Ông được người trong ngành coi như một vị tư lệnh của ngành Dầu khí. Trong suốt 35 năm qua, từ một “tân binh”, trải qua những tháng ngày lăn lộn trên mỏ, trên những giàn khoan từ Bắc chí Nam, trên bờ – dưới biển, trở thành TSKH đầu ngành Khai thác dầu khí, rồi Tổng giám đốc đến Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đó là một hành trình sự nghiệp dài với nhiều buồn - vui của TS. Phùng Đình Thực.
Trong lúc trò chuyện, ông nhắc nhiều đến công trình đầu tiên là Trạm xử lý khí Tiền Hải, Thái Bình. Có lẽ những tháng ngày đạp xe đi khắp bến bãi, kho xưởng ở Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên… để tìm từng cái van, đoạn ống đến việc tự chế tạo các công đoạn của công trình xử lý khí đã khắc sâu trong ký ức của người kỹ sư dầu khí. Và đến nay, khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trở thành một tập đoàn kinh tế lớn, với những giàn khoan hiện đại, đồ sộ, hiên ngang trên biển, thì kỷ niệm về những năm tháng nghèo nàn, thiếu thốn vật tư kỹ thuật trong ông vẫn hiện về. Trong những nỗi niềm đan xen ấy, TSKH Phùng Đình Thực vẫn nhận thấy một điều: Dường như những công trình đạt giải thưởng cao nhất về KHCN của Việt Nam hầu chưa vượt ra ngoài biên giới quốc gia, chưa có tầm ảnh hưởng trong khu vực hay trên thế giới. Nhưng tới khi Cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam" của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) mà ông là một trong những tác giả đã đạt được giải thưởng Hồ Chí Minh, mang lại những thay đổi trong các luận điểm khoa học địa chất, dầu khí, ứng dụng hữu hiệu trong khai thác dầu khí, được bạn bè thế giới đánh giá cao, thì trong ông đã tràn ngập niềm vui mừng, xúc động…
PV: Thưa TSKH, xin ông cho biết về ý nghĩa khoa học cũng như ý nghĩa xã hội của Cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam"?
TSKH. Phùng Đình Thực: Đây là một công trình hết sức có ý nghĩa không chỉ đối với thành tựu khoa học công nghệ của ngành Dầu khí Việt Nam, mà còn với cả thành tựu khoa học công nghệ nói chung của nước nhà. Những nghiên cứu của Cụm công trình đã phát hiện ra thân dầu trong đá móng granitoit nứt nẻ trước Đệ Tam đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ và sau đó là một loạt thân dầu trong móng khác ở bể Cửu Long đã tạo ra bước ngoặt lịch sử cho ngành Dầu khí Việt Nam. Công trình này đã làm thay đổi quan điểm truyền thống về đối tượng tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, góp phần quan trọng cho sự phát triển của KHCN dầu khí thế giới. Những nghiên cứu trong Cụm công trình đã làm sáng tỏ cấu trúc của địa chất trong tầng đá móng và một số đặc thù phi truyền thống về cấu trúc, về độ chứa, độ rỗng ở tầng móng khác so với tầng trầm tích.
Đây là một công trình khoa học rất lớn, là công sức, là tâm huyết của một tập thể gồm 49 người tham gia. Cụm công trình này có ý nghĩa rất lớn không những tạo ra bước ngoặt trong phát triển của Tập đoàn, làm thay đổi hẳn quan điểm về tìm kiếm dầu khí mà còn thúc đẩy sự hợp tác quốc tế giữa Tập đoàn với các công ty nước ngoài để triển khai tìm kiếm dầu khí tại đá móng ở một số quốc gia khác.
Cụm công trình này đã góp phần đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ đứng hàng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á với sản lượng khai thác dầu từ 16-20 triệu tấn/năm. Cụm công trình này cũng bổ sung cho đất nước một nguồn tài nguyên dầu khí mới và to lớn, tạo động lực thúc đẩy công tác tìm kiếm, thăm dò và khia thác, tạo tiền đề phát triển ngành dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh từ khâu đầu đến khâu cuối, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
PV: Để có ngày “hái quả” đáng tự hào như vậy, hẳn Petrovietnam đã có những tháng ngày “trồng cây” hết sức vất vả, nhọc nhằn và kiên trì, phải không thưa TS?
TSKH. Phùng Đình Thực: Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh việc nghiên cứu KHCN ở Petrovietnam là liên tục và luôn đi đầu. Tại Petrovietnam, công tác KHCN luôn đi đầu bởi trong thực tế, KHCN là nền tảng của sự phát triển. Hầu như mọi quyết định đều căn cứ trên những cơ sở khoa học.
Từ khi ra đời cho đến nay, theo yêu cầu của sự phát triển, Petrovietnam luôn chú trọng đến lĩnh vực nghiên cứu KHCN và sự chú trọng này cũng được nhân lên theo nhu cầu của thực tế đòi hỏi. Trong giai đoạn từ năm 2006 -2011, Tập đoàn đã đầu tư cho hoạt động KHCN gần 5 nghìn tỷ đồng. Khi xây dựng chiến lược phát triển của Ngành, Petrovietnam xây dựng giải pháp KHCN là 1 trong 3 giải pháp đột phá để Tập đoàn tiếp tục phát triển ổn định. Những nội dung chủ yếu của giải pháp đột phá về KHCN của Petrovietnam có nhiều nội dung nhưng trước hết là thay đổi về nhận thức. KHCN phải được nhận thức là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp lãnh đạo cũng như mọi thành viên trong Tập đoàn. Tiếp đến là xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác KHCN có khát vọng cống hiến khoa học và đam mê nghiên cứu, phát minh. Đối với Tập đoàn, lấy nghiên cứu KHCN ứng dụng làm trọng tâm, đồng thời tiến hành nghiên cứu cơ bản. Bên cạnh đó là khuyến khích tối đa các doanh nghiệp của Tập đoàn phải dành quỹ KHCN và phát huy phong trào sáng kiến sáng chế khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất của mỗi đơn vị. Phải nói rằng, nếu như không có nghiên cứu KHCN đi đầu thì Petrovietnam không có thành tựu như ngày hôm nay.
PV: Phải chăng cũng từ chủ trương nhất quán như vậy mà KHCN đã trở thành nhân tố quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững của Petrovietnam trong những năm qua, thưa TS?
TSKH. Phùng Đình Thực: Khẳng định, những đầu tư cho KHCN trong giai đoạn vừa qua góp phần to lớn trong sự phát triển của Petrovietnam nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Từ những kết quả nghiên cứu KHCN, hiện nay, chúng tôi đang sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, kể cả ứng dụng mới nhất trong lĩnh vực tin học, tự động hóa, xử lý và minh giải các tài liệu về địa chấn địa lý trong ngành dầu khí, ứng dụng các phần mềm mô phỏng mỏ, thiết kế trong quá trình khai thác, công nghệ điều khiển tự động trong khoan và khai thác dầu khí; Rồi ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ hóa học để nâng cao hệ số khai thác dầu, tiếp nhận và chuyển giao ưng dụng các bản quyền công nghệ hiện đại tại các nhà máy lọc dầu, đạm, các giàn khai thác dầu, nhà máy điện... Việc thiết kế và chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90m đã đưa Việt Nam thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới tự chế tạo giàn khoan di động trên biển… Cụm công trình "Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam" của Tập đoàn đã đem lại giá trị kinh tế rất lớn. Tính đến năm 2010, khoảng 200 triệu tấn dầu từ việc khai thác từ các thân dầu đá móng, đạt 80% tổng sản lượng dầu cả nước, tổng doanh thu đạt trên 60 tỉ USD. Riêng đối với thân dầu đá móng granitoit nứt nẻ mỏ Bạch Hổ, nhờ áp dụng các giải pháp KHCN đã đem lại doanh thu tới thời điểm hiện nay lên đến trên 15 tỷ USD.
PV: Là nhà quản lý nhưng TS còn là người có nhiều công trình KHCN đóng góp cho ngành Dầu khí, phải chăng trong sâu thẳm con người mang nhiều trọng trách về chính trị, kinh tế như ông… thực tế lại chỉ đơn giản và bất biến là một nhà khoa học đầy đam mê?
TSKH. Phùng Đình Thực: Bản thân tôi không phải là người làm công tác nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, mà trong quá trình làm việc ở cơ sở sản xuất, thực tế luôn đòi hỏi và đưa tôi đến với NCKH. Thành công của tôi về cả hai lĩnh vực mà bạn vừa nói rất khiêm nhường thôi, không “to tát” như mọi người vẫn nói, nhưng dĩ nhiên cũng phải đi qua những chặng đường khó khăn, vất vả mới có thể đạt được. Tôi có một suy nghĩ khá đơn giản thế này: Đòi hỏi của thực tiễn ngành nghề khiến chúng ta gắn bó với KHCN, gắn bó với nghiên cứu, đó cũng là mục tiêu để mỗi chúng ta cố gắng hơn sau mỗi ngày, mỗi chặng.
PV: Quản lý điều hành và nghiên cứu KHCN là hai lĩnh vực khác nhau, ông có những thuận lợi gì khi đưa những quan điểm KHCN vào quản lý?.
TSKH. Phùng Đình Thực: Trong công việc của tôi, hai lĩnh vực này bổ trợ cho nhau rất nhiều. Quan điểm của tôi là làm việc gì cũng phải có cơ sở khoa học. Từ xưa tới nay tôi thường giải quyết mọi công việc căn cứ trên cơ sở khoa học. Tôi thấy rằng như thế mọi quyết định của người quản lý sẽ chuẩn xác hơn rất nhiều.
PV: Cuộc đời ông gắn liền với ngành Dầu khí, ông có thể chia sẻ những đúc kết của mình trong công tác nghiên cứu khoa học của ngành Dầu khí nói riêng, của KHCN nói chung?
TSKH. Phùng Đình Thực: Là người tham gia nghiên cứu và quản lý KHCN trong thời gian dài, tôi cho rằng, trước hết, để phát triển được KHCN thì không thể thiếu các yếu tố như con người, thiết bị và chính sách. Không có con người thì không làm gì được, có con người mà không có thiết bị thì kết quả hạn chế và không có các sản phẩm tốt, tiếp theo là chính sách để có thể hỗ trợ con người hoat động. Phải gắn nghiên cứu KH với thực tiễn, phải bám sát thực tiễn như thế nghiên cứu khoa học mới hiệu quả.
Một vấn đề quan trọng nữa đó là, phải tập trung được lực lượng, phải tập hợp các chuyên gia về những lĩnh vực khác nhau để bổ trợ cho công tác nghiên cứu KHCN. Trong nghiên cứu KHCN đừng bao giờ nghĩ rằng công nghệ đã hoàn thiện. Nếu như chúng tôi cũng nghĩ những công trình nghiên cứu KHCN, những công nghệ khai thác đã hoàn thiện và không tiếp tục nghiên cứu thì chắc chắn sẽ không có khai thác dầu tại mỏ Bạch Hổ hay Cửu Long.
Chỉ trong hơn 20 năm đổi mới, các nhà khoa học dốc sức lực nghiên cứu và đóng góp không nhỏ cho ngành công nghiệp Dầu khí. Từ chỗ nhờ vào sự hỗ trợ của các chuyên gia Liên Xô, ngày nay, ngành Dầu khí đã tự đảm đương tất cả các khâu, thậm chí còn vươn xa hơn khi đóng được dàn khoan tự nâng 90m nước, liên doanh liên kết với nước ngoài.
Những người kỹ sư, họ thật sự hạnh phúc khi công trình của họ được công nhận và ứng dụng vào thực tiễn. Bởi, nghiên cứu khoa học không đơn giản, mà là sự gian nan tìm tòi, trăn trở và tốn nhiều công sức cho quá trình thực hiện. Bởi vậy, bên cạnh sự lao động trí óc, rất cần một tinh thần và nghị lực lớn để đi đến tận cùng khoa học!
PV: Trân trọng cảm ơn TS!