TÓM TẮT:
Trong nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến trình hội nhập kinh tế của Thành phố Đà Nẵng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công nghiệp điện tử là yêu cầu cấp bách. Bài viết xây dựng quan điểm tích cực phù hợp với những yêu cầu đặt ra cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Công nghiệp điện tử của Thành phố trong bối cảnh hội nhập công nghiệp toàn cầu; Phân tích thực trạng và đề ra một số giải pháp phát triển phù hợp cho lĩnh vực này.
Từ khóa: Nhân lực, chất lượng cao, ngành Công nghiệp điện tử Thành phố Đà Nẵng.
1. Đặt vấn đề
Đà Nẵng là một thành phố công nghiệp lớn thứ ba cả nước, có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển lĩnh vực công nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử (CNSXSPĐT), tuy đã có những nỗ lực nhất định, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, còn nhiều bất cập và có nguy cơ tụt hậu. Trong hạn chế đó, có hạn chế cơ bản về nguồn nhân lực công nghiệp điện tử có chất lượng cao. Để khắc phục hạn chế này, nhất thiết phải nghiên cứu và vận dụng các tiêu chuẩn, điều kiện về nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) trong CNSXSPĐT của các nước có ngành CNSXSPĐT tiên tiến, đồng thời qua phân tích thực trạng, tìm kiếm một số giải pháp đóng góp cho sự thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành Công nghiệp điện tử (CNĐT) của Thành phố Đà Nẵng trong những năm tới.
2. Đặc trưng của ngành Công nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử
Ở thế kỷ XXI, thế giới đang nói đến nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng lần thứ 4, đó là cuộc cách mạng về kỹ thuật số với sự hiện diện ngày càng đông đảo các sản phẩm điện tử hiện đại, thông minh chứa đựng những tính năng tác dụng bao trùm mọi lĩnh vực của cuộc sống hiện đại. Sản xuất điện tử đòi hỏi trang bị trình độ công nghệ tiên tiến nhất trong mối quan hệ với các ngành công nghiệp phụ trợ. CNĐT là ngành có công nghệ phát triển với tốc độ nhanh nhất hiện nay và được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều nước, là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật của các quốc gia trên thế giới. Theo đánh giá hàng năm của WB (World Bank) về 20 nhóm ngành công nghiệp trên thế giới thì CNĐT luôn đứng đầu về thu hút lao động.
3. Một số đặc trưng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành sản xuất điện tử
Độ tuổi lao động, có phân bố bình quân sắp xếp theo tỷ lệ của các loại công việc từ cao đến thấp như sau: Lao động trong phân xưởng từ 18 - 70 tuổi. Lao động có hàm lượng tri thức cao như thiết kế, nghiên cứu, chế tạo, phát minh ra sản phẩm mới... có độ tuổi bình quân cao hơn, từ 40 - 65 tuổi.
Theo Cục Điều tra lao động Hoa Kỳ
(đến tháng 02/2017), độ tuổi lao động trong ngành SXSPĐT và liên quan đến
SXSPĐT được phân bố như sau (Trích dẫn): (Xem bảng)
Đơn vị tính: nghìn
người
Bảng trên cho thấy độ tuổi lao động bình quân trong ngành SXSPĐT và các ngành có liên quan đến SXSPĐT tại Hoa Kỳ, quốc gia có ngành công nghiệp SXĐT hàng đầu thế giới là 44,8 tuổi. Cho thấy, sự đòi hỏi NNLCLC không chỉ có ở bộ phận chính là thiết kế, sản xuất mà đòi hỏi một lực lượng phối kết hợp tổng hợp từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà thiết kế, chế tạo, các kỹ sư vận hành, giám sát, đội ngũ công nhân lắp ráp (chiếm 80%).
Sức khỏe lao động, yêu cầu tiếp thu, vận hành, duy trì cường độ lao động lâu dài, đủ trí lực và thể lực để sáng tạo ra sản phẩm tiên tiến hơn.
Kỹ luật lao động, làm việc trong môi trường công nghệ hiện đại, đòi hỏi phải có ý thức văn hóa doanh nghiệp, khả năng phối hợp nhóm, ý thức chấp hành nội quy kỷ luật.
Kỹ năng và trình độ tay nghề, đòi hỏi người lao động phải được đào tạo lý thuyết và thực hành theo công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, có khả năng phát hiện, sửa chữa, thay thế, tự sản xuất, phát triển sản phẩm mới.
Hiệu quả lao động, đáp ứng nhanh nhất với chi phí thấp, tính năng vượt trội có khả năng kích cầu, chiếm lĩnh thị trường, bán chạy...
4. Thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Sản xuất điện tử của Thành phố Đà Nẵng
Về độ tuổi lao động trong ngành SXĐT, dự kiến đến năm 2020, quy mô dân số xấp xỉ 1,4 triệu người. Có hai nhóm tuổi chiếm dân số cao, từ 15 đến 24 và từ 35 đến 44 tuổi, đây là độ tuổi vàng đáp ứng SXĐT. Hiện tại, 45% dân số làm việc trong các ngành công nghiệp, dịch vụ.Tuy vậy, theo khảo sát vừa được ILO công bố cho thấy, số lao động trong ngành SXĐT ở Việt Nam có nhiều thách thức đặt ra, trong đó những hạn chế về NNLCLC là một khó khăn rất lớn.
Tại TP. Đà Nẵng, các doanh nghiệp điện tử lớn hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Họ sử dụng chủ yếu là các kỹ sư vận hành ở trình độ thấp, còn lại là công nhân lắp ráp mà tay nghề phải đào tạo lại. Các lao động quản lý, chuyên gia, kỹ sư cao cấp đều là người nước ngoài đưa đến, không thấy bộ phận nghiên cứu sáng tạo có mặt tại ở Việt Nam. Khoảng 80% người lao động ở phân khúc dưới của ngành SXĐT là nữ, làm việc trong các dây chuyền lắp ráp vốn không mang lại nhiều giá trị gia tăng.
Về giá lao động, đứng thứ 3 trong cả nước sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và được đánh giá là tương đối thấp. Theo Cục điều tra Hoa Kỳ đến tháng 2/2017, giá lao động bình quân trong ngành SXĐT ở Hoa Kỳ khoảng 41,5USD/giờ. Trong khi đó, ở các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng đầu năm 2017, dao động trong khoảng từ 5 trVND/tháng đến 15trVND/tháng (khoảng 1,6 USD/giờ). Giá thuê nhân công ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Ấn Độ và 1/2 so với Trung Quốc. Giá lao động thấp là một lợi thế hấp dẫn, nhưng phần nào phản ảnh chất lượng lao động còn thấp. Lao động có mức lương từ 10 trVND/ tháng đến 15trVND/tháng chiếm tỷ lệ rất thấp. Còn lại phần lớn là tuyển dụng lao động lắp ráp, bán hàng trình độ không cao.
Về cơ cấu nghề nghiệp, chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp. Tồn tại và hạn chế này làm cho vị trí của ngành Công nghiệp SXĐT Đà Nẵng vốn đã yếu nay đang tụt dần so với một số địa phương trong vùng và cả nước. Các doanh nghiệp SXĐT lớn ở TP. Đà Nẵng hầu hết là có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện phần lớn công đoạn chế tạo linh kiện, phần cơ điện, phần vỏ, bao bì và gia công, lắp ráp cho các doanh nghiệp mẹ tại chính quốc. Số còn lại có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu gia công, lắp ráp trên dây chuyền chuyển giao công nghệ lạc hậu và tự sản xuất các sản phẩm có thứ hạng thấp trong chuỗi giá trị. Qua đó cho thấy, nếu không xây dựng cơ cấu ngành hợp lý, sẽ không có cơ hội tiếp thu, học tập, đào tạo và tạo vị trí làm việc cho NNLCLC.
+ Mức độ phù hợp với công nghệ tiên tiến của thế giới
Về sức khỏe lao động, họ đáp ứng được các công việc đòi hỏi nhiều giờ trong phân xưởng. Tuy nhiên, tỷ lệ nghĩ, bỏ việc, chuyển nghề, đau ốm... khá cao. Chất lượng sống tại các khu tập thể, tại các gia đình người lao động và điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn thấp. Chiều cao và trọng lượng bình quân cơ thể thấp, khả năng duy trì lao động trong thời gian từ 5 năm trở lên là khó khăn. Gần đây, phát hiện hiện tượng các doanh nghiệp FDI chỉ sử dụng lao động nữ trước tuổi 35 để tiết kiệm chi phí tiền lương. Về kỷ luật lao động, một nhận định chung là tinh thần trách nhiệm làm việc, đạo đức công dân, ý thức văn hóa công nghiệp, kỷ luật lao động của một bộ phận đáng kể người lao động chưa cao. Về kỹ năng và trình độ tay nghề, TP. Đà Nẵng là một trong ba trung tâm giáo dục và đào tạo lớn nhất Việt Nam. Trường Đại học Đà Nẵng đã xây dựng được một số phòng thí nghiệm có trình độ hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới, như phòng phòng thí nghiệm Điện-Điện tử; Cơ-điện tử. Hiện vẫn chưa có trường đại học nào chính thức đào tạo chuyên ngành thiết kế vi mạch. Tồn tại chính là số giảng viên và chuyên gia có trình độ cao nắm bắt và truyền đạt công nghệ SXĐT tiên tiến còn ít, số lượng công trình khoa học trong lĩnh vực này ở mức ngang tầm khu vực và thế giới còn hạn chế. Số phòng thực hành với thiết bị hiện đại, đa dạng cả chiều rộng lẫn chiều sâu chưa đạt. Đào tạo nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành cùng với tác phong công nghiệp và khả năng ngoại ngữ chưa tốt. Ý thức, lòng say mê và phương pháp nghiên cứu khoa học trong bộ phận lớn sinh viên còn khá ít. Rất nhiều sản phẩm khoa học không đáp ứng được sản xuất kinh doanh hoặc lạc hậu so với khu vực. Về hiệu quả lao động, từ Đại hội lần thứ XX Đảng bộ TP. Đà Nẵng (2010) đề ra giải pháp đột phá là tiếp tục đẩy mạnh việc tạo NNLCLC theo hai hướng: Một là, “trải thảm đỏ” thu hút người giỏi từ nơi khác đến; Hai là, tích cực đưa đi đào tạo. Đến 2015, thu hút được hơn 1.000 người, chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy công lập loại giỏi (chiếm tỷ lệ 77%) về Đà Nẵng làm việc. Theo tổng kết 15 năm tạo nguồn NLCLC, đã bước đầu có được kết quả khích lệ. Đến năm 2016, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch mạnh với đóng góp ngày càng lớn của nhóm các mặt hàng thiết bị điện, linh kiện điện tử - viễn thông bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu chủ lực lâu nay như hàng dệt may, đồ chơi, săm lốp cao su.
Tuy vậy vẫn còn một số tồn tại, như vẫn còn tình trạng những người được học hành đào tạo đẩy đủ không quay về thành phố phục vụ. Chính sách NNLCLC chủ yếu tập trung vào đào tạo ở bằng cấp từ Đại học trở lên, chưa phân tầng đào tạo theo chuỗi lao động trong ngành Công nghiệp, nên chưa chú trọng công nhân lành nghề và các lao động liên quan, dẫn đến mất cân đối giữa các khâu, ngành trong sản xuất, giữa quản lý hành chính và kinh doanh. Chưa có dự báo về nhu cầu NNLCLC nên chưa thống kê được nhu cầu trong từng ngànhCông nghiệp. Còn nhiều hạn chế và bất cập trong việc tuyển chọn đào tạo, độ tuổi, giới tính, hoàn cảnh, tính công bằng...
Đào tạo tại địa phương còn nhiều lãng phí, tỷ lệ lao động nghề, cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ còn thất nghiệp nhiều hoặc làm không đúng ngành nghề, nhưng lại không đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp SXĐT. Kết quả, năng suất lao động trong ngành SXĐT còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới, lo ngại hơn là xu hướng phát triển chậm, tụt hậu so với các nước trong khu vực.
+ Nguyên nhân chung của những hạn chế về phát triển NNLCLC
Thứ nhất, chính sách quản lý về phát triển NNLCLC nói chung trong ngành SXĐT nói riêng còn những bất cập so với trình độ phát triển khoa học công nghệ thế giới và khu vực. Thứ hai, chưa có sự tính toán đầy đủ các chuỗi điều kiện, cơ cấu, phân tầng và các ngành công nghiệp phụ trợ. Thứ ba, nguồn lực tài chính chưa ưu tiên đầu tư cho NNLCLC trong dài hạn, khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội, nước ngoài còn hạn chế. Thứ tư, hệ thống giáo dục và đào tạo về công nghiệp SXĐT còn manh mún, nhỏ lẻ, không bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng và không có khả năng đón đầu, nên không tạo được sản phẩm độc lập mà chỉ chuyển giao hoặc thực hiện các phân đoạn đơn giản của chuỗi sản xuất SPĐT. Thứ năm, hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực KHCN, sản xuất SPĐT và phát triển NNLCLC còn chú trọng về hiệu quả ngắn hạn như các chỉ tiêu số lượng, doanh số, kim ngạch xuất nhập khẩu sản phẩm, giải quyết việc làm... Chưa chú trọng đến trình độ công nghệ và vòng đời của SPĐT. Trong khi các nhà đầu tư chỉ quan tâm khai thác lao động giá rẻ. Công nghệ hiện đại, tiên tiến chuyển giao trong hợp tác đầu tư chiếm tỷ lệ rất thấp.
5. Những yêu cầu, thách thức đặt ra
Thứ nhất, TP. Đà Nẵng phải đối đầu với nguy cơ tụt hậu công nghiệp và khả năng không xây dựng được ngành Công nghiệp SXĐT tiên tiến, ngang tầm với các nước trong khu vực. Lối tư duy sản xuất nhỏ còn đè nặng với các doanh nghiệp nội địa, chọn lối tắt chuyển giao để tiếp cận sản xuất, chú trọng hiệu quả ngắn hạn nhưng ngại phát huy tự chủ trong dài hạn. Thứ hai, TP. Đà Nẵng phải có đủ NNLCLC để có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp SXĐT tại địa phương và tham gia vào chuỗi giá trị SXĐT toàn cầu. Thứ ba, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, đội ngũ chuyên gia hạn chế, giải pháp sử dụng mâu thuẩn với lợi thế so sánh của địa phương. Thứ tư, những thuận lợi về ưu đãi trong các chính sách hội nhập song phương, đa phương kết hợp với nhiều lợi thế như TPĐN sẽ tạo điều kiện chuyển giao công nghệ tiên tiến, giảm được thuế quan, tăng xuất khẩu. Hội nhập đưa đến giảm giá thành sản phẩm, nhưng nếu không chú trọng năng suất, chất lượng sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước có năng suất lao động cao hơn. Thứ năm, với nỗ lực khuyến khích đầu tư, cải cách pháp luật, thủ tục hành chính nhằm tạo cơ hội tối đa thu hút vốn đầu tư, đưa VN trở thành “công xưởng thứ hai của thế giới”. Nhiều tập đoàn điện tử, viễn thông sẽ dịch chuyển sang khu vực ASEAN, trong đó TP. Đà Nẵng.
6. Sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, địa phương
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1290/QĐ-TTg ngày 01/8/2014, về: “Kế hoạch hành động phát triển ngành Công nghiệp điện tử thực hiện chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Ban Thường vụ Thành ủy đã ra quyết định ban hành Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công đến năm 2020 (Quyết định số 13100-QĐ/TU ngày 23/4/2015).
7. Một số đề xuất giải pháp
Thay đổi tư duy về NNLCLC trong ngành SXSPĐT: Cần tư duy trên quan điểm vừa toàn diện, vừa phân đoạn lao động theo các trình tự trong chuỗi sản xuất và cung ứng phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới. Cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách, tiêu chuẩn tiên tiến cho NNLCLC trong từng phân đoạn; Kiểm tra, đánh giá đúng chất lượng NNLCLC. Tích cực loại bỏ các tồn tại trong lựa chọn, tuyển dụng, đề bạt. Xây dựng lực lượng lãnh đạo công tác NNLCLC từ những người có tư duy khoa học công nghệ tiên tiến, có trình độ cao, có tầm nhìn chiến lược và có tâm huyết.
Tích cực khai thác và sử dụng tốt những lợi thế sẵn có: Ngoài những lợi thế về tự nhiên, địa lý... cần có chiến lược tận dụng tốt lực lượng lao động “Độ tuổi vàng” tại địa phương, có dự báo nhu cầu kết hợp với giải pháp tăng năng suất lao động để tăng giá trị SPĐT cạnh tranh. Huy động nguồn lực tài chính của các thành phần kinh tế, toàn dân, các nguồn vốn viện trợ, các quỹ đào tạo của các hiệp hội, tổ chức quốc tế để ưu tiên cho phát triển NNLCLC.
Xây dựng một cơ cấu ngành hợp lý: Cần xác định những lĩnh vực SXSPĐT phù hợp với địa phương, phát triển bền vững có tính cạnh tranh, chú trọng công nghiệp phụ trợ và các phân đoạn liên quan, tiến đến xây dựng một ngành SXSPĐT toàn diện, tự lực, hội nhập và có thương hiệu.
Về mức độ phù hợp với công nghệ tiên tiến của thế giới: Đối với vấn đề sức khỏe lao động, tích cực có giải pháp cải thiện nâng cao về trí lực, thể lực, dinh dưỡng, điều kiện làm việc... căn cứ vào các tiêu chuẩn của sản xuất công nghiệp hiện đại. Cải cách quy định về lao động để vừa đảm bảo lao động lâu dài, vừa phát triển được nghề nghiệp và thu nhập của cá nhân. Chống tình trạng: “Vắt chanh bỏ vỏ”; “Sử dụng trước tuổi 35”... Ưu tiên tuyển dụng NNLCLC tại chỗ. Đối với vấn đề kỷ luật lao động, nghiên cứu, xây dựng và đưa vào giáo dục, áp dụng các tiêu chuẩn kỷ luật lao động sản xuất công nghiệp nói chung trong ngành SXSPĐT nói riêng, qua đó giáo dục nhận thức về kỷ luật lao động tiên tiến. Đảm bảo đầy đủ các chế độ lao động, các giải pháp tạo động lực, độ bền lao động; Xây dựng khung pháp lý, hợp đồng lao động, nội quy lao động phù hợp; Hạn chế các tác động di chuyển thời vụ, khác biệt văn hóa... Đối với kỹ năng và trình độ tay nghề, tiếp tục đổi mới hệ thống giáo dục, đào tạo tại địa phương theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp với trình độ khoa học công nghệ hiện tại của thế giới. Cụ thể: Sắp xếp, phân đoạn, bổ sung, hoàn thiện các cơ sở đào tạo ở các bậc cho NNLCLC trong hệ thống ngành SXSPĐT (đào tạo nghề, cao đẳng, đại học, sau đại học). Xây dựng các viện nghiên cứu, ứng dụng và các tổ chức trong lĩnh vực SXĐT; Hợp tác nghiên cứu, đào tạo chuyên gia, nhà quản lý, kinh doanh, công nhân kỷ thuật cao với các nước có trình độ công nghệ SXĐT tiên tiến trong khu vực và trên thế giới một cách có hiệu quả; Kết hợp đào tạo tại chỗ cho người lao động trong các xí nghiệp, lập các cơ sở, các nhóm nghiên cứu phát triển tại chỗ để tiến đến chuyển giao toàn bộ. Tổ chức tốt phân tầng đào tạo theo nhu cầu dự báo và cơ cấu ngành SXĐT. Gắn đào tạo lý thuyết với thực hành, nghiên cứu khoa hoc, đặc biệt là lòng say mê nghiên cứu khoa học. Đổi mới, hệ thống học liệu, cơ sở thí nghiệm, phương thức giảng dạy trong ngành SXĐT; Tạo lập được khung trình độ đào tạo, sát hạch theo tiêu chuẩn các nước có ngành Công nghiệp SXSPĐT tiên tiến, tiến tới đáp ứng lao động không qua đào tạo lại. Tích cực hợp tác nghiên cứu, thu hút chuyên gia nước ngoài chuyển giao, hỗ trợ phát triển SXĐT. Đối với hiệu quả lao động, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, thống kê đánh giá được kết quả về số lượng, chất lượng của quá trình đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, bố trí lao động và kết quả sử dụng của các doanh nghiệp trong ngành để đúc kết, rút kinh nghiệm hiệu chỉnh kịp thời, tăng hiệu quả cho NNLCLC kế tiếp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo hàng tháng của Cục Thống kê TP. Đà Nẵng trong các năm 2015, 2016.
2. Bản tin Công Thương TP. Đà Nẵng các tháng của các năm 2010-2015.
3. Cục Điều tra lao động Hoa Kỳ, Báo cáo thống kê của Cục Thống kê Lao động, Bộ Lao động Mỹ đến tháng 2/2017.
4. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 2015.
5. Niên giám thống kê TP. Đà Nẵng từ 2010 - 2015.
6. Văn bản hành chính liên quan lĩnh vực công nghiệp điện tử, website: www.danang.gov.vn.
7. TS. Vũ Thị Mai, Chất lượng nguồn nhân lực, Thư viện Tài liệu học liệu mở VOER, 2013.
8. ThS. Lê Thanh Thủy, Cơ hội và thách thức của ngành Công nghiệp điện tử Việt Nam trong hội nhập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, 20/04/2016.
PRIORITIZING THE DEVELOPMENT OF HIGH QUALITY HUMAN RESOURCES FOR DA NANG'S ELECTRONICS INDUSTRY
MA. NGUYEN TIEN DA
College of Commerce of Danang
ABSTRACT:
In the process of industrialization, modernization and economic integration of Da Nang city, developing high quality human resources for electronics industry is an important task. The article builds on a positive outlook that is consistent with the requirements for high quality human resources in the City's Electronic Industry in the context of global industrial ntegration. The article also analyzes the situation and propose some suitable development solutions for this field.
Keywords: Human resources, high quality, electronics industry Da Nang city.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây