Theo đó, ngày 29/11/2024, Ủy ban Châu Âu đã nhận được yêu cầu đánh giá các biện pháp tự vệ từ 13 quốc gia thành viên theo Điều 20 của Quy định (EU) 2015/478 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu và Điều 16 của Quy định (EU) 2015/755 của Nghị viện Châu Âu và của Hội đồng.
Yêu cầu được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu thép của Liên minh Châu Âu sụt giảm, dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn đối với khối lượng hạn ngạch miễn thuế hiện tại. Trong khi đó, sự gia tăng xuất khẩu thép từ Trung Quốc sang các nước thứ ba dẫn đến xuất khẩu từ các nước này sang Liên minh tăng mạnh.
Để thích ứng với những thay đổi mới trên thị trường, Liên minh Châu Âu nhận định cần phải điều chỉnh lại cách thức phân bổ hạn ngạch thuế quan.
Uỷ ban Châu Âu sẽ hoàn thành việc đánh giá vào ngày 31 /03/2025. Dựa trên kết quả cuộc đánh giá, nếu có thay đổi thì các quy định mới bao gồm cả hạn ngạch thuế quan có thể được áp dụng ngay từ đầu quý II, tức ngày 01/04/2025
Việc Uỷ ban Châu Âu đánh giá lại các biện pháp tự vệ đối với thép nhập khẩu là một vấn đề quan trọng, không chỉ đối với ngành thép của EU mà còn đối với các quốc gia xuất khẩu thép, bao gồm cả Việt Nam. Kết quả của cuộc đánh giá này sẽ có tác động lớn đến môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất thép và các nhà xuất khẩu thép trên toàn cầu.
Hiện nay, để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, Liên minh Châu Âu đang áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với 26 loại sản phẩm thép nhập khẩu. Khi hạn ngạch này hết, một mức thuế suất cao hơn, lên tới 25%, sẽ được áp dụng cho số lượng hàng hóa nhập khẩu vượt quá hạn ngạch.
Đây là các biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép được Uỷ ban Châu Âu áp dụng từ ngày 31/01/2019. Thời hạn hiệu lực ban đầu là 3 năm và các biện pháp này đã được gia hạn hai lần, lần cuối cùng là đến ngày 30/06/2026.