Bộ Tư pháp Philippines yêu cầu nhanh chóng chấm dứt quy định QRs nhập khẩu gạo
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Philippines đã thúc giục Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippiens hủy bỏ quy định hạn chế định lượng (QRs) đối với gạo nhập khẩu do quy định “đối xử đặc biệt” của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với ngành lúa gạo của Philippines đã hết hạn từ tháng 6/2012.
Bộ Tư pháp Philippines (DJ) đã đưa ra một “yêu cầu cho ý kiến” về vấn đề hạn chế định lượng đối với gạo nhập khẩu tới Bộ Nông nghiệp Philippines (DA) và Cơ quan quản lý lương thực Philippines (NFA). Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Philippines, cả DA và NFA đều có thể tiếp tục áp dụng QRs do đây chỉ là yêu cầu cho ý kiến chứ không phải yêu cầu pháp lý. DJ sẽ đưa ra một ý kiến pháp lý mang tính dứt khoát hơn sau khi xem xét các cách giải thích khác nhau về việc có nên tiếp tục duy trì QRs hay không.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Philippines, yêu cầu nới rộng thời hạn có hiệu lực của QRs đối với gạo nhập khẩu cho tới năm 2017 của Chính phủ Philippines hiện vẫn đang bị trì hoãn và không có thỏa thuận hiện hành nào cho việc nới rộng thời hạn của QRs. Do đó Chính phủ Philippines cần tôn trọng việc kết thúc thời hạn của QRs. Hiện các nhập khẩu gạo Philippines đang chờ ý kiến pháp lý của DJ.
Vào năm 1995, WTO đã cấp “quy định đối xử đặc biệt” cho ngành gạo của Philippines trong vòng 10 năm và quy định này đã được nới rộng thời hạn đến ngày 30/6/2012. Sau đó, Chính phủ Philippines đã nỗ lực gia hạn quy định này hai lần nhưng đều bị các thành viên của WTO từ chối.
Việc Philippines tiếp tục thực hiện QRs đã khiến tình trạng buôn lậu gạo tại quốc gia này tăng cao. DJ cho biết việc chấm dứt tình trạng buôn lậu gạo sẽ đem lại lợi ích cho hàng nghìn nông dân canh tác lúa gạo. Người tiêu dùng tại Philippines cũng có thể mua được nhiều gạo hơn từ NFA với mức giá 27 Peso Philippines/kg (600 USD/tấn) so với mức giá trên thị trường hiện đạt 36,74 Peso Philippines/kg (830 USD/tấn).
Nigeria sẽ sớm hạ mức thuế đối với gạo nhập khẩu
Trang oryza.com cho biết Chính phủ Nigeria sẽ sớm xem xét chính sách thuế đối với gạo hiện tại và có khả năng sẽ khuyến khích đầu tư vào ngành sản xuất gạo tại Nigeria cùng với việc giảm tình trạng buôn lậu gạo.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nigeria cho biết Chính phủ Nigeria có khả năng sẽ đưa ra mức thuế suất thuế nhập khẩu gạo thấp hơn nhằm khuyến khích việc đầu tư và hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo, qua đó giảm tình trạng buôn lậu gạo tại Nigeria xuống. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nigreira, việc gia tăng mức thuế suất nhập khẩu gạo lên mức 110% đã khuyến khích người nông dân nước này canh tác lúa gạo nhiều hơn. Nhưng điều này cũng đồng thời khiến tình trạng buôn lậu gạo trên biên giới đất liền của Nigeria gia tăng mạnh khi các quốc gia láng giềng vói Nigeria giảm thuế suất nhập khẩu gạo 10%.
Trong tháng 2/2014, Chính phủ Nigeria đã đồng ý giảm mức giá tính thuế đối với gạo nhập khẩu từ mức 570 USD/tấn xuống mức 190 USD/tấn nhưng mức giá tính thuế mới này vẫn chưa được áp dụng. Các nhà nhập khẩu gạo Nigeria đang thúc giục Chính phủ Nigeria áp dụng ngay lập tức mức tính thếu mới nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu gạo. Nigeria hiện lên kế hoạch cấm nhập khẩu gạo vào năm 2015. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo trong niên vụ 2013/14 của Nigeria ước đạt 2,7 triệu tấn và Nigeria sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo.
Thái Lan lên kế hoạch bán ra 1,2 triệu tấn gạo trong tháng 3/2014
Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại thuộc Chính phủ lâm thời Thái Lan, Chính phủ lâm thời Thái Lan đang lên kế hoạch bán đáu giá 1,2 triệu tấn gạo vào tháng 3/2014. Trong đó, sẽ có khoảng 516.000 tấn gạo được bán đấu giá thông qua Sàn giao dịch Nông sản tương lai Thái Lan (AFET) vào ngày 11/3.
Theo kế hoạch, sẽ có 244.000 tấn gạo được chào bán vào ngày 12/3; 247.000 tấn gạo sẽ được bán ra vào ngày 26/3; lượng gạo được chào bán trên sàn AFET trong ngày 12/3 bao gồm gạo trắng 5% tấm và gạo jasmine 100% tấm. Bộ trưởng Bộ thương mại Thái Lan cùng với các đại diện đến từ Tổ chức nhà kho công cộng (PWO) và Phòng Nội thương (DIT) sẽ tiến hành kiểm tra gạo được dự trữ trong các nhà kho trước các phiên đấu giá nhằm tạo dựng lòng tin của các nhà đầu tư đối với chất lượng gạo Thái Lan.