Vàng Phú Nhuận (PNJ) hé lộ loạt chiến lược “vượt gió ngược”, muốn chia cổ tức 20% bằng tiền

Vàng Phú Nhuận (mã cổ phiếu PNJ) dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2024 và năm 2025 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%/năm.
Vàng Phú Nhuận
Vàng Phú Nhuận đã linh hoạt, chủ động tiến hành loạt cải cách, đổi mới để duy trì sức tăng trưởng trong bối cảnh thị trường đối mặt nhiều khó khăn.

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Vàng Phú Nhuận, mã cổ phiếu PNJ - sàn HoSE) vừa qua đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.

Theo đó, sau khi ghi nhận mức lãi cao kỷ lục trong năm 2024, doanh nghiệp bán lẻ trang sức này “thận trọng” lập kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu ở mức 31.607 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 1.960 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và giảm 7% so với mức thực hiện của năm 2024.

Đồng thời, Vàng Phú Nhuận dự kiến trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2024 và năm 2025 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%/năm.

Ban lãnh đạo Vàng Phú Nhuận cho biết kế hoạch kinh doanh năm nay phản ánh sự điều chỉnh định hướng chiến lược phù hợp với tình hình thị trường đầy biến động, nhằm bảo vệ sự ổn định của doanh nghiệp và tạo tiền đề cho sự phục hồi, phát triển bền vững trong tương lai.

Theo ban lãnh đạo Vàng Phú Nhuận, ngành vàng trang sức đối mặt với khó khăn “kép” trong bối cảnh nguồn cung nguyên vật liệu khan hiếm do giá vàng tăng và sức mua chung của ngành hàng trang sức, ngành bán lẻ hàng xa xỉ suy yếu. Tuy nhiên, công ty đã linh hoạt, chủ động tiến hành loạt cải cách, đổi mới để duy trì sức tăng trưởng.

Cụ thể, trong năm 2024, Vàng Phú Nhuận đã chủ động phát triển các mô hình cửa hàng khác nhau (vị trí, quy mô, nhận diện thương hiệu) để khai thác tối đa điểm chạm với các nhóm khách hàng khác nhau; tối ưu hoá diện tích cửa hàng và chi phí đầu tư. Tính chung cả năm ngoái, công ty đã mở mới 41 cửa hàng, nâng tổng số lượng cửa hàng lên 429 điểm bán hàng.

Vàng Phú Nhuận
Kết quả kinh doanh năm 2024 của Vàng Phú Nhuận.

“Việc phát triển hệ thống cửa hàng sẽ giúp công ty khai thác được thị trường trang sức Việt Nam với dư địa phát triển. Theo số liệu của Hiệp hội Vàng Thế giới (WGC), năm 2024, tiêu dùng vàng trang sức bình quân đầu người của Việt Nam đạt 0,13 gr/người/năm. Chỉ số này thấp hơn các nước Trung Đông như UAE 3,15 gr, các nước châu Âu và châu Mỹ như Mỹ 0,38 gr, Ý 0,30 gr, Anh 0,25 gr, các nước châu Á như Singapore 1,17 gr, Ấn Độ 0,39 gr, Trung Quốc 0,36 gr…”, Vàng Phú Nhuận cho biết.

Xem thêm: "Vàng Phú Nhuận (PNJ): Giành thị phần phân khúc trung - cao cấp, sẽ cải thiện biên lợi nhuận" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bên cạnh đó, Vàng Phú Nhuận nghiên cứu những khu vực còn dư địa để tiếp tục tạo ra những trải nghiệm khách hàng phù hợp, thu hút khách hàng mới, và nâng cao hiệu quả chăm sóc khách hàng hiện tại.

Đồng thời, công ty tiếp tục khai thác và phát triển nền tảng dữ liệu và công nghệ vốn được chuẩn bị trong nhiều năm qua để gia tăng “độ phân giải” trong phân tích nhu cầu thị trường. Qua đó, doanh thu mảng bán lẻ (Trang sức và Vàng 24K) và mảng bán sỉ của Vàng Phú Nhuận lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng 13,4% và 34,6% trong năm 2024.

Cũng tại Đại hội tới đây, Vàng Phú Nhuận sẽ trình cổ đông xem xét kế hoạch phát hành 3,24 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá ưu đãi 20.000 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phiếu này tương đương 0,96% tổng số cổ phiếu PNJ đang lưu hành trên thị trường. Đối tượng được tham gia mua cổ phiếu là thành viên HĐQT, ban điều hành, cố vấn cao cấp, quản lý, chuyên gia và nhóm nhân sự chủ chốt của Vàng Phú Nhuận.

Duy Quang