Ngày 28/02, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với ông Olivier Becht - Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương, Sức thu hút của nước Pháp và người Pháp ở nước ngoài để trao đổi về tình hình hợp tác song phương giữa Việt Nam và Pháp, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, trong bối cảnh hai nước tiến hành kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong 50 năm qua quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống hai nước đang ngày càng được củng cố và phát triển, đặc biệt quan hệ chính trị tốt đẹp được thể hiện bằng việc hai bên đã trao đổi các đoàn cấp cao trong thời gian vừa qua và nhờ đó đã tạo đà phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Pháp trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian qua tăng trưởng hết sức khả quan, tuy nhiên hợp tác thương mại giữa hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sẽ là những yếu tố quan trọng giúp hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trong kinh tế, thương mại và đầu tư, do đó hai Bên có thể trao đổi cụ thể hơn các hướng hợp tác như sau:
Thứ nhất, EVFTA đang có kết quả tích cực đối với hoạt động trao đổi thương mại song phương. Xuất khẩu của EU sang Việt Nam đang tăng nhanh hơn tốc độ nhập khẩu, giúp cho trao đổi thương mại cân bằng hơn. Để nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định EVFTA, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác và nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Pháp trong quá trình triển khai thực thi EVFTA. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị cấp kỹ thuật hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực thi, nghiêm túc trong việc thực hiện đầy đủ những cam kết đã có trong Hiệp định EVFTA và dành nỗ lực cao nhất để việc thực thi Hiệp định này đạt kết quả cao và hiệu quả nhất.
Thứ hai, Việt Nam và Pháp là 2 nền kinh tế có tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam có thể mạnh về nông nghiệp, thuỷ hải sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử và hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó Việt Nam là quốc gia có thị trường nội địa lớn, với gần 100 triệu dân, thu nhập và sức mua hàng hoá đang tăng nhanh. Ở chiều ngược lại, Pháp là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, có nhiều sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng thế giới về cơ khí, hàng không, máy móc, xe ô tô, đường sắt, hóa chất, dược phẩm và nhiều sản phẩm tiêu dùng có chất lượng mà Việt Nam có nhu cầu lớn. Do đó hai bên cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Thứ ba, hai bên cần nghiên cứu thúc đẩy đầu tư sang nhau. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến chế tạo, vật liệu mới, luyện kim, hóa chất...
Cuối cùng, với xu thế phát triển xanh và chuyển đổi năng lượng, các doanh nghiệp Pháp có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam tại các lĩnh vực như: (i) Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh thân thiện với môi trường;(ii) Chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện tại Việt Nam; (iii) Các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; (iv) Phát triển mới hệ thống lưới điện truyền tải, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới tải hiện có, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh.
Về phía Pháp, ông Olivier Becht, Bộ trưởng đặc trách Ngoại thương, Sức thu hút của nước Pháp và người Pháp ở nước ngoài nhất trí với những chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Bên cạnh đó, ông Olivier Becht đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng trong thời gian qua. Ngoài ra, Bộ trưởng Olivier Becht cũng chia sẻ những khó khăn và thách thức tác động về xã hội của quá trình chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Olivier Becht cho biết Pháp sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các nguồn lực để giúp Việt Nam vượt qua các thách thức trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Hai bên tin tưởng Việt Nam và Pháp sẽ tiếp tục là các đối tác tin cậy, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược đã và đang phát triển vô cùng tốt đẹp giữa hai nước và trong các khuôn khổ hợp tác đa phương khác.