TP.HCM: Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, kích cầu tiêu dùng

Chương trình bình ổn thị trường năm 2024-2025 trên địa bàn TPHCM triển khai từ ngày 1/4/2024 đến hết ngày 31/3/2025 với 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, phần lớn là doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín và là đầu mối của các chuỗi cung ứng.

Để đảm bảo cung - cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu; sẵn sàng ứng phó những tình huống cấp bách, nhất là các dịp lễ và khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, UBND TP.HCM mới đây đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2024 - Tết Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn Thành phố.

bình ổn thị trường
Thời gian thực hiện Chương trình là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/4/2024 đến hết ngày 31/3/2025. (Nguồn: hochiminhcity.gov.vn)

Tăng số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường

Chương trình bình ổn thị trường năm 2024-2025 trên địa bàn TP.HCM thu hút 69 doanh nghiệp đầu mối (tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023) tham gia. Phần lớn trong đó là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng như: Saigon Co.op, Satra, Central Retail, MM Mega Market, AEON, Fahasa; Vinamilk, Nutifood, Vissan…

Theo đó, nhóm hàng (12 nhóm hàng) bao gồm lương thực (gạo, lương thực chế biến khô, bột…); đường; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản; gia vị; sữa; nước uống. Lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 23% đến 31% nhu cầu thị trường.

Các mặt hàng phục vụ học tập bao gồm 6 nhóm hàng: tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giày dép học sinh; dụng cụ học tập; thiết bị điện tử phục vụ học tập. Lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35% đến 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn Thành phố năm học 2024 – 2025.

Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu gồm 6 nhóm hàng: nước rửa chén, nước lau sàn, nước rửa tay, nước giặt/xả vải, túi rác phân huỷ sinh học, khăn giấy ướt/khô.

Đối tượng, điều kiện, quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp tham gia Chương trình; nguồn vốn thực hiện chương trình; giá bình ổn thị trường; vận chuyển hàng bình ổn thị trường; phân phối hàng bình ổn thị trường: thực hiện theo Quy chế triển khai Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM.

UBND Thành phố khuyến khích doanh nghiệp tham gia Chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực quận ven - huyện ngoại thành trên địa bàn Thành phố; tích cực tổ chức thực hiện các chuyến bán hàng lưu động và đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể; chủ động tổ chức thực hiện các Chương trình khuyến mãi nhằm đẩy mạnh phân phối, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường.

Bình ổn thị trường mặt hàng dược phẩm thiết yếu

Cũng trong thời gian từ 01/4/2024 đến 31/3/2025, TP.HCM còn triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TPHCM năm 2024-2025 nhằmđảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp, cân đối cung cầu một số mặt hàng thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu chữa bệnh của người dân trên địa bàn Thành phố, góp phần vào việc chăm lo cho người dân ngày càng tốt hơn.

Theo đó, thuốc thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn Thành phố gồm 19 nhóm thuốc sản xuất trong nước trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mạn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều (bao gồm các thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị đau dạ dày, trị ho - long đàm, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, thuốc trị giun, trị thấp khớp, vitamin - khoáng chất, thuốc dùng ngoài, thuốc cải thiện tuần hoàn não, chống rối loạn tâm thần, thuốc từ dược liệu...). Danh mục thuốc bình ổn được xây dựng căn cứ vào Thông tư số 19/2018/TT-BYT ngày 30/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Ban hành Danh mục thuốc thiết yếu và nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu của người dân Thành phố.

Danh mục có khoảng 210 mặt hàng với sự tham gia của 8 doanh nghiệp, trong đó gồm các mặt hàng dược phẩm thiết yếu. Đối tượng tham gia Chương trình là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược thực hiện phân phối thuốc cho cơ sở bán lẻ. Các nhà thuốc bán lẻ thực hiện bán lẻ thuốc cho người dân. Thời gian thực hiện bình ổn năm 2024 là từ 01/4/2024 đến 31/3/2025.

Các đơn vị tham gia Chương trình có trách nhiệm tổ chức bán các loại thuốc trong Chương trình theo giá đã đăng ký đối với toàn bộ lượng thuốc của đơn vị cung ứng ra thị trường trong suốt thời gian tham gia Chương trình. Giá thuốc tham gia Chương trình phải niêm yết công khai và thống nhất ở tất cả các điểm bán thuốc bình ổn giá. UBND Thành phố khuyến khích, mời doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, có năng lực, kinh nghiệm, có nhu cầu tham gia Chương trình không nhận vốn, chủ động tạo nguồn hàng, giảm giá, tham gia bình ổn,... góp phần cùng chính quyền Thành phố chăm lo cho sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Thu Uyên