơn 50 năm của nhà sản xuất, ông đúc rút 10 kinh nghiệm sử dụng phân bón hiệu quả cho bà con nông dân như sau:

Thứ 1, không ham rẻ, khuyến mại cao vì đã là doanh nghiệp, lợi nhuận là yếu tố không thể thiếu. Nếu rẻ mà khuyến mại lớn chỉ có thể là chất lượng thấp hoặc giả. Thứ 2, không sính ngoại, ta đã chứng minh được dinh dưỡng ngoại hay nội đều giống nhau, trong khi phân bón ngoại lại đắt hơn. Thứ 3, không mua phân bón bị vón cục, đóng rắn cứng ngắc hoặc chảy nước vì chúng đã bị biến đổi chất lượng. Thứ 4, chọn mua các loại phân của các doanh nghiệp uy tín. Thứ 5, chọn phân bón chứa nhiều loại dinh dưỡng khác nhau. Thứ 6, chọn phân bón phù hợp với cây trồng và đất, ruộng chua ta phải dùng loại phân kiềm, nếu độ pH thấp không nên mua supe, DAP, SA… Thứ 7, chọn phân bón phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cây. Thứ 8, chọn loại phân phù hợp với đối tượng cây trồng, đất trồng. Thứ 9, chọn loại phân bón tan chậm trong đất để tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Thứ 10, chọn phân có giá thành trên % đơn vị dinh dưỡng thấp nhất (chia giá thành 1kg phân bón cho tổng % dinh dưỡng ghi trên bao bì). Nếu doanh nghiệp uy tín mà bán phân bón đắt, hưởng nhiều lãi quá ta cũng không nên mua.

Chia sẻ thêm những kinh nghiệm thực tế, ông cho rằng những đặc sản của địa phương như gạo Séng Cù, nếp Tú Lệ, nếp nương Điện Biên, chè Tân Cương… ngoài việc có giống tốt còn là do đất ở những nơi đó có các nguyên tố trung vi lượng phù hợp, đặc thù nên chúng có hương vị riêng.

Tuy nhiên, nếu ta cứ lạm dụng đến một lúc nào đó chúng sẽ không còn các đặc sản đó nữa vì các chất đó bị sử dụng hết mà không được bổ sung. Vì thế, Phân bón Văn Điển của ông đang tiến hành nghiên cứu bổ sung những chất đất hiếm đó để duy trì hương vị đang có và tạo ra ở những vùng khác hương vị ngon tương tự.