Thái Lan lên kế hoạch lấy lại thị phần tại các nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới
Trang oryza.com cho biết, Bộ Thương mại Thái Lan và các nhà xuất khẩu gạo nước này đang đề xuất ra các kế hoạch nhằm lấy lại thị phần tại những nước nhập khẩu gạo lớn như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) và Vụ Ngoại thương Thái Lan đã tổ chức các cuộc họp nhằm đưa ra giải pháp bán gạo cho niên vụ 2014/2015. Các cuộc họp này đã tập trung vào việc nâng cao lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Philippines. Chủ tịch danh dự TREA đã cho biết Bộ Thương mại Thái Lan sẽ tập trung xuất khẩu gạo thông qua các hợp đồng liên Chính phủ (G2G) và sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân để cung cấp đủ lượng gạo cần thiết; các doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ tham gia đàm phán xuất khẩu gạo sang Indonesia và Philippines.
Vụ trưởng Vụ Ngoại thương Thái Lan cho biết một đoàn đại biểu Thái Lan sẽ sang thăm Trung Quốc trong tuần này nhằm thảo luận, hoàn tất hợp đồng mua 1 triệu tấn gạo Thái Lan của Trung Quốc. Tính đến thời điểm này, Thái Lan mới chỉ xuất khẩu được 100.000 tấn gạo sang Trung Quốc theo hợp đồng trên.
Ủy ban hòa bình và trật tự quốc gia Thái Lan (NCPO) đã hướng dẫn Bộ Thương mại Thái Lan lên kế hoạch xả bán gạo dự trữ phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. NCPO cho biết, hoạt động thanh tra đã kiểm tra được 72% trong tổng số 1.787 nhà kho dư trữ gạo tại Thái Lan và gần 80% lượng gạo được kiểm tra đạt khối lượng và chất lượng như được ghi trong các hồ sơ lưu trữ. NCPO dự kiến sẽ cho phép tiếp tục xả bán gạo dự trữ trong tháng 8/2014.
Theo TREA, trong 4 tháng đầu năm 2014, Thái Lan xuất khẩu được 2,94 triệu tấn gạo, tăng 48% so với mức 1,985 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2013. TREA dự kiến Thái Lan sẽ xuất khẩu được 9 triệu tấn gạo trong năm 2014, tăng 34% so với mức 6,7 triệu tấn trong năm 2013.
Tổng thống Philippines ủng hộ kế hoạch nhập khẩu 500.000 tấn gạo
Hãng tin Bloomberg cho biết, vào ngày 28/7/2014, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã lên tiếng cho biết ủng hộ kế hoạch nhập khẩu gạo của Cơ quan quản lý lương thực quốc gia Philippines (NFA).
Trong bài phát biểu Thông điệp quốc gia hàng năm, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã nhấn mạnh rằng NFA được phép nhập khẩu gạo nhằm duy trì lượng gạo dự trữ cần thiết cũng như kiểm soát việc giá gạo tăng cao và NFA có thể nhập khẩu gạo nhằm chuẩn bị cho những thiên tai có thể xảy ra. Tuyên bố của ông Benigno Aquino được đưa ngay trước cuộc đấu thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo do NFA tổ chức, dự kiến diễn ra vào ngày 12/8/2014.
Ông Benigno Aquino cũng cho biết Chính phủ Philippines muốn nhập khẩu một lượng gạo vừa đủ để ngăn chặn sự tặng giá bán lẻ gạo trong thị trường nội địa. Gạo nhập khẩu sẽ giúp kiểm soát tình trạng đầu cơ của các thương nhân và tăng nguồn cung gạo ra thị trường nội địa.
Trang oryza.com cho biết, việc nhập khẩu gạo của Philippines nhằm nâng cao lượng gạo dự trữ sau khi cơn bão Glenda đã phá hủy mùa màng tại một số khu vực canh tác lúa gạo của Philippines. Tính đến tuần trước, lượng gạo trong các kho dự trữ của NFA, các doanh nghiệp tư nhân và của các hộ gia đình chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo của Philippines trong 83 ngày, thấp hơn so với mức trung bình 90 ngày.
Dự báo Indonesia sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong năm 2014
Dựa trên chính sách của Chính phủ Indonesia về việc đảm bảo dự trữ đủ gạo trước những tác động của hiện tượng El Nino, Tổ chức nông nghiệp và lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo trong năm 2014, tăng 70% so với mức 705.880 tấn trong năm 2013.
FAO cũng dự báo sản lượng thóc của Indonesia trong năm 2-14 đạt 69,87 triệu tấn (tương đương 44,42 triệu tấn gạo xay xát thông thường), giảm 2% so với mức 71,28 triệu tấn trong năm 2013. Nguyên nhân do diện tích canh tác bị thu hẹp khi nông dân Indonesia chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác cũng như tình trạng lũ lụt xảy ra trong giai đoạn từ giữa tháng 1 – tháng 2/2014 tại một số khu vực canh tác lúa gạọ chính của Indonesia.
Giá bán lẻ gạo trung bình tại thị trường nội địa Indonesia trong tháng 7/2014 đạt 8,84 triệu Rupiah (763 USD)/tấn, tăng nhẹ so với hồi tháng 6/2014. Nhằm ngăn chặn tình trạng giá bán gạo tăng cao, Chính phủ Indonesia đã tuyên bố xả bán gạo chất lượng trung bình với giá bán dưới giá thị trường thông qua Cơ quan phụ trách hậu cần Indonesia (Bulog).
Cơ quan thống kê quốc gia Indonesia (BRS) dự báo sản lượng thóc của Indoneisa trong năm 2014 đạt 69,8 triệu tấn (tương đương 44,42 triệu tấn gạo xay xát thông thường), giảm 2% so với mức 71,28 triệu tấn trong năm 2013.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng thóc của Indonesia chỉ đạt 58,83 triệu tấn (tương đương 37,36 triệu tấn gạo xay xát thông thường) trong năm 2014; dự kiến lượng gạo nhập khẩu của Indonesia trong năm 2014 đạt 1,5 triệu tấn.