Ths Vũ Duy Hảo - Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Dầu khí
PV: Là một trong những đơn vị chủ lực đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí, văn hóa dầu khí đối với trường có vai trò và ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Ths Vũ Duy Hảo: Có thể nói, thời gian qua, văn hóa dầu khí đã hỗ trợ cho nhà trường rất nhiều, chúng tôi dựa trên cái nền đó để xây dựng văn hóa nhà trường. Đặc biệt là "Bộ Quy tắc ứng xử" của ngành rất xác thực với nhà trường. Tuy nhiên nhà trường cũng xây dựng nét riêng, mỗi thầy, cô giáo là tấm gương về đạo đức, sáng tạo, tự học, không ngừng nâng cao trình độ để cho lớp lớp học trò noi theo. Bên cạnh việc "dạy" kiến thức cho học trò thì "dỗ" cũng không kém phần quan trọng. Do đó, "dạy và dỗ" là công tác luôn được PVMTC coi trọng. Thầy, cô coi các em như con như cháu để dạy và dỗ. Dỗ ở đây không phải nuông chiều mà dỗ cho các em nên người.
PV: Ngoài ra văn hóa PVMTC còn thể hiện ở những khía cạnh nào nữa, thưa ông?
Ths Vũ Duy Hảo: Bên cạnh công tác dạy và dỗ thì phong trào văn hóa, thể dục thể thao, du lịch của nhà trường được tổ chức thường xuyên và có kết quả tốt. Ở PVMTC có một nét riêng là "Ngày hội văn hóa gia đình" được tổ chức trong các ngày lễ, tết dương lịch hoặc ngày truyền thống 20-11 hằng năm. Tất cả dâu, rể, con cháu trong nhà trường đều tham gia hoạt động này. Nhà trường tổ chức hoạt động văn hóa - văn nghệ, vui chơi - giải trí và mang tính giáo dục cho từng thế hệ trong ngày hội. Đây là dịp để dâu, rể của trường có mối đoàn kết, chung tay xây dựng gia đình PVMTC ngày càng vững mạnh. Từ đó có sự động viên đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, tâm tư suy nghĩ được giải tỏa, tinh thần người lao động được hỗ trợ thì làm việc chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
PV: Nói sâu hơn về công tác đào tạo của PVMTC. Ngành Dầu khí có đặc trưng là nhiều người tốt nghiệp kỹ sư nhưng khi ra giàn khoan vẫn làm việc như một công nhân từ bậc thấp nhất đi lên. Vậy trong công tác đào tạo, PVMTC có những phương pháp gì để người học nắm được tinh thần này?
Ths Vũ Duy Hảo: Những năm gần đây, nhất là sau khi việc xây dựng văn hóa dầu khí được triển khai rộng khắp thì nhà trường đưa "môn nhập ngành" vào giảng dạy, với mục đích cho tất cả học sinh - sinh viên mới vào trường hiểu được về ngành dầu khí, kể cả các lĩnh vực chung của ngành lẫn lĩnh vực chuyên môn, hiểu được cơ cấu tổ chức, công đoàn, đoàn thanh niên… Nói chung là cơ cấu tổ chức trong nội bộ ngành để học sinh - sinh viên (HS-SV) tin khi vào đây học là hiểu được tổng quan của ngành chứ không phải người học khoan chỉ biết khoan, học khai thác chỉ biết khai thác. Do đó, khi hoàn thành chương trình học ở PVMTC thì sinh viên tốt nghiệp dễ nắm bắt công việc dù ở bất kỳ công việc nào hay vị trí nào. Bên cạnh đó, trong các khóa khai giảng nhà trường cũng cho HS-SV biết rằng, kể từ đây các em chính thức trở thành một thành viên trong ngành Dầu khí. Khi xác định mình là thành viên của ngành thì các em sẽ ý thức phải tuân thủ những quy định của ngành nói chung và nét riêng của PVMTC nói riêng.
PV: Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành Dầu khí là môi trường làm việc đa văn hóa, PVMTC đã có những chiến lược gì để HS-SV nhà trường sau khi tốt nghiệp có thể hội nhập tốt?
Ths Vũ Duy Hảo: PVMTC luôn xác định rằng, khi đã hội nhập thì sức cạnh tranh rất lớn. Hiện nay về phương diện đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí thì có rất nhiều trường tham gia đào tạo, có cả xã hội hóa. Nên PVMTC xác nhận thương hiệu vẫn là uy tín - chất lượng và hiệu quả trong công tác giáo dục - đào tạo. Nên khi xây dựng hệ thống ISO, nhà trường xác định "khách hàng là thượng đế". Ở đây, PVMTC xác định khách hàng rất đa dạng, không chỉ là các đơn vị đến ký hợp đồng đào tạo với nhà trường mà khách hàng còn là các em HS-SV. Nếu chúng tôi đào tạo tốt, khẳng định nét đẹp văn hóa riêng, chất lượng giáo dục tốt thì bản thân phụ huynh và học sinh sẽ chọn PVMTC chứ không phải nơi khác để học. Do đó, đáp ứng nhu cầu khách hàng là mục tiêu lâu dài và cũng là cách khẳng định thương hiệu bền vững của PVMTC. Song song với chất lượng đào tạo trong quá trình hội nhập quốc tế thì ngoại ngữ là điều kiện mà nhà trường rất chú trọng. Để sau này, không chỉ làm việc trong các đơn vị của ngành mà các em phải đủ trình độ tham gia các liên doanh dầu khí nước ngoài. Đây cũng là một cách khẳng định thương hiệu và chất lượng của trường PVMTC.
PV: Thưa ông, PVMTC đã xây dựng "Sổ tay văn hóa" hay "Bộ Quy tắc ứng xử" để giảng viên, học sinh nắm mà thực hiện?
Ths Vũ Duy Hảo: Hiện tại chúng tôi đang xây dựng, nhưng nội dung cơ bản là dựa trên "Bộ Quy tắc ứng xử" của ngành, nhà trường sẽ thêm một số nét riêng để phát hành nội bộ. Riêng phần sổ tay HS-SV sẽ bổ sung thêm văn hóa dầu khí PVMTC. Đồng thời, đưa vào giảng dạy ở những buổi học chung đầu năm của HS-SV trong các buổi triển khai nghị quyết hay hoạt động đầu khóa… sẽ lồng ghép nét đẹp văn hóa dầu khí để học sinh, sinh viên hiểu và thực hiện, vì đây cũng là lực lượng đông nhất của nhà trường, kể cả khách hàng của PVMTC.
PV: Gắn bó lâu năm với công tác đào tạo của ngành Dầu khí và PVMTC. Ông thấy PVMTC đóng vai trò thế nào đối với ngành vào thời điểm hiện tại?
Ths Vũ Duy Hảo: Phải nói, PVMTC là một thành viên đầu tiên và duy nhất trước đây đào tạo công nhân kỹ thuật cho ngành Dầu khí và gần đây có Đại học Dầu Khí. Từ năm 1975 đến nay, nhà trường đã đào tạo gần 120.000 lượt học viên với 90 chuyên ngành đào tạo. Rất nhiều người từng học ở PVMTC giờ giữ nhiều cương vị khác nhau, từ tổng giám đốc, phó tổng giám đốc… Do đó, có thể khẳng định, đội ngũ HS-SV tốt nghiệp ở PVMTC từ 1975 đến nay đã góp phần quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực của ngành. Điều này được sự khẳng định và đánh giá của Tập đoàn và sự ghi nhận của Nhà nước. Trong bao năm qua, PVMTC đóng góp to lớn trong đào tạo công nhân kỹ thuật, liên kết đào tạo, đào tạo sau ĐH, đào tạo cho các dự án (đào tạo trước tuyển dụng), kể cả đào tạo các cấp quản lí. Việc chăm lo cho công tác phát triển nguồn nhân lực PVMTC nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, chặt chẽ của Tập đoàn cũng như sự quan tâm của Đảng ủy, Ban giám hiệu trong nhà trường. Vì suy cho cùng con người là nhân tố chính quyết định mọi thành công của đơn vị, của ngành. Do đó, trong chiến lược tăng tốc phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, có 3 giải pháp đột phá "khoa học - công nghệ, con người và công tác quản lí" thì con người vẫn là nhân tố then chốt nhất.
PV: Nghe nói, hằng năm, HS-SV cũ của trường thường về ôn lại truyền thống nhà trường trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, đúng vậy không thưa ông?
Ths Vũ Duy Hảo: Điều này đã trở thành truyền thống văn hóa của nhà trường. Ngày truyền thống của nhà trường cũng nằm trong dịp này nên thường kết hợp tổ chức. Nhiều vị lãnh đạo trong ngành gửi hoa chúc mừng hoặc về dự, đội ngũ HS-SV về dự rất đông và tổ chức từng lớp riêng gặp lại thầy cô giáo cũ. Nhiều HS-SV cũ giờ quay lại giảng dạy tại trường. Đó là niềm động viên, khích lệ cho chúng tôi yêu nghề, cống hiến cho nghề nhiều hơn.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!