Trong những năm qua, Vĩnh Yên đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, vững chắc; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh dịch vụ - thương mại; giảm tỷ trọng nông nghiệp và phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 21,89%. Năm 2013, GDP bình quân đầu người đạt gần 4.100 USD, thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.900 tỷ đồng.
Môi trường kinh doanh lành mạnh
Trong hoạt động thương mại, nhiều sản phẩm, nhiều mặt hàng mới với nhiều chủng loại mẫu mã phong phú, hấp dẫn, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng ra đời và đạt tiêu chuẩn chất lượng. Thị trường buôn bán sầm uất. Một số làng nghề truyền thống đã được khôi phục. Trên địa bàn Thành phố, mạng lưới các siêu thị, trung tâm thương mại quy mô lớn, hiện đại phát triển nhanh; các chợ, siêu thị mini tại các xã, phường cũng được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng tốt nhu cầu cung ứng hàng hóa cho thị trường, góp phần thúc đẩy và nâng cao văn minh thương mại.
Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và gây dựng hình ảnh cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Thành phố cũng được đẩy mạnh, làm động lực thúc đẩy đầu tư phát triển sản phẩm mới, dịch vụ mới. Hàng năm, Thành phố tổ chức các hội chợ trên địa bàn, như: Hội chợ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Hội chợ giống, vật tư nông nghiệp và thương mại và tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn... Qua đó, các doanh nghiệp có thêm điều kiện khảo sát thị trường, liên doanh liên kết, cập nhật thông tin, nắm bắt cơ hội đầu tư và xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Thành phố còn phối hợp với các cơ quan liên quan đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông đầu tư tài sản cố định, nâng cao chất lượng dịch vụ. Trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lễ hội, Thành phố khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ có thế mạnh, nhằm tạo ra quần thể dịch vụ khép kín, đồng bộ, có đầy đủ các loại hình dịch vụ có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, đáp ứng mọi nhu cầu của nhà đầu tư, du khách và nhân dân.
Các cơ quan chức năng chủ động phối hợp kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh dịch vụ và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định. Lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra hàng hóa, chất lượng dịch vụ, yêu cầu các chủ cửa hàng tuân thủ chặt chẽ các quy định về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, thực hiện văn minh thương mại, văn hóa trong giao tiếp, dần hình thành nét văn hóa, văn minh trong kinh doanh trên địa bàn Thành phố.
Xây dựng văn minh thương mại
Thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án tăng cường hoạt động thương mại dịch vụ đã nâng cao được nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ về tầm quan trọng của việc phát triển lĩnh vực dịch vụ - một lĩnh vực mà Thành phố còn nhiều tiềm năng để phát triển và cũng là xu thế tất yếu đối với một đô thị văn minh, hiện đại trong tương lai.
Ý thức và hành động của người dân và của các cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ về văn minh thương mại, văn minh đô thị đã từng bước được nâng cao. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh coi đây là một nét đẹp trong kinh doanh, đã biết áp dụng văn minh thương mại vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng doanh thu. Tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh giảm dần theo từng năm (năm 2011 là 17,8%; năm 2012 là 13,6%; năm 2013 là 13,4%, 9 tháng năm 2014 là 13,3%).
“Trong
4 năm (2011 - 2014), tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ của Thành phố ước đạt
12.496,6 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tốc độ tăng trưởng bình quân 24,1%. Tỷ
trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của Thành phố hiện chiếm khoảng
55,7%”.
Trên đường đổi mới
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, chính quyền và nhân dân Vĩnh Yên đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ.
Về công tác phát triển chợ, siêu thị và trung tâm thương mại: Tiếp tục phối hợp và đôn đốc các chủ đầu tư tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng để sớm khởi công xây dựng các chợ theo chủ trương xã hội hóa, trong đó có Chợ và Trung tâm Thương mại Đồng Tâm, Chợ và Trung tâm Thương mại Tích Sơn; đẩy mạnh công tác hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng chợ, phấn đấu khởi công chợ Vĩnh Yên, chợ Định Trung, chợ Thanh Trù vào năm 2015; đề nghị tỉnh tạo cơ chế đầu tư xây dựng chợ hạng 3 thuộc các phường quản lý; đồng thời hướng dẫn chỉ đạo, đôn đốc phường Khai Quang, Hội Hợp chủ động lập dự án khả thi đền bù giải phóng mặt bằng, huy động vốn đầu tư để tiến hành xây dựng chợ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên doanh, liên kết xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị trên khắp các xã, phường của Thành phố theo hướng tiện dụng, văn minh, hiện đại.
Về công tác phát triển thương mại, dịch vụ: Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; đồng thời làm cầu nối liên doanh, liên kết giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh với nhau, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo đà cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển. Tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh xúc tiến thương mại; phát triển các công trình vui chơi giải trí nhằm đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch trên địa bàn Thành phố, phát triển du lịch gắn với các hoạt động lễ hội; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch đến với Vĩnh Yên và từ Vĩnh Yên đi, đến nơi khác.
Trên con đường đổi mới, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Thành phố quyết tâm xây dựng Thành phố Vĩnh Yên hiện đại, là nơi hội tụ - phồn vinh bằng những bước đi hợp lý và chắc chắn.