Vận tải đa phương thức (Multimodal transport) là vận chuyển hàng hóa được thực hiện bằng nhiều phương thức vận tải, là hình thức ngày càng trở nên phổ biến trên thị trường logistics. Tuy nhiên, trung tâm logistics đa phương thức, hay cảng đa phương thức vẫn còn là khái niệm tương đối mới mẻ.
SuperPort™ Việt Nam - liên doanh giữa Tập đoàn YCH (Singapore) và Tập đoàn T&T (Việt Nam) mới đây đã công bố Chiến lược Tầm nhìn mới tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh mục tiêu phát triển Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - Vietnam SuperPort™ theo mô hình trung tâm logistics đa phương thức, tích hợp trung tâm phân phối và cảng cạn ICD, thông quan hàng hóa, có khả năng vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, hàng không và đường biển.
Thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng xuyên suốt Đông Nam Á và Trung Quốc
Phát biểu tại sự kiện, TS. Yap Kwong Weng, Tổng Giám đốc SuperPort™Việt Nam cho biết, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - Vietnam SuperPort™ được định vị là trung tâm logistics đa phương thức chiến lược, kết nối mạng lưới vận tải hàng hóa Trung Quốc - Đông Nam Á với các thị trường toàn cầu thông qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển.
Nằm trên hành lang kinh tế phía Bắc, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - Vietnam SuperPort™ kết nối 20 khu công nghiệp với các cảng biển và sân bay lớn, bao gồm Hải Phòng, Nội Bài, kéo dài đến các tỉnh Vân Nam và Côn Minh của Trung Quốc.
Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được khởi công vào cuối năm 2021 có diện tích 83 ha; tổng vốn đầu tư 166 triệu USD, được ghi nhận là “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN, có chức năng tích hợp của trung tâm phân phối và cảng cạn (ICD) phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics.
Sau một thời gian triển khai, đến nay một phần giai đoạn 1 của Dự án đã đi vào hoạt động với kho hàng không kéo dài được cấp phép hoạt động vào tháng 8/2023 rút ngắn thời gian thông qua hàng hóa cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, đồng thời đánh dấu khởi đầu mới cho phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
"Dự án đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, cảng cạn thông quan hàng hóa nội địa, góp phần giảm chi phí, thời gian thông quan, vận chuyển, góp phần giảm chi phí đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận", ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Khác với các cảng khác, mô hình của Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - Vietnam SuperPort™ là một cảng đa phương thức, có khả năng vận chuyển bằng đường sắt, có chức năng như một cảng cạn có thể hoạt động trên đất liền, trên không và trên biển, tất cả đều nằm trong diện tích 83 ha tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh kho hàng ngoại quan để hàng hóa có thể được quá cảnh, Trung tâm có các bến container khô để xử lý khối lượng hàng hóa lớn ra vào cảng.
SuperPort™ Việt Nam cũng dự định sẽ tích hợp thành phố chuỗi cung ứng (Supply Chain City) - một thành tựu chủ lực thuộc sở hữu của Tập đoàn YCH tại Singapore vào Trung logistics đa phương thức tại Vĩnh Phúc, có công nghệ lưu trữ, truy xuất tự động và các công nghệ tiên tiến nhất để nâng cao hiệu quả logistics.
"Mô hình "Park within a Park™" tích hợp tất cả các dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng trên đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển trong một trung tâm logistics duy nhất. Sáng kiến này giúp kết nối liền mạch, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và củng cố vị thế của SuperPort™ Việt Nam như một nhân tố then chốt của ngành logistics trong khu vực", Tổng Giám đốc SuperPort Việt Nam cho biết.
Mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040
Bên cạnh đó, với Tầm nhìn phát triển mới vừa được công bố, SuperPort™Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2040.
Theo đó, Công ty tập trung đáp ứng các mục tiêu Môi trường - Xã hội - Quản trị doanh nghiệp (ESG) và phát triển bền vững bằng một loạt các giải pháp, bao gồm việc đánh giá lượng phát thải hiện tại; nâng cấp cơ sở hạ tầng bằng các công nghệ như AI và IoT; giải quyết bài toán về năng lượng bằng các giải pháp như: lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng mặt trời, pin năng lượng, hydro, đặc biệt là các giải pháp tiết kiệm năng lượng và chuyển đổi sang sử dụng xe điện cho vận chuyển hàng hóa vào năm 2030. Lượng phát thải còn lại sẽ được bù đắp thông qua việc mua tín chỉ năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon.
(Nguồn: VTC1)
Trong thỏa thuận hợp tác với tỉnh Vĩnh Phúc, SuperPort™ Việt Nam cũng cam kết phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao. Triển khai Dự án hợp tác với Tập đoàn YCH cùng Học viện Logistics và Chuỗi cung ứng Singapore (SCALA) đào tạo 500 chuyên gia logistics thông qua chương trình phát triển tài năng kéo dài 9 tháng tại Singapore. Sáng kiến này nhằm mục đích chuẩn bị lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nhân lực chất lượng cao, am hiểu công nghệ trong lĩnh vực logistics, trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử, nghiên cứu và phát triển (R&D) quan trọng.