Tóm tắt:
Tội phạm về ma túy là một trong những nhóm tội tương đối phổ biến. Hình phạt được áp dụng cho các tội danh trong nhóm tội này thể hiện tính nghiêm khắc cao. Tuy nhiên, hiện nay, các văn bản hướng dẫn còn hạn chế, dẫn đến quá trình áp dụng pháp luật còn vướng mắc, đặc biệt, đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Bài viết phân tích các vướng mắc trong thực tiễn xử lý tội phạm và đưa ra giải pháp hoàn thiện để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tổ chức trái phép chất ma túy.
Từ khóa: Bộ luật Hình sự, tội phạm ma túy, sử dụng trái phép, ma túy.
1. Đặt vấn đề
Tội phạm ma túy nói chung và tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng những năm gần đây diễn ra ngày càng tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng, bên cạnh đó việc áp dụng quy định về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và các văn bản hướng dẫn áp dụng còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tổ chức trái phép chất ma túy vừa có ý nghĩa trên phương diện tội phạm học, vừa có ý nghĩa trên phương diện xã hội - pháp lý hình sự trong việc phòng ngừa và đấu tranh đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
2. Thực tiễn xét xử tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
Bên cạnh những ưu điểm đạt được, những khó khăn, vướng mắc về quy định của pháp luật hiện hành, trong việc định tội danh và quyết định hình phạt về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy gồm:
Thứ nhất, đối với một số vụ án có số lượng đông người tham gia có hiện tượng bỏ lọt tội phạm.
- Khoảng 19 giờ 10 phút ngày 17/11/2021, tại phòng 302 nhà nghỉ Ba Sao 2 (Nguyễn Hữu T thuê), T rủ Đỗ Văn T, Nguyễn Hữu H, Nguyễn Tiến H, Phạm Văn V và Lưu Văn H cùng sử dụng ma túy. Mọi người thỏa thuận sau khi sử dụng ma túy hết bao nhiêu tiền sẽ chia đều để đóng góp. T gọi điện cho một người không quen biết để mua ma túy dạng “ke” và “kẹo” với giá 2.000.000 đồng. Sau khi nhận được ma túy, T đưa số ma túy này cho H cầm. Sau đó H bỏ ma túy ra bàn, T lấy ma túy chia cho T, H, H, V, H mỗi người 1/2 viên ma túy dạng kẹo để sử dụng, số ma túy còn lại T để trên bàn. Khi các đối tượng trên đang sử dụng ma túy thì bị Công an huyện T, tỉnh Q phát hiện, bắt quả tang, thu giữ vật chứng là 4,812 gam Ketamine.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 55/2022/HSST ngày 24/5/2022 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Q: áp dụng điểm i khoản 1 Điều 249, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 17, 38 Bộ luật Hình sự xử phạt Phạm Văn V, Nguyễn Tiến H, Nguyễn Hữu H, Đỗ Văn T, Lưu Văn H mỗi bị cáo 14 tháng tù, Nguyễn Hữu T 15 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Theo tác giả, bản án hình sự sơ thẩm số 55/2022/HSST của Tòa án chưa thực sự thích đáng vì Nguyễn Hữu T rủ Đỗ Văn T, Nguyễn Hữu H, Nguyễn Tiến H, Phạm Văn V và Lưu Văn H cùng sử dụng ma túy, cả nhóm thỏa thuận sau khi sử dụng ma túy hết bao nhiêu tiền sẽ chia đều để đóng góp. T là người thuê phòng nhà nghỉ để sử dụng ma túy, liên hệ mua và nhận ma túy, sau đó đưa số ma túy này cho H cầm. Như vậy, hành vi của Nguyễn Hữu T, Phạm Văn V, Nguyễn Tiến H, Nguyễn Hừu H, Đỗ Văn T, Lưu Văn H có dấu hiệu phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự. Cấp sơ thẩm điều tra, truy tố xét xử các bị cáo trên về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” là không đúng quy định của pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Thứ hai, công tác điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn tình trạng hồ sơ vụ án phải trả lại Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung hoặc bị đình chỉ, tồn đọng. Các cơ quan tiến hành tố tụng thường có các quan điểm giải quyết vụ án khác nhau giữa các tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy… hoặc bỏ lọt tội phạm nên thường phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung để thỉnh thị ý kiến của Cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên nên dẫn đến tỷ lệ giải quyết án không được tăng lên. Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra đôi khi không xác minh lý lịch bị can, thu thập giấy khai sinh bị can hoặc giám định xương nên sau khi Viện Kiểm sát phê chuẩn bị can mới xác định được bị can chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên một số vụ án thường phải đình chỉ.
Thứ ba, hình phạt áp dụng đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn hạn hẹp, không đa dạng, chủ yếu áp dụng hình phạt tù từ 7 năm trở xuống, hình phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, còn các hình phạt khác ít khi được áp dụng như án treo hoặc không áp dụng như miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt hoặc cảnh cáo, tử hình. Việc áp dụng hình phạt bổ sung cũng ít được thực hiện.
Thứ tư, trong giai đoạn xét hỏi tại phiên tòa đôi khi hội đồng xét xử điều khiển việc xem xét, đánh giá các chứng cứ, tình tiết của vụ án thông qua hoạt động xét hỏi còn lúng túng, thẩm phán chủ tọa phiên tòa thường đặt ngay về câu hỏi hành vi phạm tội của họ. Vai trò của Kiểm sát viên trong quá trình xét hỏi vụ án về ma túy còn mờ nhạt. Tại một số phiên tòa trong suốt quá trình xét hỏi Kiểm sát viên chỉ trình bày bản cáo trạng, không xét hỏi bị cáo, vì cho rằng hành vi phạm tội đã được thể hiện rõ trong hồ sơ.
Thứ năm, việc tranh tụng tại phiên tòa đối với vụ án về ma túy còn mang nặng tính hình thức. Ở một số phiên tòa các bị cáo không trình bày ý kiến hay tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát. Việc hỏi để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án và chứng minh tội phạm chủ yếu vẫn do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện mà ít có sự tham gia của hội thẩm nhân dân.
Thứ sáu, về việc xác định khung tăng nặng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015 “đối với 02 người trở lên” hiện vẫn chưa thống nhất trong việc xử lý. Quan điểm thứ nhất xác định “đối với 02 người trở lên” bao gồm cả người tổ chức. Ví dụ: A có ma túy rủ B cùng sử dụng thì bị bắt quả tang. A được xác định là có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cho 02 người trở lên. Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả xác định “đối với 02 người trở lên” phải là những người thụ hưởng (không bao gồm người tổ chức và đồng phạm) như hướng dẫn tại Công văn số 1797/VKSTC-V14 hướng dẫn giải đáp nghiệp vụ của Vụ 14, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tức là đối với ví dụ trên, khi xử lý A về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, sẽ không áp dụng tình tiết tăng nặng đối với hai người trở lên theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “đối với 02 người trở lên” cần xác định 02 người ở đây là 02 người thụ hưởng, khác với bị can/bị cáo.
3. Một số giải pháp áp dụng đúng pháp luật trong xét xử tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
3.1. Hoàn thiện các quy định pháp luật về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
Thứ nhất, bổ sung khái niệm tội phạm về ma túy.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn chưa đưa ra khái niệm về tội phạm ma túy. Do đó, tác giả đề nghị cần phải có điều luật quy định rõ khái niệm tội phạm về ma túy. Theo đó, cần bổ sung thêm khoản 1 Điều 255 như sau:
1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
b) Cung cấp chất ma túy (trừ hành vi bán trái phép chất ma túy) cho người khác để họ sử dụng;
c) Chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất,...) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
d) Chuẩn bị địa đi ểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm) không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
đ) Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất,...) nhằm dùng chúng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
e) Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất,...) nhằm dùng chúng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
g) Tìm kiếm, lôi kéo người khác vào các tụ điểm sử dụng ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể họ.
Thứ hai, về vấn đề định tội danh: Cần bổ sung tình tiết định khung tăng nặng đối với tình tiết tại điểm e khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự: “Đối với người đang cai nghiện”. Theo đó, cần bổ sung thêm đối tượng “vừa cai nghiện xong”, thành “đối với người đang cai nghiện hoặc vừa cai nghiện xong”.
Thứ ba, về vấn đề giám định hàm lượng các chất ma túy: Đối với việc giám định hàm lượng các chất ma túy, cần có quy định rõ ràng về định lượng ma túy trong vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Ví dụ, định lượng ma túy thể rắn là bao nhiêu gam trở lên, ở thể lỏng là bao nhiêu mililit trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì khi quyết định hình phạt sẽ nhanh chóng và chính xác hơn rất nhiều. Ngoài ra, theo tác giả cách dùng thuật ngữ “số lượng” chưa thực sự chính xác trong mọi trường hợp. “Số lượng các chất ma túy” được hiểu là bao nhiêu chất, gồm hai chất hay ba chất... Nhưng trước đó đã quy định là “có từ hai chất ma túy trở lên”. Thuật ngữ “số lượng” thường dùng để chỉ số vật chất cùng loại với nhau, tuy nhiên các chất ma túy nói trên gồm nhiều loại khác nhau và đơn vị tính khác nhau (như ở thể rắn, thể lỏng...). Vì vậy, tác giả đề xuất sửa đổi từ “số lượng” thành từ “tổng định lượng” sẽ chính xác hơn.
Thứ tư, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành: Cần có văn bản hướng dẫn việc định tội danh và cụ thể hóa trong các trường hợp phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhưng có tình tiết dễ gây nhầm lẫn với các tội phạm khác như tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; tội chứa chấp người khác sử dụng trái phép chất ma túy và một số tội phạm khác.
Thứ năm, sửa đổi, thay thế một số văn bản đã phát sinh hạn chế, bất cập: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đang có hiệu lực, do đó, Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn cụ thể về Chương XVIII - “Các tội phạm về ma túy” và tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” đã bộc lộ một số hạn chế. Do đó, để đảm bảo giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật cần nghiên cứu để có các quy phạm pháp luật phù hợp hơn với tình hình diễn biến của tội phạm này. Ví dụ, tại khoản 2 Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BTP giải thích về “phạm tội nhiều lần” nghĩa là phạm tội từ hai lần trở lên, nhưng Chương XX các tội phạm về ma túy không có quy định về “phạm tội nhiều lần”.
3.2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng xét xử tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy
- Nhóm giố giải pháp nâng cao chất lượng xét xlượng đội ngũ cán bộ Tòa án và Hội thẩm nhân dân
Thứ nhất, hoàn thiện xây dựng trụ sở làm việc khang trang, hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Ưu tiên trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, xét xử, giám định tư pháp; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án cũng như trong công tác xét xử.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ, hội thẩm nhân dân kiểu mẫu, trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhanh chóng khắc phục những biểu hiện tiêu cực, những sơ hở thiếu sót, vi phạm pháp luật của cán bộ Tòa án cũng như hội thẩm nhân dân. Cần quy định nghiêm khắc hơn kể cả về trách nhiệm hình sự và xử phạt hành chính đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích cá nhân.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin,... để đảm bảo cán bộ Tòa án và hội thẩm nhân dân phải nắm vững các quy định của văn bản pháp luật. Ngoài ra, cần đổi mới cơ chế, phương pháp, nội dung và hình thức tuyển chọn cán bộ phù hợp với vị trí việc làm - năng lực công chức. Đồng thời, kiên quyết loại trừ các hiện tượng tiêu cực, xử lý kịp thời và nghiêm minh hành vi sai phạm của người làm công tác tuyển chọn và người đang muốn được tuyển chọn.
Thứ tư, thực hiện rà soát để bào đảm bố trí, sắp xếp và sử dụng đội ngũ cán bộ có hiệu quả, định kỳ hằng năm và theo từng giai đoạn, để bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ, thẩm phán bảo đảm phù hợp với năng lực, sở trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; đồng thời, chủ động bố trí, sắp xếp cán bộ, thẩm phán có năng lực, triển vọng đảm nhiệm các công việc quan trọng, nhất là đối với diện quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý. Kiên quyết thay thế, miễn nhiệm những cán bộ, thẩm phán (kể cả cán bộ lãnh đạo) năng lực yếu kém, thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có tham nhũng, tiêu cực.
Thứ năm, tăng cường công tác giám đốc xét xử, kiểm tra thanh tra công tác xét xử để hạn chế tối thiểu những án oan sai, chỉ ra những thiếu sót, sai lầm của cán bộ trực tiếp xét xử, từ đó có những văn bản hướng dẫn giải thích cụ thể trong toàn ngành, có thể trích dẫn những vụ án điển hình hay có sự nhầm lẫn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng học hỏi và rút kinh nghiệm.
- Nhóm giườnpháp về hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên
Một là, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ kiểm sát viên có năng lực, phẩm chất để thực hiện tốt hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Viện kiểm sát cần quan tâm bố trí đủ lực lượng kiểm sát viên cho công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hình sự, tránh để tình trạng quá tải trong việc giải quyết án, cần đảm bảo có đủ kiểm sát viên để nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham gia phiên tòa. Khắc phục tình trạng kiểm sát viên không nghiên cứu hồ sơ vụ án lại được phân công tham gia phiên tòa; quan tâm bồi dưỡng. Rèn luyện đội ngũ cán bộ kiểm sát viên, có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có tinh thần kiên quyết đấu tranh bảo vệ pháp chế; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lương tâm, trách nhiệm, tận tụy và tự giác cao với công việc; thường xuyên tập huấn, rèn luyện kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử sơ thẩm hình sự theo hướng chuyên sâu; tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tổ chức hội thảo khoa học nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử nói chung và hoạt động tranh tụng tại phiên tòa nói riêng.
Hai là, tăng cường trách nhiệm cho kiểm sát viên.
Chủ trương chủ trương của Đảng, Nhà nước “Tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” là một trong những vấn đề cơ bản, quan trọng trong cải cách tư pháp hình sự hiện nay ở nước ta, có tăng cường trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ: thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử sơ thẩm hình sự tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình và khi đó Kiểm sát viên sẽ độc lập khi làm nhiệm vụ.
Ba là, Tiếp tục tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.
Việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là biện pháp tự đào tạo, bồi dưỡng kiểm sát viên rèn luyện kỹ năng từ thực tiễn các phiên tòa công tác, trong đó nhấn mạnh nội dung rút kinh nghiệm về kỹ năng tranh tụng, đối đáp với người bào chữa. Kiểm sát viên phải hiểu rõ mục đích tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử sơ thẩm hình sự, nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa.
Bốn là, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để kiểm sát viên làm việc.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước là “… bảo đảm tốt hơn các điều kiện để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Cơ sở vật chất được trang bị tương xứng nhiệm vụ công tác cho ngành Kiểm sát nói chung và cho kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử sơ thẩm nói riêng là điều kiện cần thiết để kiểm sát viên làm việc, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế và lĩnh vực tư pháp thế giới.
- Nhóm nâng cao chất lượng phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là các cơ quan: Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết án hình sự, đảm bảo định tội danh đúng, tránh oan sai. Trong thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng của hai cấp trên cả nước đã xây dựng và ban hành quy chế phối hợp trong giải quyết án hình sự, thường xuyên tổ chức các cuộc họp liên ngành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thống nhất hướng xử lý đối với những vấn đề có quan điểm khác nhau về áp dụng pháp luật, những vấn đề pháp luật chưa quy định hoặc chưa có hướng dẫn, các vụ án trọng điểm, phức tạp... Tiếp tục phối hợp tổ chức các phiên tòa hình sự trực tuyến. Các phiên tòa rút kinh nghiệm đáp ứng các tiêu chí đề ra nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ áp dụng pháp luật học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống và điều hành phiên tòa, nâng cao kinh nghiệm và trình độ nhận thức, áp dụng pháp luật trong xét xử án hình sự, đặc biệt là đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội (2015). Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
- Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 và Thông tư số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC- TANDTC-BTP ngày 24/12/2007;
- Đinh Văn Quế (2022). Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, Phần thứ hai - Các tội phạm, chương XX, các tội phạm về ma túy. Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
- Phạm Thị Thanh Huyền (2024). Vướng mắc trong thực tiễn xử lý tội phạm về ma túy. Tạp chí Kiểm sát - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, số 6.
- Dương Tuyết Miên (2021). Định tội danh và quyết định hình phạt. Nxb. Tư pháp, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (2022). Tài liệu hội nghị tập huấn - Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hà Nội.
- Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao 1 (2023). Thông báo rút kinh nghiệm số 76, ngày 24/10/2023.
Obstacles in the practice of handling drug crimes
and solutions to complete related regulations
Le Thanh Dat
People's Procuracy of Quang Ninh Province
Abstract:
Drug crimes are one of the most common crime groups. Vietnam is enforcing severe penalties for crimes in this crime group. However, the guiding documents for the enforcement of these penalties are still limited, leading to many obstacles in the process of enforcing regulations, especially those applied to the crime of illegal drug use. This paper analyzed the problems in the practice of handling drug crimes and proposed solutions to strengthen the fight against illegal organized drug crimes.
Keywords: the Penal Code, drug crimes, illegal drug use, drug.