Trong nửa đầu năm 2022, Trung tâm đã tập trung vào một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất; thực hiện các phương thức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng tốt với các diễn biến khác nhau của dịch bệnh Covid-19 nhằm duy trì thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, phát triển công nghiệp chế biến, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, dược liệu và các sản phẩm lợi thế của tỉnh. Tập trung đôn đốc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng bên trong Cụm công nghiệp.
Trung tâm cũng chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình khó khăn của doanh nghiệp trong sản xuất, lưu thông và xúc tiến tiêu thụ hàng hóa để tháo gỡ kịp thời, phục hồi và đẩy mạnh kinh doanh, đặc biệt là các nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của tỉnh. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh, thành, vùng, khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại cho các sản phẩm lợi thế của tỉnh…
Trung tâm đã thực hiện có hiệu quả công tác khuyến công địa phương, thường xuyên xây dựng, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn ngày càng phù hợp với thực tế tại địa phương; đặc biệt là quy trình xây dựng, xét duyệt và kiểm tra thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là phần lớn các cơ sở công nghiệp nông thôn hoạt động manh mún, nhỏ lẻ tự phát, sử dụng nơi ở làm nơi sản xuất nên ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường cũng như việc mở rộng quy mô sản xuất. Quy mô của một số đề án khuyến công tuy có cải thiện nhưng còn thiếu các đề án điểm có sức lan tỏa, đóng vai trò quan trọng cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến Thương Mại Kon Tum sẽ huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhanh, bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác là khuyến khích, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường và từng bước phát triển bền vững.