Vì sao các dự án tỷ USD của Tập đoàn Hyosung tại Quảng Nam gặp khó?

Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) hiện đang gặp khó khăn trong quá trình đầu tư các dự án với quy mô 1,34 tỷ USD trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chưa thể thực hiện các thủ tục pháp lý

Mới đây, Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam đã có văn bản kiến nghị đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam về việc tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư các dự án của Tập đoàn Hyosung trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tháng 10/2018, Tập đoàn Hyosung đã ký MOU với UBND tỉnh Quảng về việc đầu tư các dự án quy mô 1,34 tỷ USD trên khu đất 100 ha tại Quảng Nam.

Hyosung đã được cấp giấy phép kinh doanh vào tháng 9/2018, bắt đầu xây dựng nhà máy từ tháng 1/2019 và hiện nay đã đi vào vận hành sản xuất ổn định. Tập đoàn đã đầu tư tổng cộng 245 triệu USD để đầu tư sản xuất vải mành và túi khí trên diện tích 18 ha, với khoảng 1.000 công nhân đang làm việc. Để thực hiện cam kết về việc đầu tư tại Quảng Nam, tập đoàn đã và đang không ngừng gia tăng đầu tư tại Quảng Nam trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới.

Hyosung gặp khó tại tổ hợp dự án 1,34 tỷ USD ở Quảng Nam
 Tiến độ đầu tư của Tập đoàn Hyosung tại Quảng Nam bị ảnh hưởng do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, tháng 4/2022, đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư (điều chỉnh dự án đầu tư lần thứ 4) cho dự án Nhà máy sản xuất vải mành. Theo đó, tăng diện tích nhà máy hiện tại thêm 21 ha và nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 410 triệu USD, nâng tổng diện tích nhà máy lên 34,67 ha.

Kế hoạch thực hiện dự án cụ thể: tháng 8/2022 khởi công xây dựng; tháng 2/2023 lắp máy và hoạt động thử nghiệm giai đoạn 3 và quý IV/2024 vận hành chính thức giai đoạn 3.

Hiện tại, thời gian triển khai thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đã được đăng ký đã cận kề. Tuy nhiên hiện tại báo cáo bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư, đề nghị giao đất và việc xây dựng, ban hành giá thuê đất cụ thể của Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng mở rộng chưa có. "Bên cạnh đó, công tác bồi thường cũng còn nhiều vướng mắc do liên quan đến xử lý đất công ích (5%) và chính sách bồi thường đối với đất và tài sản trên đất do người dân canh tác nhưng không đủ điều kiện bồi thường. Điều này khiến việc ký hợp đồng thuê đất và làm các thủ tục pháp lý khác của Hyosung không thể thực hiện được, gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư của Hyosung tại Quảng Nam", văn bản nêu rõ.

Tập đoàn Hyosung cho biết thêm, bên cạnh việc triển khai thực hiện tăng quy mô đầu tư dự án Nhà máy sản xuất vải mành, doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch đầu tư dự án Nhà máy sản xuất nội thất với diện tích 8-10 ha, với tổng vốn đầu tư là 110 triệu USD. Kế hoạch triển khai thực hiện dự án: hoàn thành các thủ tục về đầu tư, xây dựng, môi trường… vào quý I/2025; khởi công xây dựng nhà máy vào quý II/2025.

Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án và tăng cường đầu tư tại Quảng Nam, Hyosung kiến nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng các đơn vị liên quan quan tâm chỉ đạo, phối hợp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên.

Khẩn trương tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư các dự án của Tập đoàn Hyosung tại Quảng Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình đã có công văn đề nghị Ban Quản lý các Khu kinh tế và KCN tỉnh, Sở TN&MT, Cục Thuế tỉnh, Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (CIZIDCO - chủ đầu tư hạ tầng KCN Tam Thăng mở rộng) khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 208/TB-UBND ngày 2/7/2024.

Đồng thời, rà soát các nội dung kiến nghị của Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam để kịp thời phối hợp tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc tại các dự án đầu tư của Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam theo thẩm quyền hoặc báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết theo đúng quy định.

Trước đó, đầu tháng 7/2024, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam có Thông báo số 208/TB-UBND về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu liên quan đến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án đầu tư của Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam.

Trong đó, đối với việc đầu tư dự án mới Nhà máy sản xuất nội thất, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, quy hoạch KCN Tam Thăng mở rộng và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa có nhóm ngành nghề mà Công ty Hyosung đang lập dự án mới là Nhà máy sản xuất nội thất cho ngành ôtô.

Do đó, tỉnh Quảng Nam đề nghị CIZIDCO cần rà soát, bổ sung quy hoạch ngành nghề thu hút đầu tư vào KCN Tam Thăng mở rộng phù hợp với tình hình phát triển trong thời gian tới và cập nhật các ngành nghề Công ty Hyosung dự kiến đầu tư tại KCN Tam Thăng mở rộng để trình cấp thẩm quyền chấp thuận và thực hiện các thủ tục liên quan về môi trường theo quy định.

Về vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng, tỉnh Quảng Nam giao CIZIDCO chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thăng Bình khẩn trương tập trung giải quyết giải phóng mặt bằng giai đoạn 3 và giai đoạn 4 dự án đầu tư Nhà máy sản xuất vải mành, đảm bảo điều kiện để Công ty Hyosung sớm triển khai đưa dự án đi vào vận hành chính thức.

Về xác định giá đất cụ thể, tỉnh Quảng Nam giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với Ban Quản lý các Khu kinh tế và KCN tỉnh khẩn trương tham mưu, đề xuất trình cấp thẩm quyền xác định, phê duyệt giá đất cụ thể của KCN Tam Thăng mở rộng để làm cơ sở thực hiện việc giao đất, cho thuê đất...