Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen vừa có buổi họp trực tuyến để cùng thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ và mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế.
Sau cuộc họp, hai bên đã ra tuyên bố chung nhất trí Việt Nam và Hoa Kỳ là đối tác đáng tin cậy với tình hữu nghị được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, trọng tâm của khung chính sách tiền tệ là thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Việt Nam xác nhận rằng Việt Nam tuân theo theo các điều khoản thỏa thuận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tránh thao túng tỷ giá hối đoái nhằm ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.
Sau khi Bộ Tài chính Hoa kỳ ra thông báo, Trưởng đại diện của Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ USTR bà Katherine Tai cũng đã ra tuyên bố, hoan nghênh thỏa thuận giữa Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời đề cao Việt Nam vì đã cam kết trong việc “giải quyết các mối quan ngại” của Hoa Kỳ.
Trước thông tin này, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nhận định, đây là thông tin rất đáng vui mừng, vì tuyên bố này đã giúp giải tỏa phần lớn những lo ngại của đông đảo doanh nghiệp và nhà đầu tư về việc Hoa Kỳ có khả năng áp thuế đối với hàng hóa nhập từ Việt Nam theo điều khoản 301 trong đó có mặt hàng dệt may.
Vitas nhấn mạnh, trong thời gian, Vitas đã tham gia tích cực vào nhóm công tác về điều khoản 301, cùng các cơ quan quản lý nhà nước như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp cùng các hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế, các Hiệp hội tổ chức ngành hàng lớn tại Hoa Kỳ để cùng đưa ra tiếng nói bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tránh nguy cơ áp thuế nhập khẩu.
“Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đòi hỏi các bên phải tập trung ưu tiên nhiều hơn cho vấn đề tiêm chủng vắc xin, giải quyết khủng hoảng container trên toàn cầu và các vấn đề về lao động và môi trường”, Vitas nhấn mạnh một lần nữa.
Trước đó, theo nhiều nguồn tin, phía Hoa Kỳ đang thảo luận về việc có nên tiến tới áp đặt thuế quan đối với Việt Nam theo điều khoản 301 do các cáo buộc về tiền tệ và gỗ xuất phát từ thời chính quyền Tổng thống Trump được coi là chưa hợp lý và gây trở ngại cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ, bà Hoàng Ngọc Ánh - Tổng Thư ký Vitas từng lo ngại, việc áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ gây ra sự gián đoạn vô cùng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến đầu tư và làm tăng giá, ảnh hưởng đến các hộ gia đình người lao động tại Hoa Kỳ và gia tăng chi phí cho chuỗi cung ứng.
Mặt khác, những doanh nghiệp và những nhà đầu tư chuyển sang sản xuất tại Việt Nam hiện phải đối mặt với nguy cơ bị áp thuế. Đây không phải là lúc để áp đặt các chi phí mới đối với chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp mang lại việc làm cho người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19.