Vấn đề kế toán công cụ tài chính phái sinh trong ghi nhận báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp

ThS. PHẠM THỊ HỒNG THẮM (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hiện nay, các doanh nghiệp hạch toán nghiệp vụ chưa thống nhất và chưa có quy trình xử lý kế toán, nếu khi mua tài sản là công cụ tài chính phái sinh, doanh nghiệp sẽ ghi nhận theo giá gốc; quá trình nắm giữ, nếu giảm giá thì có thể lập dự phòng rủi ro; khi bán, tất toán công cụ tài chính phái sinh, xác định chênh lệch và ghi nhận vào thu nhập khác hoặc chi phí khác. Do đó, chưa có quy định về các chỉ tiêu kinh tế tài chính được trình bày trên Báo cáo tài chính đối với các đối tượng nhằm cung cấp thông tin cho người sử dụng báo cáo này. Bài viết phân tích vấn đề kế toán công cụ tài chính phái sinh trong ghi nhận báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Kế toán công cụ tài chính phái sinh, doanh nghiệp, báo cáo tài chính.

1. Đặt vấn đề

Bản chất công cụ tài chính là các hợp đồng, trong đó các bên tham gia hợp đồng cùng thỏa thuận trực tiếp hoặc bên phát hành qui định về phương thức trao đổi các luồng tiền hay công cụ tài chính khác trong tương lai, cách tính toán và trao đổi luồng tiền hoặc công cụ tài chính khác thể hiện mối quan hệ tài chính giữa các bên tham gia hợp đồng và là cơ sở để quyết định bản chất của công cụ tài chính. Giá trị của công cụ tài chính phụ thuộc vào cam kết thanh toán của bên phát hành, tính thanh khoản cũng như các yếu tố thị trường.

Công cụ tài chính phái sinh (CCTCPS) là một loại công cụ tài chính, mang đặc điểm và tính chất chung của công cụ tài chính, đồng thời có đặc thù riêng biệt đó là công cụ tài chính được hình thành trên cơ sở gốc phái sinh (tài sản tham chiếu như: cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, ngoại tệ...). CCTCPS hình thành nhằm mục đích trước tiên là phòng ngừa rủi ro khi nhà đầu tư ước lượng được các rủi ro có thể phát sinh trong tương lai khi giá trị hợp lý của gốc phái sinh thay đổi, ngoài ra CCTCPS còn đáp ứng nhu cầu kinh doanh đối với các nhà đầu tư có nhu cầu kinh doanh kiếm lợi nhuận trên sự thay đổi các yếu tố thị trường.

Kế toán CCTCPS là việc thu thập, xử lý và cung cấp thông tin về CCTCPS dưới hình thái giá trị, kế toán cung cấp số liệu để đánh giá hiệu quả của CCTCPS đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. Do đó, kế toán là một trong các nhân tố góp phần thúc đẩy thị trường CCTCPS phát triển. Theo kết quả khảo sát, trong những nguyên nhân dẫn tới việc các doanh nghiệp biết đến nhưng vẫn e ngại việc sử dụng CCTCPS có tới 25% ý kiến cho rằng do việc thiếu các hướng dẫn của Nhà nước về việc sử dụng và kế toán CCTCPS. Mặc dù, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 210/2009/TT-BTC hướng dẫn áp dụng IAS/IFRS trình bày và thuyết minh công cụ tài chính, nhưng việc vận dụng Thông tư này rất khó khăn, vì trong Thông tư hướng dẫn áp dụng chuẩn mực quốc tế về trình bày và thuyết minh công cụ tài chính trong đó có CCTCPS, chưa có hướng dẫn ghi nhận và đo lường công cụ tài chính nói chung và CCTCPS nói riêng. Có thể thấy hiện nay ở Việt Nam chưa có hướng dẫn đồng bộ nào cho các doanh nghiệp trong việc đo lường, ghi nhận và trình bày CCTCPS, dẫn tới doanh nghiệp rất khó khăn trong việc xem xét sử dụng CCTCPS trong hoạt động kinh doanh cũng như việc ghi nhận, trình bày các chỉ tiêu về CCTCPS trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

2. Thực trạng sử dụng CCTCPS trong các doanh nghiệp

Kết quả khảo sát mới đây về tình hình sử dụng CCTCPS thu được 25% doanh nghiệp được khảo sát có sử dụng CCTCPS, 65% doanh nghiệp biết nhưng chưa sử dụng, còn lại chưa biết đến CCTCPS này. Loại CCTCPS được sử dụng phổ biến đó là hợp đồng kỳ hạn (50%), hợp đồng hoán đổi (30%), hợp đồng tương lai (10%), hợp đồng quyền chọn (10%) và còn lại là hợp đồng khác là các hợp đồng phái sinh chìm. Trong số các giao dịch được thực hiện, khảo sát cụ thể đối với từng hợp đồng, chủ yếu các hợp đồng phái sinh là các hợp đồng phái sinh tiền tệ, hàng hóa và lãi suất, trong đó chủ yếu là phái sinh tiền tệ. Hợp đồng phái sinh chứng khoán đến thời điểm hiện tại chưa phát sinh.

Về xác định giao dịch và mục đích sử dụng CCTCPS: Kết quả khảo sát thu được 42% doanh nghiệp sử dụng cho mục đích phòng ngừa rủi ro, 35% doanh nghiệp sử dụng cho mục đích thương mại, còn lại cho cả hai mục đích. Tuy nhiên, việc phân định mục đích sử dụng của các doanh nghiệp chưa rõ ràng, chưa đúng bản chất giao dịch.

Lý do dẫn đến thực trạng trên chủ yếu là do sự thiếu hụt về hành lang pháp lý của CCTCPS. Đây là một loại công cụ tài chính khó sử dụng, khó dự đoán nên doanh nghiệp không biết, thiếu thông tin về thị trường này, ngại trách nhiệm và sợ rủi ro.

3. Quy định hướng dẫn kế toán CCTCPS tại các doanh nghiệp

Có 3 chuẩn mực kế toán quốc tế quy định về công cụ tài chính, đó là:

- Chuẩn mực quốc tế (IAS) số 39 - Công cụ tài chính: Ghi nhận và xác định giá trị;

- IAS số 32 - Công cụ tài chính: Chuẩn mực quốc tế về lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC);

- (IFRS) số 7 - Công cụ tài chính: Thuyết minh thông tin.

Ở Việt Nam, năm 2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 210/2009/TT-BTC (Thông tư 210) ngày 06/11/2009 về việc hướng dẫn áp dụng chuẩn mực quốc tế về trình bày Báo cáo tài chính (BCTC) và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính, trong đó có công cụ tài chính phái sinh. Thông tư số 210 áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có các giao dịch liên quan đến công cụ tài chính với 03 nội dung chủ yếu như sau:

(i) Quy định các thuật ngữ liên quan đến công cụ tài chính;

(ii) Hướng dẫn các nguyên tắc trong việc trình bày các công cụ tài chính trên báo cáo tài chính (BCTC);

(iii) Hướng dẫn thuyết minh về công cụ tài chính để giúp cho người sử dụng BCTC đánh giá sự ảnh hưởng của công cụ tài chính đến tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp; Đánh giá bản chất, phạm vi của các rủi ro phát sinh từ công cụ tài chính và cách thức quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Theo đó, công cụ tài chính được phân nhóm phù hợp với bản chất của các thông tin được trình bày và theo đặc điểm của các công cụ tài chính.

Tuy nhiên, Thông tư 210 mới chỉ quy định về trình bày và thuyết minh BCTC về công cụ tài chính mà chưa quy định cụ thể 02 vấn đề quan trọng, đó là ghi nhận và xác định công cụ tài chính theo giá trị hợp lý cho phù hợp với từng loại công cụ tài chính theo IAS số 39 nên việc thực hiện còn hạn chế. Trên thực tế, việc trình bày và thuyết minh BCTC về công cụ tài chính phái sinh tùy theo cách hiểu của từng doanh nghiệp do chuẩn mực kế toán chưa có căn cứ để xem xét, đánh giá, đặc biệt là các vấn đề về xác định công cụ tài chính.

4. Tình hình kế toán CCTCPS tại các doanh nghiệp

Trong ghi nhận và trình bày CCTCPS, khảo sát các doanh nghiệp sử dụng CCTCPS cho kết quả như sau:

100% doanh nghiệp khảo sát đều cho rằng không ghi nhận giá trị hợp đồng phái sinh tại thời điểm phát sinh hợp đồng. Doanh nghiệp chỉ theo dõi khoản tiền ký quỹ và các khoản phí đã phát sinh như: phí mở tài khoản, chi phí môi giới, phí quyền chọn…

Bên cạnh đó, 80% doanh nghiệp được khảo sát cho biết không tiến hành ghi nhận trên sổ khi nhận được thông báo của sàn giao dịch về tài khoản ký quỹ, lý do vì hợp đồng chưa thực hiện. Số còn lại thực hiện ghi chép tăng giảm tài khoản ký quỹ khi nhận được báo cáo hàng ngày của sàn giao dịch. Đối với hợp đồng quyền chọn: 100% doanh nghiệp được khảo sát trả lời, không xác định giá trị hợp lí của hợp đồng quyền chọn sau ghi nhận ban đầu, do hợp đồng chưa thực hiện, nên không thực hiện ghi nhận sau khi ghi nhận ban đầu.

Đặc biệt khi dừng ghi nhận, đối với hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn, doanh nghiệp dừng ghi nhận khi hợp đồng phái sinh được thực hiện, khi đó lãi lỗ phát sinh từ hợp đồng phái sinh doanh nghiệp nhận được khi hợp đồng đến hạn sẽ được ghi nhận vào doanh thu tài chính hoặc chi phí tài chính.

Về hình thức, doanh nghiệp đảm bảo hình thức theo quy định của của TT210, tuy nhiên cụ thể các chỉ tiêu vẫn có sự khác biệt tương đối với yêu cầu của TT210.

Còn về thuyết minh BCTC thì 100% doanh nghiệp chưa thể hiện thuyết minh về sự biến động giá trị hợp lý của CCTCPS, phương pháp xác định giá trị hợp lý CCTCPS.

Trong xác định giá trị CCTCPS theo giá thị trường, chủ yếu các doanh nghiệp có sử dụng CCTCPS trả lời không xác định được giá trị của CCTCPS, lý do là không đủ căn cứ để đo lường CCTCPS. Số doanh nghiệp trả lời có xác định giá trị CCTCPS theo giá thị trường chiếm phần nhỏ. Số ít doanh nghiệp còn lại trả lời căn cứ để xác định giá trị CCTCPS đó là dùng phương pháp chiết khấu dòng tiền.

5. Đánh giá

- Về xác định giá trị, doanh nghiệp không xác định giá hợp đồng TCPS tại thời điểm phát sinh và trình bày lãi lỗ dự tính các hợp đồng này dưới dạng khoản phải thu hoặc phải trả TK 142 và 338.

- Về sổ sách kế toán, doanh nghiệp chưa mở sổ chi tiết theo dõi hợp đồng TCPS.

- Về báo cáo tài chính, doanh nghiệp chưa trình bày CCTCPS thành một chỉ tiêu riêng trong Bảng cân đối kế toán, thậm chí không trình giá trị của nó trong BCTC. Điều này khiến bản chất việc cung cấp thông tin của BCTC bị ảnh hưởng vì chưa thể hiện được tách bạch lãi lỗ của gốc phái sinh và lãi lỗ phát sinh từ các điều khoản trong hợp đồng TCPS. Bên cạnh đó, chưa ước lượng được ảnh hưởng của CCTCPS trong chính sách ngừa rủi ro của doanh nghiệp.

- Về thuyết minh BCTC, thông tin doanh nghiệp đưa ra chưa cụ thể do chưa xác định giá trị của hợp đồng TCPS.

- Về thực hành kế toán, bản chất hợp đồng phái sinh chưa được sử dụng làm căn cứ để ghi nhận trên sổ kế toán của doanh nghiệp lý do vì doanh nghiệp không xác định giá trị hợp đồng phái sinh đó. Ví dụ: khoản phí quyền chọn được doanh nghiệp ghi chép vào TK 142 và trình bày vào khoản mục chi phí trả trước hay khoản lãi lỗ tạm thời tại thời điểm báo cáo của hợp đồng tương lai được ghi nhận vào TK 338 làm mất đi bản chất tài sản tài chính của CCTCPS.

- Nguyên nhân được xác định.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. IFRS số 7, 9, 32, 39 – CCTC.

2. Bộ Tài chính (2006), Các CMKT Việt Nam, Nhà xuất bản Tài chính.

3. Bộ Tài chính (2014), Chế độ kế toán doanh nghiệp: Thông tư 200/2014/TT-BTC

4. Ngô Thế Chi, Trương Thị Thủy, Giáo trình các CMKTQT, Nhà xuất bản Tài chính, 2010.

ISSUES RELATED TO RECORD DERIVATIVE FINANCIAL INSTRUMENTS IN VIETNAMESE ENTERPRISES

Master. PHAM THI HONG THAM

Faculty of Accounting, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Enterprises are doing their accounting inconsistently and they do not have a suitable accounting process. If an enterprise purchases derivative financial instruments, the enterprise will have to record the cost for buying these derivative financial instruments. During the holding time, if prices of these derivative financial instruments decrease, the enterprise will have to make risk provisions. When the enterprise sells their derivative financial instruments, it will have to identify the differences between cost of purchasing and the price of selling the derivative financial instruments and record these differences in other income or other expenses accounts. There are no regulations on what financial and economic indicators will be presented in financial statements of enterprises. This study analyses accounting for derivative financial instruments of Vietnamese enterprises.

Keywords: Accounting,  derivative financial instruments, enterprise, financial statements .


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây