TTKC&TVPTCN hoạt động theo chế độ chuyên viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, nên chưa có các phòng chức năng. Địa điểm đến nay vẫn phải nhờ văn phòng Sở Công nghiệp với một diện tích làm việc hết sức khiêm tốn, trang thiết bị gồm máy tính, bàn làm việc, tủ còn thiếu, cần được bổ sung, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu công tác.
Mặc dù mới ra đời, nhưng TTKC&TVPTCN Nam Định đã thực hiện được một số công việc như sau:
Tổ chức 3 lớp dạy nghề thêu ren xuất khẩu với tổng số 240 học viên, kinh phí hỗ trợ là 90 triệu đồng; 03 lớp dạy nghề gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, với 150 học viên, kinh phí hỗ trợ là 90 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật hàn vỏ tầu bằng công nghệ hàn điện một chiều tại Công ty TNHH Việt Tiến, kinh phí 130 triệu đồng…
Thực hiện các quyết định phê duyệt chương trình, dự án khuyến công của UBND Tỉnh, năm 2006, Sở Công nghiệp đã chỉ đạo TTKC&TVPTCN thực hiện 104 dự án, với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Trong đó, dạy nghề có 92 dự án, tổng số lao động 9.000 người, tổng kinh phí là 1,295 tỷ đồng; đào tạo quản trị doanh nghiệp, thợ điện nông thôn 8 dự án với số học viên là 500 người, kinh phí hỗ trợ 145 triệu đồng; chi phí hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm 04 dự án, kinh phí 60 triệu đồng.
Đến hết tháng 12/2006, nhìn chung các dự án đã được thực hiện đúng đối tượng, đúng nội dung, đúng tiến độ. Số lao động được truyền, dạy nghề sau khi học xong đều được bố trí tạo việc làm tại các làng nghề và các doanh nghiệp. Các dự án triển khai mô hình trình diễn kỹ thuật đều được thực hiện đúng theo nội dung đạt kết quả tốt.
Dự kiến kế hoạch năm 2007
Theo đăng ký của TTKC& TVPTCN Nam Định thì năm 2007, kinh phí khuyến công quốc gia sẽ hỗ trợ 1,530 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đào tạo khởi sự doanh nghiệp 180 triệu đồng; nâng cao năng lực quản lý công nghiệp nông thôn 300 triệu đồng; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học 300 triệu đồng; hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật 450 triệu đồng và hỗ trợ cho các hoạt động khác 300 triệu đồng. Như vậy, năm 2007, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ tỉnh Nam Định sẽ tăng hơn 3 lần so với năm 2006.
Kinh phí khuyến công địa phương sẽ hỗ trợ 2,850 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2006. Cụ thể phân bổ như sau:
Hỗ trợ đào tạo nghề 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo khởi sự doanh nghiệp 300 triệu đồng; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý công nghiệp nông thôn 150 triệu đồng; chi mô hình trình diễn kỹ thuật 300 triệu đồng; hỗ trợ thành lập hiệp hội ngành nghề 120 triệu đồng; hỗ trợ lập dự án đầu tư 400 triệu đồng và chi các hoạt động khuyến công khác.
Một số nhận xét và đánh giá
Những mặt được:
- Từ sự hỗ trợ của kinh phí khuyến công đã tạo điều kiện cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương mạnh dạn hơn trong việc phát triển CN – TTCN nông thôn, nhất là đối với các làng nghề. Nhiều địa phương đã chủ động tìm ngành nghề để tổ chức đào tạo, nhân cấy nghề, phát triển nghề. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ tư nhân, cá thể đầu tư mở rộng sản xuất, thu hút thêm lao động.
- Đã động viên được các tổ chức kinh tế – xã hội – chính trị như: Hội Nông dân tập thể, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS HCM…tham gia vào chương trình khuyến công, nhằm phát triển CN – TTCN và làng nghề.
- Những tồn tại và nguyên nhân:
- Một số địa phương còn trông chờ, ỉ lại vào huyện, tỉnh, chưa chủ động khai thác nguồn lực tại chỗ trong việc thực hiện khuyến công.
- Cán bộ nghiệp vụ ở một số nơi còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ trong việc lập dự án khuyến công, thanh quyết toán theo quy định. Nguyên nhân chính là do nhận thức của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển công nghiệp nông thôn. Đội ngũ cán bộ không được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ khuyến công.
Có thể nói, TTKC& TVPTCN Nam Định tuy mới thành lập, nhưng trong năm 2006 đã triển khai được nhiều công việc có hiệu quả. Hy vọng rằng, trong những năm tới, với sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành trong Tỉnh, sự quan tâm của Bộ Công nghiệp, mà trực tiếp là Cục Công nghiệp địa phương, hoạt động khuyến công của Nam Định sẽ thu được hiêu quả ngày càng cao.