Tại Việt Nam, công nghệ sản xuất vải dệt kim đan ngang có độ cách nhiệt cao đã được Viện Dệt May nghiên cứu từ năm 2014 với đề tài khoa học: “Nghiên cứu và xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vải có độ cách nhiệt cao từ sợi Viloft/Acrylic”.
Kết quả bước đầu, Viện Dệt May đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất vải dệt kim đan ngang từ sợi Viloft pha Acrylic ở quy mô phòng thí nghiệm và thực nghiệm lô nhỏ tại doanh nghiệp với phản hồi tích cực.
Từ các kết quả đó, nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ Bộ Công Thương, Công ty CP Viện Nghiên cứu Dệt may đã được giao chủ trì dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình, công nghệ sản xuất thử nghiệm vải có độ cách nhiệt cao”. Dự án bắt đầu triển khai năm 2018 và đã hoàn thành cuối năm 2020.
Mục tiêu của dự án nhằm hình thành một chuỗi liên kết giữa đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp trong nghiên cứu phát triển sản phẩm, sản xuất và tiêu thụ vải sản phẩm dệt kim nói chung và sản phẩm dệt kim có độ cách nhiệt cao nói riêng.
Để có được vải dệt kim cách nhiệt cao đáp ứng yêu cầu tiêu thụ, giải pháp đầu tiên là lựa chọn và sử dụng các loại sợi nguyên liệu có khả năng cách nhiệt cao. Nguyên liệu để sản xuất vải dệt kim có độ cách nhiệt cao của dự án là các loại sợi Viloft 100%, sợi Viloft pha Polyeste, sợi Viloft pha bông có các chỉ tiêu chất lượng đáp ứng yêu cầu cho sản xuất vải dệt kim đan ngang đồng thời đạt chỉ số giữ nhiệt lớn hơn 20 (10-3m2K/W), đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về chỉ số giữ nhiệt của dự án.
T.S. Nguyễn Văn Thông – chủ nhiệm dự án cho biết, Viloft là một loại sợi xenlulo tái sinh đặc biệt với mặt cắt ngang phẳng và bề mặt có rãnh giúp duy trì các khoảng trống không khí trong sợi giúp cải thiện tính chất nhiệt của vải. Loại sợi này chủ yếu được sử dụng cho đồ lót, tất và vải quần áo thể thao. Bên cạnh đó, hỗn hợp Viloft với polyester hoặc cotton thường được ưa chuộng trên thị trường.
Sau quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất sợi từ xơ Viloft và công nghệ dệt vải dệt kim đan ngang có độ cách nhiệt cao. Đồng thời đã cho ra được 1 quy trình công nghệ tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất vải dệt kim đan ngang từ sợi Viloft pha acrylic, 1 quy trình công nghệ tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất vải dệt kim đan ngang từ sợi mộc và sợi đã nhuộm màu Viloft pha Polyester.
Áp dụng công nghệ nêu trên, công ty CP - Viện Nghiên cứu Dệt May đã sản xuất và tiêu thụ trên 43 tấn sợi và 22 tấn vải dệt kim có độ cách nhiệt cao. Sản phẩm đáp đều có các chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu của dự án đáp ứng các yêu cầu của khách hàng trong nước. Vải sản xuất ra được khách hàng chấp nhận, đưa vào sản xuất các mặt hàng may mặc, tiêu thụ tốt.
Toàn bộ 22 tấn vải dệt kim có độ cách nhiệt cao đã được Công ty TNHH Hoàng Dương (Canifa) ký Hợp đồng với tổng giá trị trên 6 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai dự án, Viện đã đào tạo được 85 cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành thiết bị (sợi, dệt, nhuộm). Đây là nguồn nhân lực quan trọng để phát triển công nghệ và sản phẩm trong tương lai.
Dự án được đánh giá đã ứng dụng thành công nguyên liệu mới và các công nghệ dệt nhuộm hoàn tất các loại vải dệt kim cách nhiệt cao từ các nguyên liệu khác nhau, ứng dụng các công nghệ có tính cạnh tranh vào sản xuất may mặc cho Việt Nam.
Dự án được triển khai sẽ làm tăng giá trị của vải dệt kim, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, giảm nhập khẩu vải, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tính cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường và tạo việc làm cho người lao động.
Sau khi kết thúc, kết quả của dự án sẽ được triển khai áp dụng tại các doanh nghiệp dệt may có quy mô nhỏ và vừa, giúp cho các doanh nghiệp dệt may trong nước có thể làm chủ được quy trình công nghệ đa dạng hóa mặt hàng sản xuất, giảm lượng vải phải nhập khẩu, đồng thời tăng khả năng khai thác các thiết bị hiện có của các doanh nghiệp.