BTV Lan Anh: Chào mừng quý vị và các bạn đến với tọa đàm “Ứng dụng AI trong sản xuất: Động lực đổi mới và phát triển” trong Chương trình Góc nhìn chuyên gia của Tạp chí Công Thương. Tôi là Lan Anh sẽ đồng hành cùng quý vị và các bạn trong Toạ đàm ngày hôm nay.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang nhanh chóng trở thành một yếu tố then chốt. Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 - đặt mục tiêu 2025, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nỗ lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất để nâng cao lợi thế cạnh tranh. Những kết quả ban đầu đã đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình và tạo ra những bước đột phá trong sản xuất.
Tuy nhiên, để ứng dụng và phổ biến AI hơn nữa trong sản xuất, vẫn còn không ít khó khăn và thách thức và đòi hỏi sự chuyển biến đồng bộ mạnh mẽ hơn nữa.
Cơ hội và thách thức hiện nay như thế nào trong việc ứng dụng AI vào sản xuất? Cần những trợ lực ra sao để thúc đẩy ứng dụng trong lĩnh vực này?
Vấn đề này sẽ được chia sẻ dưới góc nhìn đa dạng và sâu sắc hơn tại tọa đàm của Tạp chí Công Thương hôm nay.
Tọa đàm với chủ đề: "Ứng dụng AI trong sản xuất: Động lực đổi mới và phát triển"
Tham dự tọa đàm, có sự tham gia của các vị khách mời:
- Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.
- Ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông.
- Ông Trần Mạnh Hà - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa.
- Ông Hồ Minh Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Triển khai AI - FPT Smart Cloud.
Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia Tọa đàm hôm nay.
Và trước khi bắt đầu buổi Tọa đàm, xin mời quý vị cùng theo dõi một phóng sự do Tạp chí Công Thương tổng hợp.
BTV Lan Anh: Trở lại trường quay của Tạp chí Công Thương, câu hỏi đầu tiên tôi xin gửi tới ông Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công Thương.
Thưa ông, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương năm 2025 là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng của KHCN, đổi mới sáng tạo, góp phần làm mới và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống đồng thời khai thác có hiệu quả các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các ngành công nghệ cao như chíp, bán dẫn, công nghệ AI…).
Xin ông cho biết Bộ Công Thương đã và đang có những kế hoạch như thế nào trong việc khai thác các động lực tăng trưởng mới nói trên, đặc biệt trong việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ AI vào hoạt động sản xuất?
Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương:

Trong thời gian qua và năm 2025, Bộ Công Thương sẽ triển khai hàng loạt giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ mới và AI trong hoạt động nội bộ Bộ Công Thương.
Ngoài ra, đối với công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương có một số giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, về thể chế, ngày 13/11/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 116 ban hành kế hoạch hành động nhằm triển khai Nghị quyết 03 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 57 của Trung ương liên quan đến đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0, trong đó có AI.
Về triển khai thực tế, thời gian qua và trong năm 2025, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động mời các doanh nghiệp hàng đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0 và AI như SIEMENS, Samsung, Toyota tổ chức hội nghị tập huấn, khóa đào tạo cho doanh nghiệp trong ngành nhằm tăng cường nguồn nhân lực.
Thứ hai, đẩy mạnh khuyến khích doanh nghiệp trong ngành ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là AI trong sản xuất.
Thứ ba, Bộ Công Thương tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tận dụng kinh nghiệm từ các tập đoàn, doanh nghiệp, Chính phủ nước ngoài có lợi thế, từ đó ứng dụng và phát huy trong ngành công thương.
BTV Lan Anh: Xin cảm ơn ông ạ. Một câu hỏi tiếp theo tôi xin gửi tới đại diện của đơn vị và chuyên cung cấp các giải pháp về trí tuệ nhân tạo cho các doanh nghiệp.
Thưa ông Hồ Minh Thắng, điểm đặc biệt về xu hướng ứng dụng AI trong ngành sản xuất tại Việt Nam hiện nay như thế nào? So với khu vực và thế giới, FPT Smart Cloud đánh giá mức độ ứng dụng AI trong sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu, thưa ông?
Ông Hồ Minh Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Triển khai AI - FPT Smart Cloud:

Hiện nay, mức độ ứng dụng AI của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt sau những năm gần đây khi ChatGPT và các công nghệ mới liên tục thay đổi, đã tăng lên đáng kể với sự tham gia của nhiều ngành nghề hơn.
Khoảng 5 năm trước, FPT bắt đầu cung cấp dịch vụ AI cho doanh nghiệp Việt Nam, tập trung chủ yếu vào ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, sau đó mới đến bán lẻ và sản xuất. Khi AI bùng nổ trong hai năm gần đây, các doanh nghiệp đa ngành bắt đầu tham gia nhiều hơn.
So sánh trong khu vực, có thể thấy Mỹ và Trung Quốc thuộc nhóm dẫn đầu với những bước tiến mạnh mẽ. Nhóm tiếp theo là các nước phát triển hơn như châu Âu hoặc trong khu vực có Singapore. Việt Nam hiện nằm ở nhóm thứ ba. Tuy nhiên, mức độ quan tâm và sẵn sàng ứng dụng AI của doanh nghiệp Việt Nam khá cao. Như Lan Anh đã chia sẻ, Việt Nam hiện đứng thứ sáu trong khu vực ASEAN về mức độ sẵn sàng ứng dụng AI và thứ 59 thế giới. Mục tiêu đến năm 2030 là vào tốp 50 thế giới và đứng thứ tư ASEAN.
Xu hướng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn tập trung vào nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng năng suất, tối ưu và tự động hóa hoạt động.
BTV Lan Anh: Dạ vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông và để qua góc nhìn cụ thể hơn về việc triển khai AI thực tế tại doanh nghiệp chúng ta sẽ đến với một doanh nghiệp luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vâng, thưa ông Nguyễn Đoàn Kết, Rạng Đông đã triển khai những bước đi cụ thể nào trong việc ứng dụng AI vào sản xuất và kết quả ra sao?
Ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông:

Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đặc biệt là sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), tốc độ phát triển công nghệ ngày càng nhanh. Trước bối cảnh đó, Rạng Đông đã triển khai chiến lược AI hóa, bắt đầu từ việc hệ thống hóa lý luận, nghiên cứu xu hướng phát triển của AI, đồng thời xác định vị trí của Việt Nam và thế giới trên đường cong công nghệ AI do Gardner đưa ra. Dựa trên những nghiên cứu này, Rạng Đông khái quát hóa hệ thống lý luận, tìm hiểu tính năng và công năng của các công cụ AI mới để xây dựng một chiến lược riêng, phù hợp với thực tiễn.
Chiến lược này phải đảm bảo ba yếu tố quan trọng. Thứ nhất, tính hướng định, nghĩa là mọi ứng dụng AI đều phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thứ hai, tính hệ thống, tức là chiến lược phải là một hệ thống mở, trong đó mỗi bước đi là sự tiếp nối của bước trước. Thứ ba, tính nền tảng, đảm bảo các nền tảng công nghệ được kết nối và liên kết chặt chẽ với nhau.
Dựa trên những nguyên tắc đó, Rạng Đông tập trung vào năm trụ cột chính trong chiến lược AI hóa. Đầu tiên, AI được ứng dụng để phát triển sản xuất và dịch vụ. Tiếp theo, AI hỗ trợ xây dựng nền sản xuất thông minh. Thứ ba, các công nghệ AI được áp dụng để phát triển mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và trải nghiệm khách hàng. Thứ tư, AI được sử dụng trong quản trị và điều hành để tăng tính linh hoạt trong tổ chức. Cuối cùng, Rạng Đông đầu tư vào việc xây dựng trung tâm dữ liệu số để phục vụ công tác điều hành sản xuất, kinh doanh.
Trên cơ sở chiến lược này, doanh nghiệp liên tục tìm hiểu và cập nhật các công nghệ AI tiên tiến như AI xử lý tại biên, mô hình ngôn ngữ lớn, mô hình ngôn ngữ nhỏ, mô hình lai để phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI vào sản xuất không thể diễn ra đồng loạt mà cần lựa chọn những quy trình ưu tiên. Rạng Đông xác định ba nhóm quy trình cần được tập trung trước, bao gồm các quy trình đang gặp điểm nghẽn, các quy trình yếu kém và các quy trình có đủ dữ liệu cũng như nhân lực để triển khai AI hiệu quả.
Sau quá trình triển khai, Rạng Đông đã đạt được những kết quả đáng kể. Doanh nghiệp đã thương mại hóa thành công hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ 4.0, đưa ra thị trường những sản phẩm ứng dụng công nghệ AI. Đồng thời, hệ thống sản xuất xanh, thông minh và linh hoạt cũng được xây dựng, với mức độ tự động hóa, robot hóa và AI hóa ngày càng cao. Rạng Đông cũng phát triển mô hình kinh doanh số, góp phần nâng cao doanh thu đáng kể. Một bước tiến quan trọng khác là chuyển đổi mô hình quản trị, từ chức năng tuyến tính sang mô hình ma trận, giúp doanh nghiệp vận hành linh hoạt và hiệu quả hơn.
Đây là những thành tựu mà Rạng Đông đã đạt được trong quá trình xây dựng và triển khai chiến lược AI hóa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
BTV Lan Anh: Xin cảm ơn ông những kết quả thực sự là rất ấn tượng ạ. Vâng vậy, ở góc độ là một Viện nghiên cứu đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có bước đột phá trong các hoạt động cụ thể như thế nào thì câu hỏi tiếp theo tôi xin gửi tới ông Trần Mạnh Hạ.
Thưa ông, xin ông cho biết là Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hoá (VIELINA) đã triển khai những sản phẩm AI nào trong sản xuất công nghiệp. Các sản phẩm trong sản xuất công nghiệp ứng dụng AI của Viện có khác biệt so với các sản phẩm thông thường hay không?
Ông Trần Mạnh Hà - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa:

Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa là đơn vị khoa học công nghệ của Bộ Công Thương, chuyên về điện tử, công nghệ thông tin và tự động hóa. Hiện nay, Viện phát triển các hệ thống điều khiển giám sát tập trung cho hầm lò, hệ thống định lượng, giám sát môi trường, giám sát khí thải, cùng các phần mềm ứng dụng công nghệ thị giác AI.
Với thế mạnh về nhân lực và đội ngũ chuyên gia nghiên cứu sâu về tự động hóa, Viện đã phát triển một số sản phẩm liên quan đến AI, đặc biệt là các ứng dụng thị giác AI trong kiểm tra sản phẩm bằng hình ảnh, giúp phát hiện khuyết tật bên ngoài và kết nối với hệ thống quản lý sản phẩm để đưa ra cảnh báo. Hiện nay, sản phẩm này đã được ứng dụng tại một số doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, Viện cũng phát triển dòng sản phẩm phục vụ trong mỏ than hầm lò, bao gồm hệ thống giám sát điều khiển tập trung trong trạm biến áp cho các công ty khai thác than. Đa số hệ thống giám sát hiện nay ở Việt Nam chủ yếu sử dụng SCADA, chưa tích hợp các công cụ phân tích dữ liệu để hỗ trợ dự báo, cảnh báo. Sản phẩm của Viện đã khắc phục điểm hạn chế này và hiện đang được triển khai thành công tại mỏ than Hòn Gai.
Đây là một số sản phẩm tiêu biểu của Viện trong những năm gần đây, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát, điều khiển và ứng dụng AI trong công nghiệp.
BTV Lan Anh: Xin cảm ơn ông và chúng ta vừa được lắng nghe những chia sẻ từ thực tiễn của các doanh nghiệp. Vậy thưa ông Hoàng Ninh theo ông, từ những kinh nghiệm thực tế ứng dụng AI tại các doanh nghiệp ngành Công Thương, theo ông yếu tố nào sẽ quyết định thành công của hoạt động này trong doanh nghiệp?
Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương:
Việc ứng dụng AI trong sản xuất tại Việt Nam ngày càng phổ biến, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu lãng phí. Một số ngành, lĩnh vực trong công nghiệp và thương mại đã ứng dụng AI thành công.
Ví dụ, trong ngành dệt may, điển hình là Vinatex, AI được sử dụng để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng và dự báo nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu thị trường. Nhờ đó, Vinatex đã giảm 30% thời gian sản xuất, tăng độ chính xác và giảm lãng phí.

Trong ngành da giày, AI hỗ trợ thiết kế mẫu mã, phân tích xu hướng thị trường và tự động hóa dây chuyền sản xuất. Trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất, Tổng Công ty Máy động lực và Máy công nghiệp thuộc Bộ Công Thương đã ứng dụng AI để nâng cao giám sát, bảo trì thiết bị. Ngoài ra, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông và Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát cũng đã áp dụng AI vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những ví dụ trên cho thấy ứng dụng AI không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Kinh nghiệm triển khai thực tế của các doanh nghiệp chứng minh rằng các ngành sản xuất khác hoàn toàn có tiềm năng ứng dụng AI và cần xem đây là mục tiêu chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh.
Theo tôi, thành công trong ứng dụng AI phụ thuộc vào 5 yếu tố. Thứ nhất, thể chế, chiến lược và chính sách, như Công ty Rạng Đông đã đề cập. Thứ hai, hạ tầng, bao gồm cơ sở dữ liệu, thiết bị và bảo mật. Thứ ba, ý chí của người lãnh đạo. Thứ tư, nguồn lực tài chính. Thứ năm, nguồn nhân lực. Năm yếu tố này quyết định việc doanh nghiệp có thể triển khai AI thành công hay không.
BTV Lan Anh: Xin cảm ơn ông Hoàng Ninh. Vâng, thưa quý vị thì bài toán khó trong các cái doanh nghiệp sản xuất lâu đời là sự không đồng bộ giữa hệ thống máy móc cũ và mới chắc chắn ở đây điển hình là có Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông ạ. Thưa ông Nguyễn Đoàn Kết, trong quá trình triển khai AI vào sản xuất, bài học kinh nghiệm mà Rạng Đông gặp phải là gì. Hay nói cách khác, chúng ta đã gặp phải những thuận lợi, khó khăn thế nào và khắc phục ra sao?
Ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông:
Muốn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất, trước hết phải có dữ liệu. Trong một cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp truyền thống với tuổi đời 64 năm như Rạng Đông, hệ thống máy móc, thiết bị có nguồn gốc, xuất xứ và thế hệ khác nhau. Vì vậy, việc đầu tiên là tạo ra dữ liệu bằng cách làm cho các hệ thống máy móc có thể nói chuyện, giao tiếp, truyền dữ liệu được với nhau.
Tại Rạng Đông, chúng tôi xây dựng nền tảng kiến trúc hợp nhất trên nền tảng thông tin mở để máy móc có thể trao đổi dữ liệu. Trên cơ sở đó, dữ liệu được truyền giữa các cụm máy, dây chuyền sản xuất để hình thành hệ thống điều hành, hỗ trợ vận hành sản xuất.

Đối với hệ thống máy móc mới, việc này không quá phức tạp, nhưng với máy móc cũ, làm thế nào để chúng có thể giao tiếp đặt ra nhiều thách thức. Cần giải quyết các bài toán mô phỏng, xây dựng mô hình thuật toán riêng cho từng block máy, dây chuyền hay khối máy móc. Mỗi khối máy có thể coi như một "hộp đen" và phải phân tích thuật toán xử lý bên trong dựa trên đầu vào và đầu ra.
Với một doanh nghiệp sản xuất, đây là bài toán phức tạp. Cách tốt nhất là kết hợp với các trung tâm tri thức bên ngoài như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Điện tử, FPT... Trên cơ sở những tri thức tinh hoa đó, chúng tôi xây dựng mô hình thuật toán để mô phỏng lại hệ thống máy móc cũ, kết nối chúng với thiết bị mới, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh để vận hành.
Quá trình này đòi hỏi đổi mới sáng tạo không ngừng, không chỉ dựa vào tri thức của đội ngũ tinh hoa mà còn kết hợp với phong trào lao động sáng tạo, cải tiến từ người lao động tại doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa các yếu tố này giúp triển khai thành công chiến lược AI đã đề ra.
Nói cách khác, tại Rạng Đông, chúng tôi xây dựng một phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, dựa trên nền tảng số và xanh. Lực lượng sản xuất bao gồm con người với kỹ năng số, máy móc và công cụ số, trong đó tư liệu sản xuất chính là dữ liệu. Quan hệ sản xuất cũng cần phù hợp với lực lượng sản xuất này, thể hiện qua các mô hình kinh doanh số, giúp hài hòa lợi ích của tất cả các bên tham gia.
BTV Lan Anh: Cảm ơn ông, có thể thấy là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là làm thế nào để triển khai AI một cách hiệu quả nhất. Vậy với Viện nghiên cứu điện tử Tin học tự động hóa đâu là những thuận lợi và khó khăn lớn nhất mà chúng ta đã gặp phải khi nghiên cứu và triển khai các giải pháp AI cũng như chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu sang ứng dụng thực tế? Viện đã có cách tiếp cận nào để khắc phục điều đó?
Ông Trần Mạnh Hà - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa:
Mỗi nhà máy công nghiệp có đặc trưng riêng, tùy theo lĩnh vực và công nghệ. Do đó, mỗi nhà máy đều có những khó khăn và thách thức riêng.
Với những người làm nghiên cứu khoa học như chúng tôi, công việc giống như thiết kế một chiếc áo vừa vặn hơn là sản xuất hàng hóa hàng loạt. Mỗi dự án có đặc thù riêng. Ví dụ, với các nhà máy FDI, dây chuyền sản xuất của họ rất ổn định, nên khi muốn áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là sản phẩm "Made in Vietnam", họ thường dè dặt và cần thời gian để tích hợp vào hệ thống. Do đó, cách tiếp cận phù hợp là phải làm quen từ những sản phẩm chính hãng của họ trước, sau đó học hỏi và điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của họ.
Với các sản phẩm ứng dụng trong dây chuyền công nghiệp, do đặc thù công nghệ khác nhau nên dữ liệu cũng khác nhau. Vì bản chất của AI là dựa trên dữ liệu, chúng tôi phải nghiên cứu cách thu thập dữ liệu sao cho phù hợp để quá trình học máy đạt hiệu quả. Mỗi lĩnh vực đều có đặc thù riêng, đòi hỏi cách tiếp cận khác nhau.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình chuyển giao công nghệ là khách hàng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng và độ ổn định của sản phẩm. Đây là rào cản lớn mà chúng tôi cần vượt qua. Khi đã xây dựng được lòng tin, khách hàng sẽ sẵn sàng hợp tác để triển khai các bước tiếp theo.
BTV Lan Anh: Xin cảm ơn ông ạ. Và câu hỏi tiếp theo tôi xin gửi tới ông Hồ Minh Thắng ạ. Xin ông cho biết FPT Smart Cloud hiện đang cung cấp những giải pháp AI nào giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất? Ông có thể chia sẻ một số câu chuyện thành công của FPT.AI với các doanh nghiệp Việt?
Ông Hồ Minh Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Triển khai AI - FPT Smart Cloud:
Tôi rất hân hạnh chia sẻ về việc ứng dụng AI tối ưu hóa quy trình vận hành doanh nghiệp, đã được FPT cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam từ khoảng 5-6 năm trước. Chúng tôi tập trung vào các nhóm giải pháp liên quan đến tương tác giữa con người, như tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp.
Một nhóm giải pháp như vậy thường được triển khai qua các kênh liên lạc như tổng đài, chat, đặc biệt khi mạng xã hội bùng nổ, dữ liệu bị phân tán và đa kênh. Một khách hàng có thể gọi tổng đài truyền thống hôm nay, nhưng hôm sau lại nhắn tin qua Zalo. Làm sao để doanh nghiệp không bỏ lỡ, hiểu khách hàng và theo dõi toàn bộ hành trình? FPT đã cung cấp các trợ lý ảo chạy xuyên suốt các kênh, giúp doanh nghiệp tự động tương tác với khách hàng. Nếu chỉ dùng nhân sự, việc này rất khó khăn và dữ liệu không đồng bộ.
Bên cạnh đó, như anh Hà đã chia sẻ, AI thị giác máy tính hỗ trợ đọc hóa đơn, check-in, check-out, xử lý hình ảnh và video đã được giới thiệu. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, với sự phát triển của các mô hình ngôn ngữ lớn, mô hình ngôn ngữ nhỏ và công nghệ đi kèm, xu hướng mới trong năm 2024-2025 là AI Agent. Đây là viễn cảnh AI thay thế hoàn toàn một số quy trình làm việc, giúp doanh nghiệp tận dụng AI như một lực lượng lao động mới, hoạt động như nhân sự nhưng vận hành bằng công nghệ.
Từ ý tưởng đó, FPT đã phát triển nền tảng AI Agent (tác nhân trí tuệ nhân tạo), cho phép doanh nghiệp tự tạo AI Agent phục vụ công việc. Ví dụ, Trưởng phòng nhân sự có thể tạo một AI Agent hỗ trợ nhân sự, liên kết với hệ thống quản lý nhân sự, tra cứu lương thưởng, chế độ... Nhờ đó, mọi bộ phận có thể chủ động xây dựng AI Agent cho riêng mình mà không cần quá nhiều kiến thức công nghệ.
FPT AI Agent được triển khai trên hệ sinh thái của hai Nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản. FPT nhận thấy xu hướng và nhu cầu, đồng thời mong muốn mang lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Chúng tôi tin rằng, nếu doanh nghiệp Việt có sự hỗ trợ tốt và bàn đạp công nghệ AI, họ có thể cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Nhà máy AI hoạt động đơn giản: dữ liệu vào, trí tuệ nhân tạo xử lý, giá trị cạnh tranh được tạo ra. Chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp tận dụng nguồn dữ liệu của chính mình để tạo ra lợi thế trong mô hình kinh doanh.
BTV Lan Anh: Vâng, xin cảm ơn ông Hồ Minh Thắng với những chia sẻ khá là thú vị ạ. Vâng, và bối cảnh mới hiện nay thì là yêu cầu về chuyển đổi số, tạo ra thêm rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu nói chung và doanh nghiệp sản xuất Việt Nam nói riêng. Vâng, thưa ông Hoàng Ninh và trước xu hướng ứng dụng công nghệ AI trong thời gian tới theo ông bài toán đặt ra với các nhà sản xuất Việt Nam là như thế nào để nắm bắt xu hướng và đáp ứng các yêu cầu phát triển hiện nay ạ.
Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương:
Theo góc nhìn của tôi, việc ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có AI, tại Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc vào năm yếu tố chính. Các yếu tố này cần phù hợp với tình hình doanh nghiệp Việt Nam, giống như anh Kết ở Rạng Đông và anh Thắng của FPT đã chia sẻ. Chúng ta có thể triển khai và đẩy mạnh AI, nhưng quan trọng là phải đảm bảo tính phù hợp.
Thứ nhất, sản phẩm AI cần đáp ứng được yêu cầu về tự động hóa thông minh. Thứ hai, AI phải hỗ trợ hiệu quả trong việc phân tích dữ liệu lớn. Thứ ba, AI có thể giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu suất và giảm lãng phí. Thứ tư, quản trị sản xuất thông minh là một trong những ứng dụng quan trọng của AI, giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn. Cuối cùng, AI cần được ứng dụng vào phát triển sản phẩm thông minh, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn. Khi doanh nghiệp có thể ứng dụng AI và đạt được năm yếu tố này, việc chuyển đổi số sẽ thành công.

Tuy nhiên, để nắm bắt các xu hướng và đáp ứng các yêu cầu trên, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị. Trước hết, nguồn lực là yếu tố quan trọng nhất, trong đó bao gồm vốn và nhân lực. Doanh nghiệp cần đảm bảo có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư vào công nghệ, đồng thời xây dựng đội ngũ nhân sự có đủ kiến thức và kỹ năng để triển khai AI hiệu quả.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng. Doanh nghiệp cần có hệ thống dữ liệu, hạ tầng phần cứng như máy chủ, thiết bị cảm biến và các giải pháp bảo mật. Nếu chưa có điều kiện đầu tư hạ tầng riêng, doanh nghiệp có thể thuê dịch vụ từ các đơn vị cung cấp như FPT.
Một yếu tố không thể thiếu là chiến lược phát triển. Như anh Kết đã đề cập, doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng, xác định mục tiêu cụ thể và đảm bảo sự quyết tâm từ ban lãnh đạo. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có định hướng đúng đắn và duy trì động lực trong quá trình triển khai công nghệ mới.
Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của quá trình ứng dụng AI. Doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự để có thể làm chủ công nghệ.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần mở rộng việc học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị đi trước, cả trong và ngoài nước. Việc tìm hiểu các mô hình đã thành công sẽ giúp doanh nghiệp đúc kết bài học, áp dụng một cách phù hợp với thực tế tại Việt Nam, từ đó tận dụng tốt nhất lợi thế của khoa học công nghệ và AI trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.
BTV Lan Anh: Vâng, xin cảm ơn ông. Thưa ông Trần Mạnh Hà, Ông đánh giá khả năng phát triển ứng dụng AI và định hướng mở rộng nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng AI trong thời gian tới như thế nào?
Ông Trần Mạnh Hà - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa:
Ứng dụng AI là xu thế tất yếu và chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Trong định hướng nghiên cứu sắp tới, Viện Điện tử sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển ứng dụng cho các sản phẩm hiện có, nâng cấp các sản phẩm tự động hóa và ứng dụng AI.
Chia sẻ với buổi toạ đàm là năm 2021, Viện Điện tử đã phối hợp với Công ty Rạng Đông xây dựng hệ thống bảo trì dự báo liên quan đến đèn LED, trong đó AI đã được ứng dụng từ giai đoạn 2021-2022. Viện cũng đang triển khai một đề tài nghiên cứu phối hợp, hiện đạt kết quả rất khả quan.
Trong thời gian tới, Viện sẽ tập trung vào nghiên cứu và phát triển các tác nhân AI. Như anh Thắng đã chia sẻ, Viện cũng sẽ theo đuổi hai hướng cụ thể để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ này.
BTV Lan Anh: Dạ, vâng. Vậy ở góc độ của Viện nghiên cứu thì ông có khuyến nghị gì về chính sách và nguồn nhân lực nhằm nâng cao hiệu quả trong thời gian tới?
Ông Trần Mạnh Hà - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa:
Theo tôi, trong thời gian tới, có nhiều khía cạnh cần nâng cao, như anh Ninh đã đề cập đến năm trụ cột phát triển. Tuy nhiên, từ góc độ Viện nghiên cứu, tôi cho rằng cần tập trung vào ba vấn đề chính.
Thứ nhất, cần tích cực đào tạo nguồn nhân lực về AI. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp.
Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng AI. Chẳng hạn, các hệ thống trạm biến áp hay hệ thống do Viện nghiên cứu triển khai tại Công ty Rạng Đông đều dựa trên các đề tài khoa học. Vì vậy, trong thời gian tới, Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách tài trợ các đề tài hoặc nhiệm vụ nghiên cứu, giúp doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận và ứng dụng AI vào thực tế.
Thứ ba, do Viện nghiên cứu Điện tử tập trung phát triển các sản phẩm gắn liền với ngành công nghiệp, Nhà nước cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến nhà máy và ứng dụng AI. Các chuẩn mực này sẽ là căn cứ để các đơn vị triển khai và áp dụng ngay vào thực tế. Hiện nay, tiêu chuẩn về AI và chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn hạn chế, do đó cần có hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp và viện nghiên cứu có thể thực hiện hiệu quả.
BTV Lan Anh: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông Hà. Được biết, Rạng Đông không chỉ tập trung vào chuyển đổi số trong sản xuất mà còn hướng đến xây dựng một hệ sinh thái thông minh. Thưa ông Nguyễn Đoàn Kết, ông có thể chia sẻ rõ hơn về ý tưởng này?
Ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông:
Về xây dựng hệ sinh thái thông minh, chúng tôi không chỉ ứng dụng trong sản xuất mà còn phát triển một hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ thông minh.
Ví dụ, Rạng Đông xây dựng hệ sinh thái sản phẩm với năm thuộc tính.
Thứ nhất, thông minh hóa, tức là các giải pháp có khả năng nhận diện khuôn mặt, hành vi con người, phát hiện người già bị vấp ngã để cảnh báo qua điện thoại.
Thứ hai, cá thể hóa, tức là kịch bản chiếu sáng và ngôi nhà thông minh được cá nhân hóa theo nhu cầu từng người. Mỗi người có thể tùy chỉnh cường độ, màu sắc ánh sáng theo sở thích riêng.
Thứ ba, nền tảng hóa và tạo dữ liệu, tức là sản phẩm của Rạng Đông có thể tích hợp với nền tảng công nghệ của các đối tác như Amazon, FPT, Viettel, VNPT. Khi kết nối với nền tảng này, sản phẩm sẽ tạo và khai thác dữ liệu hiệu quả.
Thứ tư, đồng sáng tạo, tức là khi sản phẩm được tích hợp trên các nền tảng khác nhau, người sử dụng có thể tạo ra kịch bản mới, dữ liệu mới, trạng thái mới, thúc đẩy sáng tạo liên tục.
Thứ năm, xanh hóa, tức là các giải pháp giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, kéo dài tuổi thọ sản phẩm và giảm rác thải khi hết vòng đời.
Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng hệ sinh thái thông minh trong các mô hình kinh doanh. Ví dụ, Rạng Đông có nền tảng điều khiển riêng như Rallis Smart, nhưng sản phẩm của chúng tôi vẫn có thể tích hợp với nền tảng công nghệ khác như FPT, Viettel, VNPT. Ngược lại, các sản phẩm từ các nền tảng này cũng có thể điều khiển trên hệ thống Rallis Smart, tạo nên hệ sinh thái tích hợp.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn kết hợp với các nền tảng kinh doanh. Sản phẩm Rạng Đông có thể phân phối trên nền tảng thương mại điện tử, áp dụng các mô hình kinh doanh mới như Online to Offline (O2O) và ngược lại. Điều này giúp phát triển hệ sinh thái kinh doanh thông minh, linh hoạt, mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.
BTV Lan Anh: Xin cảm ơn ông và theo ông thì doanh nghiệp cần thêm những cơ chế hỗ trợ như thế nào để đẩy nhanh các ứng dụng AI vào sản xuất?
Ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông:
Chúng tôi có nhiều mong muốn được hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, nhưng hai mong muốn cấp thiết nhất là:
Thứ nhất, mong muốn Nhà nước xây dựng những nền tảng công nghệ chung cho cả nước và hỗ trợ doanh nghiệp với mức chi phí hợp lý. Hiện nay, chi phí thuê bao rất cao, đặc biệt là các nền tảng nước ngoài như Amazon. Dù chúng tôi đang hợp tác với Viettel, VNPT và FPT với mức giá phù hợp hơn, nhưng vẫn còn cao. Chi phí cao hạn chế người tiêu dùng trong việc ứng dụng AI vào thực tiễn.
Thứ hai, mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước thống nhất và tạo ra các chuẩn chung, ví dụ như chuẩn giao thức, để thiết bị đầu cuối, AI Device của Rạng Đông có thể hoạt động trên nhiều nền tảng khác nhau. Nếu có một chuẩn chung, không chỉ sản phẩm của Rạng Đông mà các doanh nghiệp khác như điều hòa, quạt cũng có thể tích hợp trên các nền tảng thông minh mà không bị phụ thuộc vào một nền tảng duy nhất.
Trong nhiều nguyện vọng, chúng tôi cho rằng hai vấn đề này là quan trọng nhất. Nếu cơ quan quản lý xây dựng và hỗ trợ được, ứng dụng AI vào cuộc sống sẽ diễn ra nhanh chóng, góp phần tạo nên cuộc sống thông minh, thân thiện với môi trường.
BTV Lan Anh: Xin cảm ơn ông. Chúng ta vừa lắng nghe những nguyện vọng của từ đại diện phía doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước ạ. Vậy thưa ông Hồ Minh Thắng ạ, từ góc nhìn của doanh nghiệp sản xuất phần mềm thì rào cản nào đang hạn chế các doanh nghiệp ứng dụng AI trong quá trình vận hành hiện nay và các doanh nghiệp cần chuyển biến ra sao để tận dụng AI một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới.
Ông Hồ Minh Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Triển khai AI - FPT Smart Cloud:
Trong quá trình tư vấn và triển khai cho nhiều doanh nghiệp đa ngành, chúng tôi nhận thấy một số rào cản đang hạn chế quá trình chuyển đổi số và ứng dụng AI.
Thứ nhất, vấn đề nguồn lực. Không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực và hiểu biết về công nghệ AI để ứng dụng. Cách đây khoảng ba năm, các trường đại học mới bắt đầu có khoa công nghệ thông tin, cần thêm vài năm nữa mới có lứa nhân sự đầu tiên. FPT cũng đã phát triển mảng giáo dục, đưa các khóa học công nghệ vào chương trình để đào tạo nhân lực. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực khiến các doanh nghiệp chậm triển khai. Dù lãnh đạo doanh nghiệp có tầm nhìn và ý tưởng, nhưng để thực thi cần có nguồn lực tương xứng.

Thứ hai, chi phí ban đầu cao. Nếu đầu tư AI có chi phí lớn hơn cả các hệ thống chuyển đổi số trước đây mà chưa thấy rõ giá trị mang lại, doanh nghiệp sẽ băn khoăn có nên bắt đầu hay không. Đây là một rào cản lớn.
Thứ ba, dữ liệu. Để AI hiệu quả, dữ liệu phải chính xác, chất lượng cao và đủ lớn.
Để giảm thiểu các rào cản này và thúc đẩy ứng dụng AI, chúng tôi cho rằng:
- Về nhân lực, cần tập trung đào tạo không chỉ đội ngũ kỹ thuật AI mà cả nhân sự trong doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về ứng dụng AI. Ngoài ra, có thể hợp tác với trường đại học, doanh nghiệp khác để chia sẻ nguồn lực. FPT Smart Cloud có mô hình AI Lab – phòng thí nghiệm AI cung cấp hạ tầng siêu tính toán GPU của NVIDIA và các công cụ nền tảng sẵn sàng cho ứng dụng AI. Các chuyên gia tham gia tư vấn, còn doanh nghiệp cung cấp nhân sự có kinh nghiệm chuyên môn và dữ liệu để đánh giá, thử nghiệm.
- Về phương pháp triển khai, không nên đầu tư AI theo cách dài hạn gây lãng phí, mà cần thử nghiệm trên phạm vi nhỏ, nếu có hiệu quả mới nhân rộng. Hiện tại, chúng tôi phối hợp với doanh nghiệp trong ngành tài chính, bán lẻ triển khai mô hình này và bước đầu đạt hiệu quả.
- Một ví dụ thành công là chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu. Với 2000 cửa hàng, 16.000 dược sĩ, việc tạo ra tiêu chuẩn dịch vụ đồng đều trên toàn quốc rất khó. Chúng tôi đã triển khai AI Mentor – một hệ thống hướng dẫn dược sĩ hàng ngày qua các bài kiểm tra, câu hỏi, tài liệu chuyên môn. Hệ thống sử dụng AI để cá nhân hóa nội dung đào tạo, giúp dược sĩ cải thiện điểm yếu, nâng cao chất lượng tư vấn. Kết quả, hiệu quả đào tạo tăng 80%, giảm 30% sai sót trong kê đơn và tư vấn thuốc. Long Châu đang thử nghiệm cơ chế lương thưởng dựa trên kết quả làm việc với AI Mentor, giúp dược sĩ tiếp cận AI tự nhiên và hiệu quả hơn.
- Về chi phí hạ tầng, mô hình AI Lab giúp doanh nghiệp chia sẻ chi phí ban đầu. FPT có thể hỗ trợ một phần, chỉ khi giải pháp thành công mới tính đến thương mại hóa.
- Về dữ liệu, doanh nghiệp cần chiến lược quản lý và tối ưu dòng dữ liệu để phục vụ AI.
Đây là những chia sẻ về rào cản và cách giúp doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn khi ứng dụng AI.
BTV Lan Anh: Vâng, thưa ông, ông có thể cho biết thêm về định hướng phát triển của FPT Smart Cloud trong thời gian tới sẽ có thêm giải pháp như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt tích cực triển khai ứng dụng AI trong vận hành?
Ông Hồ Minh Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Triển khai AI - FPT Smart Cloud:
Định hướng của FPT tập trung vào năm trụ cột chính của tập đoàn: AI, bán dẫn, ô tô (Automotive), chuyển đổi số, và phát triển bền vững (hướng đến xanh như anh Kết đã chia sẻ). Dựa trên các trụ cột này, sản phẩm của FPT cũng sẽ phát triển theo hướng tương ứng.
Với AI, mục tiêu của FPT là mở rộng hệ sinh thái sản phẩm để có thể bao phủ toàn bộ từ Front Office, Back Office đến cả chuỗi cung ứng và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, giúp tối ưu hiệu quả vận hành.
Thứ hai, khả năng tích hợp. Để ứng dụng AI nhanh chóng và hiệu quả, các sản phẩm của FPT phải sẵn sàng tích hợp vào hệ thống doanh nghiệp trong thời gian ngắn nhất.
Cuối cùng, FPT hướng đến tạo ra đột phá công nghệ. Ví dụ, hiện nay có những mô hình AI tiên tiến như DSSIC - mô hình có khả năng suy luận tương tự GPT- 4 nhưng với chi phí chỉ bằng 5% mô hình lớn. Đây là một hướng đi giúp tối ưu chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả.
FPT cũng đang hợp tác với NVIDIA - công ty dẫn đầu về AI - để xây dựng các tiêu chuẩn (Blueprint) trong ngành, từ đó phát triển AI chuyên biệt cho từng lĩnh vực như ngân hàng, bán lẻ, sản xuất. Điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng AI dễ dàng hơn.
BTV Lan Anh: Xin cảm ơn ông Hồ Minh Thắng ạ. Câu hỏi cuối cùng tôi xin gửi tới ông Hoàng Ninh ạ. Theo ông thì chúng ta cần có thêm trợ lực như thế nào để thúc đẩy việc triển khai ứng dụng AI trong sản xuất và các hoạt động nói chung. Về phần mình thì Bộ Công thương sẽ có thêm những hành động như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng AI trong xu hướng mới?
Ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương:
Trong thời gian tới, chúng ta cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và tổng thể. Riêng với Bộ Công Thương, chúng tôi sẽ có các hoạt động sau:
Thứ nhất, xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng AI, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến, chế tạo.
Thứ hai, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đề xuất chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng, giúp doanh nghiệp khoa học công nghệ, chuyển đổi số, và ứng dụng AI tiếp cận nguồn lực cần thiết.
Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng dữ liệu lớn – được coi là "nguồn thức ăn" của AI – để phát triển các giải pháp AI phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Về phía các cấp, ngành, địa phương, Bộ Công Thương kiến nghị:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, doanh nghiệp khoa học công nghệ và ứng dụng AI.
Thứ hai, các địa phương chủ động xây dựng khu công nghệ cao, khu công nghiệp thông minh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoa học công nghệ và chuyển đổi số có không gian sáng tạo, thử nghiệm công nghệ mới.
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với tổ chức nghiên cứu, trường đại học, như các chuyên gia đã đề cập.
Thứ tư, phối hợp với ngân hàng, quỹ đầu tư để tạo nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Thứ năm, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành để tạo ra hệ sinh thái đồng bộ, thay vì tiếp cận từ những góc nhìn riêng lẻ, giúp khoa học công nghệ, chuyển đổi số và AI đi vào thực tiễn một cách hiệu quả.
BTV Lan Anh: Dạ vâng, xin cảm ơn ông.
Kính thưa quý vị, qua buổi tọa đàm hôm nay, chúng ta đã có những góc nhìn toàn diện hơn về vai trò của trí tuệ nhân tạo trong sản xuất công nghiệp.
Từ những chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương, các giải pháp công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp đã khẳng định AI không còn là xu hướng mà đã trở thành một công cụ thiết yếu giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình và gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, để hoạt động này phổ biến, góp phần nâng cao hiệu quả cạnh tranh, rất cần sự vào cuộc và đồng hành của các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp công nghệ. Đây chắc chắn là động lực giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để bứt phá trong thời gian tới.
Một lần nữa, xin cảm ơn các vị khách mời đã có những chia sẻ rất sâu sắc và thực tiễn. Xin cảm ơn quý vị khán giả đã dành thời gian theo dõi chương trình.
Xin chào, và hẹn gặp lại.