Báo cáo thống kê thương mại thế giới năm 2021 mới nhất của WTO cho biết, Việt Nam đã có sự duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục trong các năm. Năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam tăng trưởng 6,4% với giá thị trường đạt 29 tỷ USD.
Đáng lưu ý, trong 10 năm qua, thị phần của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu đã gia tăng mạnh mẽ. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực hàng may mặc của Bangladesh đã giảm từ 6,8% xuống còn 6,3% trong năm 2020.
Với số liệu này, Việt Nam đã vượt qua Bangladesh về xuất khẩu hàng may mặc, chỉ đứng sau Trung Quốc - quốc gia có thị phần chiếm 31,6% (giảm 7% trong năm 2020), với giá trị xuất khẩu đạt 142 tỷ USD.
Ngoài ra, báo cáo của WTO còn chỉ rõ, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đã giảm 7,0% trong năm 2020 so với 2019 trong khi Bangladesh đối mặt với mức giảm 15%.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các nhà máy tại Bangladesh phải đóng cửa do nhiều nhãn hàng phương Tây hủy hợp đồng hoặc trì hoãn việc thanh toán.
Tại Việt Nam, nhờ sự kiểm soát dịch tốt trong năm 2020, cùng với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đáp ứng tốt các quy định về tuân thủ, luôn tìm cách đa dạng hóa sản xuất, không chỉ là hàng may mặc thời trang nhanh (giá rẻ, hợp thời trang) mà còn cả quần áo và phụ kiện tầm trung và cao cấp.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam luôn nâng cao các kỹ năng tiếp cận, đổi mới sản phẩm thích nghi thị trường, đẩy mạnh hoạt động marketing trực tuyến về hàng hóa và nâng cao năng suất lao động.
“Xuất khẩu dệt may Việt Nam tuy có sụt giảm so với 2019 nhưng mức sụt giảm vẫn thấp hơn so với thị trường Bangladesh”, báo cáo thống kê.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt 18,6 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Công Thương đánh giá, một số thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và châu Âu tăng nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép khi kinh tế bắt đầu hồi phục, các lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ. Điều này tạo cơ hội cho dệt may cán đích mục tiêu 39 tỷ USD năm nay, con số tăng trưởng như trước khi Covid-19 xuất hiện.