Vườn Quốc gia Chư Mom Ray: Đánh thức tiềm năng du lịch

Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray cách thành phố Kon Tum về hướng Bắc 30 km, được đánh giá là VQG có tính đa dạng sinh học cao trong hệ thống các VQG trong cả nước.

Nằm ở độ cao từ 200m đến 1.773m so với mực nước biển, địa hình phức tạp, chia cắt bởi nhiều sông, suối lớn nhỏ, đã tạo cho Chư Mom Ray một khu hệ động, thực vật rất phong phú và đa dạng

Xung quanh vùng đệm VQG có các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Ba Na, Ja Rai, Kờ Dong, Rơ Mâm, BRâu, các dân tộc này hiện đang sở hữu những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng và  rất độc đáo.

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có tính đa dạng sinh học cao.

VQG Chư Mom Ray được Thủ tướng Chính phủ thành lập trên cơ sở chuyển hạng từ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Chư Mom Ray với tổng diện tích 56.257,16ha nằm trên địa bàn 2 huyện Sa ThầyNgọc Hồi của tỉnh Kon Tum. Đây là VQG duy nhất của Việt Nam nằm tiếp giáp với hai nước láng giềng là LàoCampuchia. Ngay cạnh VQG Chư Mom Ray là VQG Virachey của Campuchia và Khu bảo tồn (KBT) Đông Nam Ghong của Lào. Diện tích rừng của toàn bộ khu vực này vào khoảng 700.000ha, tạo thành một KBT rộng lớn xuyên quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt đối với bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu vực Đông Dương và Đông Nam Á.

Năm 2004, với giá trị về đa dạng sinh học, nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm, VQG Chư Mom Ray được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là vườn di sản ASEAN. Những nguồn tài nguyên phong phú tại VQG Chư Mom Ray không chỉ quan trọng với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn được đánh giá là nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng.

Tài nguyên du lịch tự nhiên tại VQG Chư Mom Ray nổi bật với hệ thống thác nước hùng vĩ như thác 7 tầng, thác Chàng, thác Bêrê Y,... Hệ thống thác nước phân bố đều trong khu vực, có sức hút lớn đối với du khách.

Bên cạnh những cảnh quan đẹp, xung quanh VQG còn có các di tích lịch sử, khảo cổ nổi tiếng, gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: Điểm cao 1015 (Charlie), Điểm cao 1049 (Delta), Khu tưởng niệm liệt sĩ Chư Tan Kra, Di chỉ khảo cổ Lung Leng xã Sa Bình, v.v.

Bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng đệm Vườn quốc gia Chư Mom Rây.

Thêm vào đó, bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tại đây cũng trở thành nguồn lực du lịch quan trọng. Một số cộng đồng vẫn còn được lưu giữ, bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống như dân tộc Ba Na, Ja Rai, Kờ Dong, Rơ Mâm.

Tiềm năng phát triển du lịch của VQG Chư Mom Ray là rất lớn, song nhiều năm nay tiềm năng đó chưa được khai thác.

Gia tăng hiệu quả phát triển từ hoạt động du lịch

Việc phát triển các hoạt động du lịch sinh thái theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, đồng thời phát huy các giá trị văn hóa dân tộc sẽ đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, hoạt động du lịch sẽ được quản lý, vận hành công bằng và minh bạch về thông tin, lợi ích giữa các bên liên quan. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh việc xã hội hóa các nguồn lực trong huy động đầu tư và khai thác du lịch ở Vườn, từ đó đảm bảo nguồn tài chính phục vụ công tác bảo tồn và phát triển du lịch tại VQG Chư Mom Ray.

Nguồn thu từ du lịch sẽ được sử dụng để tái đầu tư cho các hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng (QLBVR), bảo tồn đa dạng sinh học trong VQG. “Với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025 VQG Chư Mom Ray sẽ có nguồn thu từ hoạt động cho thuê môi trường rừng khoảng 100 triệu đồng/năm và 1 tỷ đồng/năm giai đoạn 2026 - 2030. Đây sẽ là nguồn ngân sách lớn và ổn định hàng năm để duy trì các hoạt động QLBVR của VQG góp phần giảm nguồn đầu tư từ ngân sách cho các hoạt động QLBVR”, đại diện Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray khẳng định.

Hệ thống thác nước tại Vườn Quốc gia Chư Mom Rây có sức hút lớn đối đới với du khách.

 

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch phát triển sẽ tạo việc làm thường xuyên và thu nhập cao hơn cho người lao động tại địa phương. Các hộ gia đình sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch thông qua cung cấp các dịch vụ, cung ứng sản phẩm, hàng hóa qua đó đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nhân dân địa phương... Hoạt động du lịch sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư sản xuất tạo hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn từ nông nghiệp truyền thống sang kinh tế dịch vụ, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng dân cư ở địa phương. Từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân ở các xã vùng đệm và giảm áp lực phụ thuộc vào rừng.

Mặt khác, du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục và diễn giải về môi trường. Các hoạt động du lịch sinh thái không chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn có tác dụng giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với môi trường, đa dạng sinh học.

Cảnh Hưng