Những dấu mốc hợp tác quan trọng
Thu hút FDI là một trong những thành tựu nổi bật trong nửa thế kỷ quan hệ hợp tác với Vương quốc Anh. 50 năm trước, Việt Nam và Vương quốc Anh đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11/9/1973. Từ đó đến nay, hai nước không ngừng củng cố quan hệ hợp tác, được cụ thể hóa bằng những dấu mốc quan trọng:
- Tháng 9/2006, hai nước ký thỏa thuận về Quan hệ Đối tác phát triển
- Tháng 3/2008, hai nước ra Tuyên bố chung khẳng định thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và ổn định theo hướng “Quan hệ Đối tác vì sự phát triển”.
- Tháng 9/2010, hai nước ký kết Tuyên bố chung chính thức nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược.
- Tháng 5/2011, hai nước ký văn bản điều chỉnh bổ sung Thỏa thuận Đối tác phát triển Việt Nam - Anh.
- Tháng 9/2020 hai nước ra Tuyên bố chung mới về Đối tác chiến lược với 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên.
Đặc biệt, ngày 29/12/2020, hai bên chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do UKVFTA, có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Đây là những điều kiện thuận lợi để quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và thu hút FDI giữa hai bên ngày càng phát triển. Kể từ khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, kim ngạch thương mại Việt Nam - Anh trong năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, bất chấp đại dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%.
Năm 2022 - năm thứ hai thực thi UKVFTA, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 4,62 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 4,1 tỷ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Anh đạt 460,1 triệu USD. Vương quốc Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba (sau Đức và Hà Lan) của Việt Nam.
Sẵn sàng để thu hút FDI từ Anh quốc
Trước khi có Hiệp định UKVFTA, Vương quốc Anh đứng thứ 20 trong số các nước đầu tư FDI vào Việt Nam. Nhưng tính đến ngày 20/8/2023, Vương quốc Anh có 542 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,29 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2023, Vương quốc Anh có tổng cộng 34 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 48,3 triệu USD. Trong các quốc gia tại châu Âu, Vương Quốc Anh hiện là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai (sau Hà Lan).
Các nhà đầu tư Anh tham gia nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 117 dự án, vốn đăng ký đạt 1,59 tỷ USD, chiếm 38,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 26 dự án, tổng vốn trên 1 tỷ USD, chiếm 26,1% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ 3 với 7 dự án, tổng vốn đăng ký 701,44 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư. Các dự án còn lại thuộc các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống; cấp nước và xử lý chất thải; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; giáo dục đào tạo.
Về địa bàn đầu tư, Anh đã đầu tư vào 36 tỉnh thành của Việt Nam và các dự án dầu khí ngoài khơi. Dẫn đầu là Thành phố Hồ Chí Minh với 244 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 909,1 triệu USD (chiếm 21,6% tổng số vốn đăng ký của Anh tại Việt Nam). Tiếp theo là các dự án dầu khí ngoài khơi với 5 dự án, tổng vốn đăng ký 688 triệu USD. Đồng Nai đứng thứ 3 với 11 dự án, vốn đầu tư đăng ký 670,8 triệu USD. Số còn lại thuộc các địa phương khác như Hải Dương, Long An, Bình Dương.
Dự án lớn nhất của Vương quốc Anh tại Việt Nam là dự án Công ty cổ phần thành phố Aqua, tổng vốn đầu tư đăng ký 518,7 triệu USD. Đây là dự án liên doanh hoạt động kinh doanh bất động sản tại tỉnh Đồng Nai. Tiếp theo là Dự án liên doanh Hợp đồng dầu khí lô 06-2, tổng vốn đầu tư đăng ký 507 triệu USD, và Dự án Công ty TNHH thành phố Công nghệ xanh Hà Nội, tổng vốn đầu tư đăng ký 302 triệu USD.
Theo nhận định của các chuyên gia đầu tư, thời gian tới, hoạt động thu hút FDI của Anh quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, bởi nhiều yếu tố thuận lợi.
Thứ nhất, hai bên có mối quan hệ sâu sắc trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, khoa học công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, cũng như sự phối hợp hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và trên diễn đàn quốc tế, khu vực.
Thứ hai, Vương quốc Anh đánh giá cao cam kết đưa lượng phát thải ròng về 0 đến năm 2050 của Việt Nam tại COP26. Đồng thời khẳng định nước này sẵn sàng tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn, quan hệ đối tác và thiết lập chương trình chuyển dịch năng lượng và biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Trong đó có thể kể đến Vương quốc Anh là một trong những đại diện của nhóm đối tác quốc tế hỗ trợ Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) tại Việt Nam. Vào cuối tháng 7 - đầu tháng 8 vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam, Quốc vụ khanh phụ trách An ninh năng lượng và trung hòa carbon của Vương quốc Anh Graham Stuart đã gặp gỡ đại diện của Chính phủ Việt Nam ở cấp trung ương và địa phương để thúc đẩy hợp tác về phát thải ròng bằng 0.
Để sẵn sàng đưa hoạt động thu hút FDI từ Vương quốc Anh lên tầm cao mới, theo các chuyên gia, Việt Nam cần xác định lại các lợi thế cạnh tranh của mình trong giai đoạn mới, không chỉ dựa vào giá nhân công rẻ, nguồn lao động dồi dào, mà còn là các yếu tố mới, như: Sức hấp dẫn và sự minh bạch của môi trường đầu tư theo hướng đơn giản hóa, số hóa và hợp lý hóa các thủ tục hành chính, mức độ làm quen với các dự án công nghệ và yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất xứ; phát triển cơ sở hạ tầng...
Thêm nữa, Vương quốc Anh là quốc gia có nền công nghiệp công nghệ cao phát triển, nên để thu hút FDI có hiệu quả từ Anh quốc, Việt Nam cần hình thành hệ sinh thái hỗ trợ thực chất chuỗi các nhà cung ứng nội địa nâng cao năng lực quản trị hiện đại, đáp ứng được nhu cầu nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của của doanh nghiệp FDI Anh quốc tại Việt Nam.
Cuối cùng, để hỗ trợ hoạt động thu hút FDI, Việt Nam cũng cần sớm nghiên cứu và triển khai các giải pháp hỗ trợ ngoài thuế cho doanh nghiệp FDI sau khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% có hiệu lực.