Xuất khẩu dệt may tăng nhẹ trong quý 1/2021

Trong quý 1/2021, xuất khẩu dệt may đã có những bước hồi phục, đạt 7,18 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ, đây là mức tăng không cao nhưng được kỳ vọng mở ra những tín hiệu tích cực cho giai đoạn tiếp theo.

Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may trong quý 1/2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Dù dịch bệnh vẫn còn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã tìm được hướng đi phù hợp, thị trường dệt may, da giày thế giới đã dần sôi động trở lại. Tuy số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019, nhưng tín hiệu thị trường đã dần hồi phục.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc quý I ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%.

Sự hồi phục về xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2021 đã được nhiều chuyên gia và các tổ chức dự báo. Sự hồi phục này có được, đầu tiên là nhờ nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chính sách và động thái hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và thông thương hàng hoá. 

Cùng với đó là những tác động từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, Việt Nam cũng đã đàm phán với các nước trong EU về điều khoản cho phép các doanh nghiệp Việt Nam bổ sung xuất xứ của nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Hàn Quốc (các nước đã ký hiệp định thương mại tự do với EU) vào sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước EU. 

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 2 và cuối năm. 

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, trong 6 tháng đầu năm 2021 thị trường sẽ tiêu thụ chính yếu các mặt hàng cơ bản, giá cả tương đối rẻ. Thực tế hiện nay, trong 6 tháng đầu năm 2021, các nhà máy may của Việt Nam chủ yếu sản xuất các mặt hàng dệt kim, hàng quần áo cơ bản.

Riêng với Vinatex có điểm mạnh là tập đoàn gồm những doanh nghiệp lớn, có uy tín với thị trường lâu năm, do đó khi thị trường phục hồi thì các doanh nghiệp trong Vinatex có thuận lợi trong việc tiếp cận trở lại các đơn hàng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường, một số khách hàng truyền thống của Vinatex gặp khó khăn, không vượt qua được trong năm 2020, nhất là thị trường Mỹ có hơn 10 thương hiệu lớn phải đóng cửa.

“Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2021, chúng tôi đã bắt kịp nhu cầu thị trường, nhất là ngành sợi, đã tăng trưởng tới 41%. Trong thời gian còn lại của năm 2021, chúng tôi cố gắng phấn đấu cải thiện hiệu quả, nhưng có thể còn chưa quay trở lại được với mức kim ngạch xuất khẩu như năm 2019. Vinatex phấn đấu tăng 30% - 35% so với năm 2020”, ông Lê Tiến Trường cho biết.

Sự hồi phục xuất khẩu bước đầu của dệt may Việt Nam đã mở ra những tín hiệu tích cực cho quý 2/2021. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó có mặt hàng dệt may vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Diễn biến gia tăng của dịch COVID-19 có thể khiến vận chuyển hàng hóa tiếp tục gặp trở ngại. 

Để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại dịch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

 

Theo TTXVN