Pháp ưu tiên thúc đẩy thương mại với Việt Nam
Tại buổi tiếp, ông Dominique de Villepin bày tỏ niềm vui mừng được có mặt tại Việt Nam. Ông cho rằng, năm 2013 là năm hết sức đặc biệt nhằm kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Pháp, là thời điểm quan trọng để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương giữa hai nước, đồng thời hướng tới mối quan hệ hợp tác chiến lược nhằm huy động các nguồn lực mạnh mẽ nhất của hai bên, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng tâm. Việt Nam là một trong những quốc gia được Pháp ưu tiên chính sách thúc đẩy thương mại trong thời gian tới.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp ông Dominique de Villepin, nguyên Thủ tướng Cộng hòa PhápĐồng tình với nhận định của ông Dominique de Villepin, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, quan hệ hợp tác của Việt Nam và Pháp đang phát triển hết sức tốt đẹp và có nhiều triển vọng. Bộ trưởng bày tỏ sự cảm ơn đối với Chính phủ Pháp trong nhiều năm qua đã có nhiều cơ chế chính sách về thương mại, đầu tư và kinh tế vào Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề hạ tầng cơ sở, năng lượng, giao thông.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Quan hệ thương mại Việt - Pháp liên tục phát triển. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Pháp tăng mạnh hơn. Trong những năm gần đây, Việt Nam luôn xuất siêu vào thị trường Pháp. Năm 2012, quan hệ xuất nhập khẩu hai chiều đạt 3,752 tỷ USD. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng, bao gồm: Giầy dép, dệt may, đồ gia dụng, hàng nông, lâm, thủy sản, đá quý, đồ trang sức; đồ điện, điện tử; dụng cụ cơ khí, gốm sứ các loại; cao su; than đá; sản phẩm thể thao; hàng mây tre đan.
Về hợp tác đầu tư, đến tháng 3/2013, Pháp có 383 dự án với tổng số vốn đăng ký là 3,1 tỷ USD và vốn điều lệ là 1,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong tổng số 101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Có 240 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại 24 tỉnh, thành phố của Việt Nam và đang thu hút trên 24 000 lao động Việt Nam. Hình thức đầu tư chủ yếu của Pháp là hợp đồng hợp tác kinh doanh (chiếm 31%); xây dựng, khai thác, chuyển giao công nghệ- BOT (chiếm 29,6%). Quy mô trung bình của các dự án đầu tư khoảng 16,24 triệu USD/dự án.
Hiện nay, phía Pháp có các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam như: France Telecom đầu tư để thực hiện hợp đồng hợp tác xây dựng 540 000 đường dây điện thoại, trị giá 467 triệu USD tại phía Tây thành phố Hồ Chí Minh; Công ty Điện lực Pháp (EDF) đứng đầu một tổ hợp (cùng một công ty của Nhật và Tổng công ty Điện lực Việt Nam) đầu tư vào Nhà máy điện Phú Mỹ 2 với tổng số vốn 400 triệu USD; Tập đoàn Bourbon đầu tư 270 triệu USD vào một số lĩnh vực khác nhau, riêng lĩnh vực bán lẻ đã chuyển nhượng lại cho Casino (kinh doanh ở Việt Nam dưới thương hiệu Big C).
Về quan hệ hợp tác và hỗ trợ phát triển, Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả 3 kênh viện trợ tài chính của Pháp là: viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP). Hiện Việt Nam đứng thứ 7 trong số các nước hưởng ODA của Pháp. Đến nay, Pháp đã cấp cho Việt Nam tổng số vốn trên 1,2 tỷ euro cho trên 210 dự án, đồng thời liên tục cam kết tăng cường ODA cho Việt Nam trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, Pháp đã định hướng hợp tác trung hạn với Việt Nam vào 4 lĩnh vực: Hỗ trợ Việt Nam cải cách Pháp luật; Hỗ trợ chương trình hiện đại hóa hệ thống giáo dục và nghiên cứu; Hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế; Góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện phúc lợi xã hội qua việc tham gia vào các hoạt động y tế cộng đồng.
Nhận xét về kết quả đạt được trong hợp tác thương mại đầu tư giữa hai nước thời gian qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn manh: "Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao sự có mặt của các doanh nghiệp Pháp và hiệu quả của các dự án mà các doanh nghiệp Pháp mang lại. Tuy nhiên, tiềm năng giữa hai nước còn lớn, doanh nghiệp Pháp còn rất nhiều cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng".
Triển vọng về hợp tác năng lượng
Những năm qua, lĩnh vực năng lượng được hai bên quan tâm tập trung phát triển. Pháp đã tài trợ và hoàn thành Dự án truyền tải điện miền Bắc, Dự án cải tạo lưới điện thành phố Thanh Hóa và Dự án tiết kiệm năng lượng ngành thép thông qua các khoản cho vay và tài trợ. Bên cạnh đó, về lĩnh vực dầu khí, Công ty Technip (Pháp) là nhà thầu chính đã thực hiện Hợp đồng thiết kế, Mua sắm và Xây dựng (EPC) đối với 4 gói thầu chính của Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tổng trị giá hợp đồng trên 2 tỷ USD. Hiện nay, Công ty Technip là thành viên Tổ hợp nhà thầu do Công ty JGC- Nhật Bản đứng dầu tham gia đấu thầu gói thầu EPC của dự án Liên hợp lọc dầu Nghi Sơn, v.v ...
Liên quan đến các lĩnh vực hai bên có thể phát triển thêm, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: "Pháp là một trong số các quốc gia có công nghệ nguồn về điện hạt nhân, Việt Nam rất mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Pháp trong lĩnh vực này". Vừa qua, Tập đoàn điện nguyên tử ATMEA - một liên doanh giữa AREVA (Pháp) và Mitsubishi (Nhật Bản) đã bày tỏ mong muốn được tham gia cung cấp công nghệ lò phản ứng điện hạt nhân cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2 của Việt Nam. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ xây dựng 13 tổ máy điện hạt nhân. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành với công suất 1.000 MW, tổ máy 2 vận hành vào năm 2021.
Nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Nguyên Thủ tướng Cộng hòa Pháp Dominique de Villepin khẳng định, Chính phủ và doanh nghiệp Pháp luôn quan tâm đến các dự án về lĩnh vực điện lực, dầu khí của Việt Nam, đồng thời đảm bảo chất lượng, duy trì phát triển, bảo vệ, bảo dưỡng của các công trình này. Ông cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các Dự án đang triển khai tại Việt Nam.