Mở đầu buổi sinh hoạt, đồng chí Lê Hoàng Oanh, Bí thư chi bộ, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi đã nêu bật ý nghĩa của phòng Truyền thống Ngành Công Thương cũng như ý nghĩa của buổi sinh hoạt chi bộ.
Thứ nhất, với lịch sử hơn 77 năm hình thành và phát triển với những đóng góp vô cùng to lớn cho sự phát triển của đất nước, đây là lần đầu tiên Ngành Công Thương có Phòng Truyền thống để lưu giữ, tôn vinh những dấu ấn thành tựu và giá trị truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành đã dày công xây dựng, vun đắp và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Thứ hai, từ nay, Phòng Truyền thống Ngành Công Thương sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy và có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẻ vang của Ngành, góp phần truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ngành Công Thương nói chung và đảng viên, công chức Vụ AP nói riêng.
Tiếp đó, đồng chí Bí thư Chi bộ Vụ AP tiếp tục giới thiệu, thuyết minh cho toàn thể Vụ AP về các không gian trưng bày tại phòng Truyền thống Ngành Công Thương bao gồm không gian giới thiệu về lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức và lãnh đạo Ngành Công Thương qua các thời kỳ; Không gian giới thiệu về các giai đoạn lịch sử của Ngành Công Thương bao gồm (i) Tôi luyện trong gian khó (1945-1954), (ii) Khôi phục và xây dựng lại (1955-1965), (iii) Vừa sản xuất vừa đánh giặc Mỹ (1965-1975), (iv) Phục hồi sản xuất, thương mại 10 năm sau khi thống nhất đất nước (1975-1986), (v) Cất cánh cùng Đổi mới (1986-nay).
Điểm đặc biệt là lịch sử phát triển của Ngành Công Thương gắn liền với lịch sử phát triển của cách mạng Việt Nam. Ở mỗi giai đoạn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh lịch sử và yêu cầu của cách mạng, cơ cấu tổ chức, chiến lược, chính sách và đóng góp của Ngành Công Thương luôn được điều chỉnh phù hợp, góp phần vào thành công của cách mạng.
Sau phần thuyết minh, giới thiệu về các không gian trưng bày của Phòng Truyền thống, toàn bộ đảng viên, công chức Vụ AP đã dành thời gian chia sẻ, thảo luận.
Đảng viên Đỗ Chung Hiếu chia sẻ: “Hôm nay được tham gia buổi học tập này, bản thân em vô cùng tự hào khi được biết quê hương Việt Trì, Phú Thọ của mình cũng đã góp phần tích cực vào sự nghiệp của Ngành Công Thương ngay từ những ngày đầu tiên. Trong giai đoạn 1958-1960, tỉnh Phú Thọ cùng cả miền Bắc bước vào thời kỳ thực hiện kế hoạch 3 năm “cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội. Trung ương đã quyết định xây dựng khu công nghiệp tập trung đầu tiên ở Việt Trì, Phú Thọ với các nhà máy như: Điện, Đường, Giấy, Hóa chất, Miến - Mỳ chính... Từ đây đặt nền móng cho Ngành công nghiệp tỉnh nhà phát triển.
Từ một Khu công nghiệp đầu tiên đến nay, tỉnh Phú Thọ đã có 7 Khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt và 4 KCN đã đi vào hoạt động, bao gồm KCN Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà, Cẩm Khê, hàng năm đạt doanh thu khoảng trên 40.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.500 tỷ, giải quyết việc làm cho 42.000 lao động với mức thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng”. “Ngày hôm nay, khi được thăm quan, nghe, hiểu và biết thêm về truyền thống 77 năm đáng quý của Ngành Công Thương, thế hệ công chức, đảng viên trẻ chúng em đã được truyền cảm hứng, tiếp thêm động lực để tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”.
Đồng chí Nguyễn Bình An, công chức Vụ AP chia sẻ đây không phải lần đầu tiên được học tập truyền thống Ngành Công Thương mà đồng chí An đã được học tập truyền thống của Ngành ngay từ những ngày đầu tiên công tác ở Vụ AP, được tham gia buổi gặp mặt, giao lưu cuối năm với các đồng chí hưu trí Vụ AP các thời kỳ cũng được tổ chức tại Hội trường Nhà Vòm. Hôm nay được tìm hiểu thêm về lịch sử Ngành Công Thương, bản thân cảm nhận rõ hơn những đóng góp vô cùng to lớn và ý nghĩa của Ngành đối với đất nước, xã hội. Trong “Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh” thì Ngành Công Thương đã chiếm 2 thành phần quan trọng. “Bản thân cảm thấy rất tự hào với truyền thống Ngành Công Thương, tự hào vì được công tác, cống hiến trong Ngành Công Thương”.
Đồng chí Nguyễn Công Hiển, chuyên viên Vụ AP bày tỏ vô cùng tự hào với lịch sử vẻ vang của Ngành Công Thương, khẳng định sẽ thông tin, lan tỏa những giá trị, đóng góp tốt đẹp của Ngành cho bạn bè, người thân và xã hội biết.
Đảng viên Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Vụ và Đảng viên Vũ Việt Nga, Phó Trưởng phòng Đông Bắc Á, Nam Thái Bình Dương, Vụ AP bồi hồi, xúc động chia sẻ lại những kỷ niệm công tác tại Bộ trong gần 20 năm. Các đồng chí cho biết, trước đây, mỗi khi Bộ tổ chức thi tuyển công chức hay diễn ra các kỳ họp Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban liên Chính phủ cũng đều thực hiện tại địa điểm Nhà Vòm này và các đồng chí vinh dự được có mặt. Đồng chí Nga và đồng chí Nam bày tỏ niềm tự hào vì bản thân cũng được đóng góp một phần vào công việc của Bộ Công Thương trong giai đoạn “Cất cánh cùng Đổi mới”. Qua đây, đồng chí Nguyễn Phúc Nam cũng nhận xét, với không gian hạn chế của Phòng Truyền thống, nhiều hình ảnh về Ngành chưa được chuyển tải đầy đủ, như mảng phát triển thị trường qua các giai đoạn lịch sử. Đồng chí cho rằng việc xây dựng Phòng Truyền thống đang ở bước đầu, mong rằng các tài liệu, hiện vật có giá trị qua các thời kỳ lịch sử của Ngành sẽ tiếp tục được bổ sung. Đồng chí Bí thư nhất trí với ý kiến đóng góp của đồng chí Nam và cho biết thêm, Bộ đang có kế hoạch tiếp tục hoàn thiện tư liệu, hiện vật truyền thống của Ngành trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Duy Kiên, Bí thư Đoàn Thanh niên Vụ AP bày tỏ cảm ơn Chi ủy, Chi bộ đã tổ chức buổi sinh hoạt chi bộ mở rộng cho các đoàn viên thanh niên được tham dự; Đoàn viên thanh niên rất háo hức vì được tham quan, học tập ngay sau khi Phòng Truyền thống vừa được khánh thành ngày 17/6/2022. Qua học tập truyền thống mới biết thêm được nhiều điều mới mẻ, bổ ích như sự kiện lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 10.000 tấn gạo năm 1989 trong khi hai năm trước đó (1987) còn phải đi vay gạo của Indonesia. Đoàn Thanh niên Vụ AP sẽ tiếp tục tổ chức các buổi học tập chuyên đề về truyền thống, lịch sử Ngành Công Thương trong thời gian tới.
Đồng chí Tạ Thị Bình An, chuyên viên Vụ AP cho biết toàn bộ cảm xúc, suy nghĩ của bản thân sau khi được tham quan, học tập truyền thống Ngành Công Thương là hai chữ: “lý tưởng” và “biết ơn”. Trong quá trình công tác, do nhiều khó khăn và hoàn cảnh khách quan, có thể một số công chức không giữ được nhiệt tình lý tưởng như lúc ban đầu tham gia vào cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, những buổi học tập truyền thống như hôm nay rất có giá trị giúp công chức vững vàng lý tưởng cống hiến hơn. Bên cạnh đó, bản thân cảm thấy biết ơn, biết ơn vì được tham gia buổi học tập, biết ơn vì được sống, học tập, làm việc trong điều kiện hòa bình và tại Bộ Công Thương, tại đơn vị này.
Cuối buổi sinh hoạt, đồng chí Bí thư chi bộ Vụ AP cảm ơn các ý kiến đóng góp, chia sẻ của các đồng chí đảng viên, công chức. Đồng chí Bí thư khẳng định, Chi ủy Vụ AP chọn việc học tập truyền thống Ngành Công Thương vào đúng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam nhằm gửi đến thông điệp: “Mỗi công chức Vụ AP hãy truyền thông cho chính mình về tư tưởng, hoài bão và giá trị tốt đẹp mình theo đuổi. Mỗi đảng viên, đoàn viên thanh niên hãy là tuyên truyền viên tích cực về giá trị truyền thống của Ngành Công Thương, tìm thấy giá trị nơi mình đang làm việc, để không ngừng tự hào và phấn đấu”.
Trong không khí xúc động, trân quý những giá trị truyền thống, các đoàn viên Vụ AP hát vang bài ca: “Tổ quốc gọi tên mình” và “Đất nước tình yêu” để chia sẻ lý tưởng hào hùng và cũng là để khép lại buổi sinh hoạt chính trị đầy ý nghĩa./.