TÓM TẮT:
Hệ thống Ngân hàng Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và thử thách đặc biệt trong điều kiện hội nhập. Một trong những vấn đề đặt ra đối với toàn hệ thống Ngân hàng Việt Nam là tình trạng rủi ro tín dụng dẫn đến nợ xấu, bởi trình độ quản trị còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, thông tin thiếu minh bạch và không đầy đủ,… Vì vậy, để quản trị rủi ro tín dụng có hiệu quả cần phải xây dựng một mô hình quản trị theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện hội nhập. Các nguyên tắc Basel về quản lý rủi ro tín dụng chính là nền tảng xây dựng mô hình quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung và LienvietPostbank nói riêng. Mục tiêu của bài viết này, nêu ra sự cần thiết áp dụng các chuẩn mực Basel trong quản trị rủi ro tín dụng tại LienvietPostbank, áp dụng các nguyên tắc cơ bản của Basel 2 trong quản lý rủi ro tín dụng,.., từ đó đề xuất một số giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất nợ xấu tại Lienvietpostbank trong hiện tại và tương lai.
Từ khóa: Ngân hàng thương mại Việt Nam, Basel II, Lienvietpostbank, nợ xấu, rủi ro tín dụng.
1. Thực trạng vận dụng Basel trong quản lý rủi ro tín dụng tại hệ thống NHTM Việt Nam
Ngày 26/6/2004, phiên bản mới của Basel I được ban hành sau cuộc khủng hoảng ngân hàng những năm 1990. Basel II có hiệu lực từ tháng 1/2007 và được thực hiện theo một lộ trình đến hết năm 2009, sau đó thực hiện đầy đủ kể từ năm 2010. Tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro, nhưng rủi ro được tính toán theo 3 yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt gồm: rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động), rủi ro thị trường và trọng số rủi ro bao gồm nhiều mức, từ 0% đến 150% hoặc hơn. Theo đó, phần mẫu số để tính CAR có một số thay đổi đáng kể.
Việt Nam chưa phải là thành viên của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng, do đó không bị ràng buộc bởi thời hạn phải tuân thủ các Hiệp ước Basel. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật và quy định theo định hướng Basel II.
Đặc biệt, nhằm phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam theo các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã xác định lộ trình triển khai tuân thủ Basel II. Theo đó, kể từ tháng 2/2016, 10 ngân hàng gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB thực hiện thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II cho đến cuối năm 2018. Sau giai đoạn này, Basel II sẽ được áp dụng rộng rãi tại các ngân hàng thương mại (NHTM) còn lại.
Liên quan đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), năm 1999, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 297/1999/QĐ-NHNN5, quy định CAR là 8%, nhưng phương pháp tính đơn giản và chưa phản ánh chính xác tinh thần Basel I. Năm 2005, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN, theo đó CAR vẫn là 8%, nhưng phương pháp tính toán đã tiếp cận tương đối toàn diện Basel I. Năm 2010, cơ quan này ban hành Thông tư số 13/2010/TT-NHNN, nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên 9% và phương pháp tính toán đã từng bước tiếp cận Basel II. Ngày 20/11/2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 1/2/2015), tạo lập chuẩn mực mới về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng với các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; giới hạn, hạn chế cấp tín dụng; tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.
Việc triển khai Basel II giúp chuẩn hóa, cải thiện và lành mạnh hóa lĩnh vực ngân hàng thông qua việc áp dụng các chuẩn mực toàn cầu. Basel được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo các ngân hàng duy trì đủ nguồn vốn bù đắp cho các khoản lỗ có thể phát sinh từ những rủi ro mà ngân hàng đang nắm giữ. Basel II-phương pháp tiêu chuẩn được chuẩn hóa và được xem là bước đầu tiến tới phương pháp đánh giá theo độ nhạy cảm rủi ro.
Ngoài mục tiêu ban đầu tạo nên thước đo chuẩn mực để đo lường sức khỏe của các định chế tài chính, Basel đã tổng hợp tạo nên các khung quản lý rủi ro theo thông lệ chung. Theo đó, việc quản lý rủi ro tại các NHTM đã được chuyển hóa từ việc quản lý riêng lẻ các nhóm rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro thanh khoản… nay đã trở thành một thể thống nhất với ba trụ cột (3 Pillars) và lượng hóa rủi ro qua khái niệm “tài sản có rủi ro” (Risk Weighted Assets - RWA). Chuẩn mực Basel là bước chuyển hóa cơ bản đầu tiên để NHTM có nhận thức cơ bản nhằm thay đổi phương thức điều hành, đưa ra quyết định kinh doanh tiếp cận từ khía cạnh rủi ro (risk based-approach), phương thức đang được phổ biến rộng rãi trên thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007.
2. Ứng dụng các nguyên tắc cơ bản Basel 2 trong quản lý rủi ro tín dụng tại Lienvietpoostbank
Ủy ban Basel ban hành 17 nguyên tắc về quản lý rủi ro tín dụng, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn trong quá trình cấp tín dụng. Lienvietpostbank cần thực hiện các nguyên tắc dựa trên cơ sở Basel II như sau:
2.1. Xây dựng chính sách Quản lý rủi ro tín dụng theo yêu cầu Basel II
Ngân hàng cần nhận diện và quản trị rủi ro tín dụng trong mọi sản phẩm và hoạt động của mình. Hội đồng quản trị phải định hướng và hoạch định chính sách tín dụng và rủi ro tín dụng, thường xuyên xem xét rủi ro tín dụng và xây dựng một chiến lược xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng (tỷ lệ nợ xấu, mức độ chấp nhận rủi ro,…). Ban Tổng giám đốc có trách nhiệm thực hiện xuyên suốt trong hoạt động cấp tín dụng tại Lienvietpostbank do hội đồng quản trị đề ra. Đồng thời, phải đo lường, theo dõi, kiểm soát được nợ xấu ở mọi cấp độ, từ hội sở đến chi nhánh và các phòng giao dịch cũng như danh mục và cơ cấu rủi ro trong các sản phẩm tín dụng của mình.
2.2. Thường xuyên cải tiến quy trình tín dụng
Quy trình hiện nay tại Lienvietpostbank còn nhiều bất cập, chưa linh hoạt, cần tiết giảm thủ tục cho vay đối với khách hàng cá nhân, các bước thẩm định, thời gian thẩm định cần rút ngắn hơn nữa…
Lienvietpostbank cần xây dựng các tiêu chí cấp tín dụng rõ ràng, cụ thể, các nguyên tắc hạn mức cho từng nhóm khách hàng, loại khách hàng từ trước, trong và sau khi cho vay bao gồm các khâu từ khi tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, giải ngân, theo dõi món vay và thanh lý,… để phân tán rủi ro và lượng hóa được trên sổ sách ngân hàng. Xây dựng được quy trình cấp tín dụng lành mạnh, chuyên nghiệp để thực hiện cấp tín dụng phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện và công bằng giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng.
2.3. Phân tích và quản lý, đo lường, theo dõi và giám sát tín dụng và rủi ro tín dụng phù hợp
- Lievietpostbank cần xây dựng một hệ thống quản lý và cập nhật các danh mục đầu tư có rủi ro tín dụng, có hệ thống theo dõi tình trạng cấp tín dụng. Xây dựng hệ thống xếp hạng nội bộ trong quản lý rủi ro tín dụng, từ đó phân biệt được các mức độ rủi ro tín dụng.
- Lienvietpostbank cần thiết lập hệ thống đánh giá độc lập các quá trình quản lý rủi ro, nhằm khắc phục sớm nhất rủi ro phát sinh. Xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp quản trị rủi ro nhằm xác định được trách nhiệm và tổn thất trong việc tuân thủ các chính sách và quy trình tín dụng của bộ phận chức năng.
3. Các giải pháp cụ thể đề xuất ứng dụng Basel trong quản trị rủi ro tín dụng tại Lienvietpostbank
3.1. Cập nhật kiến thức quản trị rủi ro hiện đại
Bồi dưỡng cập nhật kiến thức về rủi ro tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng hiện đại cho giới quản lý cùng người chuyên trách tại các hội sở chính, các chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng, qua đó sàng lọc các nhà quản lý điều hành cao cấp trong ngân hàng. Hội sở chính cần thiết mời các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín cử chuyên gia đào tạo lĩnh vực này tại ngân hàng.
3.2. Xây dựng lộ trình quản trị theo tiêu chuẩn Basel
Thiết kế lộ trình hợp lý để Lienvietpostbank áp dụng phương thức quản trị rủi ro tín dụng theo chuẩn Basel I, II và chuẩn mực Basel III được BCBS ngày 12/9/2010 đưa ra trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trên phạm vi toàn cầu những năm 2007 - 2010, nhằm bổ sung, khắc phục những hạn chế của Basel II, chủ yếu về quản lý thanh khoản, yêu cầu vốn đệm theo chu kỳ của nền kinh tế, giới hạn tỷ lệ đòn bẩy vốn. Basel III có hiệu lực từ năm 2013 và được thực hiện theo một lộ trình đến hết năm 2018, sau đó thực hiện đầy đủ kể từ ngày 1/1/2019.
3.3. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cấp tín dụng
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cấp tín dụng và các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của Lienvietpostbank, như các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, giới hạn cho vay, tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ cấp tín dụng... Trong đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu không những được dùng để xác định khả năng tài chính của ngân hàng trong việc thanh toán các khoản nợ có thời hạn, mà còn là thước đo dùng để bảo vệ người gửi tiền trước những rủi ro của ngân hàng và tăng tính ổn định, hiệu quả của hệ thống tài chính.
Đây được xem là một trong những biện pháp hạn chế rủi ro có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ bảo đảm an toàn trong hoạt động của Lienvietpostbank, mà còn đảm bảo an toàn cho cả hệ thống thanh toán, nâng cao sức cạnh tranh của Lienvietpostbank.
3.4. Xây dựng quy trình quản trị rủi ro tín dụng theo chuẩn mực quốc tế
Hoàn thiện bộ máy quản trị rủi ro tín dụng từ Hội sở chính đến các chi nhánh, với sự phân cấp rõ ràng về mức phán quyết, chức năng nhiệm vụ của từng bộ phận, đồng thời xây dựng các chính sách quản lý rủi ro tín dụng, chính sách phân bổ tín dụng, chính sách khách hàng, xây dựng danh mục đầu tư với đa dạng hóa các sản phẩm nhằm phân tán rủi ro… Củng cố và hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đối với các khách hàng, thực hiện việc quản lý dữ liệu tập trung, đảm bảo có sẵn thông tin cho các nhà quản trị khi đưa ra quyết định cho vay.
Nâng cao chất lượng công tác thẩm định và phân tích tín dụng, rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện các quy trình nội bộ. Tập trung thu thập, cập nhật thông tin về các khách hàng kịp thời và chính xác; phân tích những rủi ro của phương án vay, đưa ra những rủi ro dự kiến, khả năng kiểm soát của ngân hàng và kịch bản xử lý khi những tình huống xấu xảy ra. Xây dựng quy trình cũng như tiêu chuẩn thẩm định thích hợp cho từng loại dự án khác nhau.
Công tác thẩm định tài sản, dự án, năng lực tài chính của khách hàng đòi hỏi kỹ năng phân tích, đánh giá, trình độ chuyên môn của các cán bộ tín dụng rất cao, do đó, ngân hàng cần chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo có đủ năng lực, trình độ, đạo đức nghề nghiệp để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ; có cơ chế ủy quyền, quy định trách nhiệm đối với cán bộ phụ trách và tác nghiệp rõ ràng.
3.5. Sử dụng các biện pháp bảo đảm tín dụng
Bảo đảm tín dụng là một trong những công cụ quan trọng để hạn chế rủi ro cho ngân hàng. Các biện pháp bảo đảm tín dụng hữu hiệu chính là sử dụng tài sản thế chấp, cầm cố hoặc có sự bảo lãnh của bên thứ ba. Trong trường hợp khách hàng không hoàn trả được vốn vay và lãi, ngân hàng có thể bán tài sản bảo đảm bù đắp cho các tổn thất của mình do món vay gây nên. Ngân hàng cần quan tâm tới khâu định giá tài sản một cách chuẩn xác và đảm bảo đầy đủ tính pháp lý của những tài sản này sau khi được Quốc hội thông qua nghị quyết xử lý nợ xấu. Với tài sản thế chấp, Ngân hàng cũng cần kiểm tra xem việc sử dụng tài sản có hợp lý, đúng như cam kết hay không. Với các đảm bảo bằng bảo lãnh, những nội dung giám sát người bảo lãnh cũng giống như đối với khách hàng đi vay (tuy nhiên phần lớn là giám sát gián tiếp thông qua thông tin thu thập được).
3.6. Sử dụng các nghiệp vụ phái sinh tín dụng để phòng ngừa rủi ro
Phái sinh tín dụng ngày nay đã trở thành một sản phẩm mới trong công nghệ quản lý rủi ro tín dụng của các ngân hàng thương mại và ngược lại, Lienvietpostbank quan tâm hơn đến loại hình công cụ phái sinh này để quản lý rủi ro. Phái sinh tín dụng là một nghiệp vụ cho phép ngân hàng và các tổ chức tín dụng chuyển giao rủi ro tín dụng sang những tổ chức sẵn sàng chấp nhận rủi ro khác thông qua các hợp đồng phái sinh tín dụng. Đặc điểm chung của công cụ quản lý rủi ro này chính là chúng giữ nguyên các tài sản có trên sổ sách kế toán của những tổ chức khởi tạo ra những tài sản đó, đồng thời sẽ chuyển giao một phần rủi ro tín dụng có sẵn trong những tài sản này sang các đối tác khác, thông qua đó sẽ đạt được một số mục tiêu: Các tổ chức khởi tạo có một phương tiện để chuyển giao rủi ro tín dụng mà không cần bán tài sản đó đi; khi việc bán tài sản có làm suy yếu mối quan hệ của ngân hàng với khách hàng, thì chuyển giao rủi ro tín dụng sẽ cho phép ngân hàng này duy trì được các mối quan hệ sẵn có.
4. Kết luận
Rủi ro tín dụng là một trong những rủi ro chủ yếu tác động đến an toàn hệ thống ngân hàng. Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, việc chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định chính là biện pháp sống chung với rủi ro của ngân hàng thương mại Việt Nam nói chung và Lienvietpostbank nói riêng. Vì vậy, để nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro và phù hợp với thông lệ quốc tế, Lienvietpostbank cần xây dựng hệ thống quản lý rủi ro tín dụng dựa trên các nguyên tắc của Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel đưa ra nhằm đảm bảo hoạt động quản trị rủi ro hiện đại và phù hợp thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro tín dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo thường niên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2013 - 2016).
2. Báo cáo thường niên Lienvietpostbank (2012 - 2016).
3. Basel Committee on Banking Supervision (2005), International convergence of capital Measurement and capital standards, 34-48.
4. Lê Thành Lân (2015). Quản trị Rủi ro trong hoạt động NHTM, Tham luận Hội thảo khoa học Đại học Ngân hàng.
5. Nguyễn Đức Cường (2006), những nguyên tắc của Basel về quản trị nợ xấu, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số 54, 2006, 96 - 103.
6. Nguyễn Hải Đăng, 2011. Hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Vũng Tàu. Luận văn thạc sỹ. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
7. Nguyễn Văn Tiến (2005). Quản trị rủi ro trong kinh doanh ngân hàng. NXB Thống kê.
8. Trần Huy Hoàng (2010). Quản trị ngân hàng thương mại. NXB Lao động Xã hội.
9. Trần Huy Hoàng (2012), Khủng hoảng kinh tế, quản trị ngân hàng và vấn đề nợ xấu; Tạp chí Công nghệ Ngân hàng tháng 04/2012, 4 - 9.
10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp ước Basel (I, II và III), http:/www.sbv.gov.vn
11. Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
STANDARD APPLICATION OF BASEL II ON CREDIT RISK
MANAGEMENT IN VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS:
LIENVIETPOSTBANK CASE
● NGUYEN HONG HA
Department of Finance - Banking, Tra Vinh University
ABSTRACT:
The banking system in Vietnam is facing many special challenges in the context of integration. One of the problems faced by the whole banking system of Vietnam is credit risk, which leads to bad debts due to limited management level, lack of professionalism, lack of transparency and inadequate information. Therefore, in order to manage credit risk effectively, it is necessary to develop a governance model that conforms to international standards and integration conditions. The Basel Principles on Credit Risk Management are the basis for building the model of credit risk management in Vietnamese commercial banks in general and LienvietPostbank in particular. This article outlined the need to apply Basel standards and Basel II fundamentals on credit risk management. It proposed a number of measures to minimize bad credits at Lienvietpostbank now and in the future.
Keywords: Vietnam Commercial Bank, Basel II, Lienvietpostbank, bad debts, credit risk.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây