Ngày 11/3/2024, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã có buổi tiếp ông Hakan Jevrell - Quốc Vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và Phát triển hợp tác quốc tế Thụy Điển đang có chuyến công tác tại Việt Nam, cùng tham dự buổi tiếp có đại diện các Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực.
Năm 2024 đánh dấu mốc lớn kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển. Việt Nam luôn trân trọng và dành nhiều tình cảm cho đất nước và con người Thụy Điển, quốc gia Bắc Âu xa xôi nhưng là một trong những nước thiết lập quan hệ ngoại giao và có viện trợ đầu tiên với Việt Nam sau thống nhất đất nước.
Qua thời gian, mối quan hệ gắn bó khăng khít không ngừng được củng cố, phát huy theo chiều sâu, hợp tác song phương Việt Nam - Thụy Điển ngày càng được đa dạng hóa trên nhiều lĩnh vực và Việt Nam ngày càng trở nên là điểm đến kinh doanh đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Thụy Điển.
Minh chứng thuyết phục nhất là Ngân hàng lớn nhất Bắc Âu SEB đã lựa chọn Hà Nội, Việt Nam là nơi tổ chức hội nghị CEO Bắc Âu thường niên vào ngày 10-12/3/2024, quy tụ hơn 100 CEO từ các công ty lớn nhất thuộc khu vực Bắc Âu.
Thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh ý kiến này của SEB, đồng thời khẳng định sự kiện này thể hiện thiện chí của các nhà đầu tư Bắc Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng muốn hiểu rõ thị trường Việt Nam để tiếp tục tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, đặc biệt là sự phát triển công nghiệp, chuyển đổi số, phát triển bền vững.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 1,288 tỷ USD (giảm 20,4% so với năm 2022), trong đó xuất khẩu đạt 946,1 triệu USD (giảm 25,2%) và nhập khẩu đạt 341,9 triệu USD (giảm 3,3%). Mặc dù nổi tiếng về phát triển các ngành công nghệ cao như điện tử, điện gia dụng, tin học nhưng Thụy Điển vẫn phải nhập khẩu gần như toàn bộ các mặt hàng tiêu dùng phục vụ cuộc sống hằng ngày, trong đó đặc biệt là may mặc, giày dép, cà phê… mà đây là các mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam.
Về đầu tư, Thụy Điển xếp hạng thứ 29 trong số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 109 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư hơn 733 triệu USD. Hiện đang có hơn 70 công ty Thụy Điển có văn phòng tại Việt Nam và hiện đang tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như: Công nghệ thông tin và viễn thông, Điện lực, Máy móc cơ khí, công nghiệp ô tô và khai khoáng, Hàng điện tử gia dụng, Công nghiệp bao bì, Kinh doanh bán lẻ….
Trở lại Việt Nam công tác sau tám năm, ông Hakan Jevrell - Quốc Vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương và Phát triển hợp tác quốc tế Thụy Điển bày tỏ sự vui mừng được chứng kiến nền kinh tế Việt Nam đang phát triển một cách mạnh mẽ, cùng với đó là nhu cầu về sử dụng năng lượng sẽ tăng nhanh.
Ông nhấn mạnh trong thời gian gần đây, với tư cách là một quốc gia đứng đầu Bắc Âu nói chung và trên thế giới nói riêng về phát triển nguồn năng lượng sạch, Thụy Điển luôn thể hiện mong muốn tăng cường phát triển hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững.
Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu đi đầu trong đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, Thụy Điển có các kinh nghiệm thực tiễn, các doanh nghiệp Thụy Điển sở hữu các giải pháp công nghệ để tiên phong thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thay thế, các giải pháp lưu trữ năng lượng.
Đồng thời, Quốc Vụ khanh cũng chia sẻ mong muốn của Tổ chức tài trợ phát triển của Thụy Điển “Swedfund” sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và cụ thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc thiết lập các cơ chế để nhận được những khoản tài trợ đối với việc nghiên cứu phát triển lưới điện thông minh.
Quốc Vụ khanh Thụy Điển nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những điều kiện địa chính trị không nhiều thuận lợi như hiện nay, Thụy Điển luôn coi trọng và đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của mình. Nhận thấy nhu cầu giao thương trực tiếp ngày càng gia tăng, Thứ trưởng và Quốc Vụ khanh cùng bày tỏ mong muốn sẽ sớm có đường bay trực tiếp Hà Nội - Stockholm không xa trong tương lai, sẽ nối gần khoảng cách giữa hai nước.
Với mong muốn cụ thể hóa các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, năng lượng, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã thông tin tới Quốc Vụ khanh và gửi lời mời tới đông đảo doanh nghiệp Thụy Điển tham dự chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” lần thứ hai do Bộ Công Thương dự kiến tổ chức ngày 6-8/6/2024, cũng như Hội chợ Quốc tế Thực phẩm (FoodExpo) ngày 13-16/11/2024 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), Thành phố Hồ Chí Minh. Đây đều là những cơ hội rất tốt để doanh nghiệp hai nước có cơ hội giao thương, hàng hóa Việt Nam cũng sẽ có thêm cơ hội thích nghi, đáp ứng được các quy định về xuất xứ từ giai đoạn sản xuất nguyên liệu cho tới các quy trình đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, các sản phẩm bền vững, phụ hợp với nhu cầu của các thị trường có yêu cầu cao.
Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu có nền kinh tế phát triển, tình hình chính trị ổn định, người dân có mức sống cao. Thụy Điển có các tập đoàn bán lẻ hoạt động trên khắp thế giới trong nhiều lĩnh vực, là thuận lợi không hề nhỏ trong việc phân phối hàng hóa đi các nước nếu hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập thị trường nội địa.