Trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã tăng cường các giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp.
Đến nay chỉ còn 21 doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, số lượng người tham gia chỉ còn khoảng 644.996 người, giảm 42% so với số lượng người tham gia bán hàng đa cấp thống kê tại thời điểm cuối năm 2019 (1.105.003 người), trong đó, 311.668 người có hoạt động bán hàng và có hoa hồng (chiếm 48,3%).
51,7% số người tham gia còn lại thuộc nhóm chỉ ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp để được mua hàng với mức giá ưu đãi dành cho người tham gia mà không có hoạt động bán hàng.
Hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu cho xã hội chủ yếu diễn ra ở các hình thức lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua các hình thức đầu tư như đầu tư tiền vào các dự án tài chính, tiền ảo, ví điện tử.
Việc xử lý các đối tượng này không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương mà cần có sự tham gia phối hợp của nhiều Bộ ngành liên quan, không chỉ sử dụng biện pháp hành chính mà cần mạnh tay với các biện pháp hình sự thì mới đảm bảo tính răn đe.
Việc quản lý cũng không chỉ tập trung vào hình thức kinh doanh mà còn phải quản lý cả các đối tượng kinh doanh.
Ví dụ như quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng phải có sự giám sát, quản lý của cơ quan y tế, quản lý hoạt động kinh doanh mỹ phẩm phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý dược, quản lý việc kinh doanh các dịch vụ như môi giới bất động sản, môi giới bảo hiểm cũng cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên ngành...
Về phía Bộ Công Thương, luôn theo sát diễn biến của thị trường, phối hợp với các cơ quan liên quan để phát hiện, theo dõi hoạt động của các đơn vị kinh doanh đa cấp biến tướng để nắm bắt thông tin và có biện pháp xử lý kịp thời:
Về mặt pháp lý, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua Điều 217a Bộ luật Hình sự về tội kinh doanh theo phương thức đa cấp để có cơ sở xử lý sớm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để thu lợi bất chính.
Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành khác nhau trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Tài Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tại các địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã ban hành quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với sự tham gia của tất cả các lực lượng liên quan như: công an, thuế, y tế, quản lý thị trường, thanh tra Sở Công thương… để đảm bảo triển khai đồng bộ, nâng cao hiệu quả quản lý.
Song song với đó, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã đưa ra hàng chục cảnh báo công khai về các trường hợp có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng để người dân biết và phòng tránh liên quan đến các Công ty Jeunesse, Atomy, Greenleaf, Dự án Hoàng Gia, Vital4u, FutureNet, Vision… hay các doanh nghiệp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp tiền ảo: BBI, My Aladdinz…
Các tin cảnh báo của Bộ đã được nhiều đơn vị báo chí, truyền thông đăng lại, qua đó đạt được hiệu quả truyền thông đáng kể, nâng cao nhận thức đồng thời ngăn ngừa được các thiệt hại không đáng có cho người dân. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chuyển thông tin đến các lực lượng ở địa phương để cùng giám sát, xử lý.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với các đơn vị truyền thông như Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV24), truyền hình công an nhân dân ANTV, Thông tấn xã Việt Nam, VOV Giao thông thực hiện các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã chuyển thông tin hàng chục trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp đến các cơ quan công an có thẩm quyền để có biện pháp theo dõi, xử lý theo thẩm quyền.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, trong đó tập trung vào 2 giải pháp chính:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng. Khi nhận thức của người dân được nâng cao thì cơ hội dành cho các đối tượng bất chính sẽ không còn.
Hai là tăng cường phối hợp với các Bộ ngành, lực lượng liên quan, đặc biệt là các cơ quan công an, để giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội.