Trong 3 tháng đầu năm, chỉ số giá trị đồng USD trên thị trường quốc tế đã tăng hơn 5%, tạo áp lực rất lớn đến các đồng tiền khác trên thế giới.
Ngân hàng Nhà nước đã theo rất sát diễn biến tỷ giá của đồng Việt Nam với các đồng tiền khác trên thế giới để có các biện pháp giải tỏa áp lực trên thị trường ngoại tệ.
Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng trung hòa lượng VNĐ dư thừa trên thị trường liên ngân hàng để giảm áp lực đối với USD thông qua việc phát hành tín phiếu để hút bớt lượng VNĐ dư thừa. Qua đó, tỷ giá biến động trong ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây tỷ giá vẫn liên tục leo thang. Theo ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, tỷ giá tăng nhanh do nhu cầu mua ngoại tệ lớn, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sắt thép, xăng dầu sản xuất tăng cao. Điều này tạo áp lực rất lớn lên thị trường ngoại tệ.
Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp có xu hướng tăng đột biến mua ngoại tệ kỳ hạn, dẫn đến cầu ngoại tệ trong tương lai chuyển sang hiện tại.
Trước bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước quyết định có biện pháp mạnh mẽ hơn. Tại họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng trong quý 1 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp tỉ giá từ ngày 19/4.
Website của Ngân hàng Nhà nước đã công bố công khai phương án việc bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm sang trạng thái ngoại tệ bằng 0.
Trạng thái ngoại tệ được xác định trên cơ sở số dư tài khoản mua, bán (giao ngay, kỳ hạn, quyền chọn), phát sinh trong giao dịch có liên quan đến tiền nước ngoài.
Giá bán can thiệp của Ngân hàng Nhà nước ngày 19/4 là 25.450 đồng đổi 1 USD, bằng tỷ giá bán ra niêm yết tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước. So với mức trần ngày 19/4 là 25.473 đồng, giá này thấp hơn 23 đồng.
Việc bán ngoại tệ được đánh giá là biện pháp can thiệp rất mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước đảm bảo giải tỏa tâm lý trên thị trường, khơi thông nguồn cung thị trường, đảm bảo thanh khoản thị trường ngoại tệ thông suốt, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế.
Tại họp báo Chính phủ đầu tháng 4, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến cuối năm 2023, dự trữ ngoại hối của Việt Nam khoảng 100 tỷ USD.