Theo đó, Bộ Trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký quyết định đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Tri thức dân gian – Tri thức may, mặc áo dài Huế thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch giao cho Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hoá phi vật thể quốc gia được đưa vào Danh mục trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.
Trước đó, tháng 3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định phê duyệt đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”. Đề án Nhằm khẳng định giá trị, vị trí của áo dài Huế trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam; Tôn vinh nét đẹp văn hóa của áo dài Huế, tôn vinh những người khai sáng và phát triển áo dài Huế trong lịch sử hình thành và phát triển; Khai thác, phát huy vị thế áo dài Huế trong phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch dịch vụ gắn với áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” chính là căn cứ vững chắc để đẩy mạnh công cuộc chấn hưng, phục hồi và phát triển di sản áo dài Huế vì mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống và phát triển bền vững của Cố đô Huế. Phát huy giá trị áo dài và xây dựng thương hiệu "Huế - Kinh đô Áo dài" của Việt Nam là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức định kỳ “Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế” trong các kỳ lễ hội, đặc biệt là dịp Festival Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế – Kinh đô áo dài”, hình thành một sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế.