Xây dựng cơ sở dữ liệu tuyến điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt

ThS. NGUYỄN HOÀNG LONG (Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Nha Trang - Đà Lạt là tuyến du lịch có sự kết nối giữa rừng và biển, được nhiều du khách và đặc biệt là các cơ sở đào tạo du lịch lựa chọn để sinh viên thực tập thực tế. Nha Trang và Đà Lạt được xem là một thiên đường để tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng. Trong đó, Vịnh Nha Trang được ví như Hòn Ngọc Viễn Đông và được bình chọn là một trong 29 Vịnh đẹp nhất thế giới. Đà Lạt với độ cao 1.500 mét so với mực nước biển và được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng bao quanh, thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Bài viết này nhằm đề xuất mô hình cơ sở dữ liệu (CSDL) tuyến điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên Khoa Du lịch và Việt Nam học tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nói riêng và sinh viên theo học ngành Du lịch của Việt Nam nói chung.

Từ khóa: cơ sở dữ liệu, tuyến điểm du lịch, Nha Trang, Đà Lạt.

1. Đặt vấn đề

CSDL đã được nhắc đến trong Luật Công nghệ thông tin và các tài liệu liên quan đến triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Theo định nghĩa của từ điển Oxford[1]:CSDL là một tập hợp có cấu trúc của dữ liệu được lưu trong máy tính, theo một cách đặc biệt nào đó có thể được tiếp cận theo những cách khác nhau”. Theo trang công nghệ techtarget.com: “Một CSDL là một tập hợp các thông tin được tổ chức để nó có thể dễ dàng được truy cập, quản lý và cập nhật”. Ngoài ra, theo một vài quan điểm khác, CSDL có thể được phân loại theo loại nội dung: thư mục, văn bản đầy đủ, số và hình ảnh. Trong máy tính, CSDL đôi khi được phân loại theo phương pháp tổ chức.

Phương pháp phổ biến nhất là các CSDL quan hệ, CSDL dạng bảng, trong đó dữ liệu được định nghĩa để có thể được tổ chức lại và truy cập trong một số cách khác nhau. Theo đó, để xây dựng hệ thống thông tin CSDL tuyến điểm du lịch thì cần phải dựa vào các yếu tố cấu thành tuyến điểm du lịch như tài nguyên du lịch (các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử - văn hóa và các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể); hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch; các điểm vui chơi giải trí về đêm... để từ đó có thể xây dựng mô hình CSDL tuyến điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt.

2. Tổng quan tài liệu và phương pháp nghiêu cứu

2.1. Tổng quan tài liệu 

Để có thể tổ chức kinh doanh và quản lý du lịch một cách tốt nhất, các ban, ngành, tổ chức kinh doanh dần dần quan tâm đến vấn đề xây dựng CSDL du lịch. Vụ Lữ hành đã phối hợp với Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch) xây dựng và quản lý website CSDL trực tuyến www.huongdanvien.vn. Trên website này giới thiệu về đội ngũ hướng dẫn viên trên cả nước với những thông tin chi tiết về: hình ảnh của hướng dẫn viên, họ tên, số thẻ, ngày hết hạn thẻ, nơi cấp thẻ, loại thẻ (nội địa hoặc quốc tế), trạng thái thẻ (còn hoạt động hay không), ngoại ngữ hướng dẫn, thời gian kinh nghiệm,… Bên cạnh đó, website www.huongdanvien.vn cũng cung cấp thông tin hỗ trợ liên quan đến chính sách, thủ tục xin cấp thẻ hướng dẫn viên, các chương trình đào tạo và bồi dưỡng về nghiệp vụ hướng dẫn, các cơ sở đào tạo về du lịch, thông tin về việc làm hướng dẫn viên… Cùng với CSDL về hướng dẫn viên, Vụ  Lữ hành cũng phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch xây dựng website CSDL về doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế tại địa chỉ: www.quanlyluhanh.vn.

Lê Văn Hòa, Nguyễn Thị Thúy Vân (2019)[2]: “Xây dựng mô hình CSDL thông tin cho điểm đến du lịch thông minh: Nghiên cứu trường hợp Thành phố Huế”. Nhóm tác giả đã nghiên cứu, thu thập xác định và phân loại 4 nhóm nhu cầu thông tin về một điểm đến du lịch thông minh mà du khách quan tâm: (1) cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ…); (2) điểm tham quan, vui chơi giải trí; (3) dịch vụ (mua sắm, ăn uống, vận chuyển) tại các điểm tham quan, vui chơi giải trí; (4) thông tin khác (tình trạng thời tiết, cảnh báo an ninh, dịch bệnh…). Đối với nhóm thông tin cơ sở lưu trú, kết quả điều tra cho thấy các thông tin mà du khách quan tâm nhiều nhất bao gồm: tên cơ sở lưu trú, xếp hạng đánh giá người dùng về cơ sở lưu trú, giá phòng có thể thay đổi theo mùa (thời gian thực), địa chỉ website để tiến hành đặt phòng cơ sở lưu trú được định vị trên Google map. Dựa vào đó, nhóm tác giả tiến hành xây dựng lớp (class) Accommodation. Đối với nhóm thông tin về điểm tham quan, vui chơi giải trí, một lớp chung Tourist_attraction. Đối với nhóm thông tin về dịch vụ tại các điểm tham quan, vui chơi giải trí, nhóm tác giả tạo một lớp có tên là Service. Nhóm thông tin về tình trạng thời tiết và cảnh báo an ninh dịch bệnh được nhóm thiết lập lớp Other information.

Nguyễn Thị Lan Phương, Đỗ Văn Hải, Hoàng Văn Hùng, Trần Phạm Văn Cương (2020)[3]: “Xây dựng CSDL tổng hợp phục vụ phát triển du lịch tỉnh Lào Cai bằng công nghệ GIS và viễn thám”. Nhóm tác giả đã nghiên cứu, thu thập xác định và phân loại các điểm du lịch tự nhiên sinh thái, lễ hội và nét đặc sắc văn hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Từ đó biên tập hoàn thiện được CSDL tổng hợp tiềm năng du lịch tỉnh Lào Cai (bao gồm tất cả các điểm du lịch được xây dựng dữ liệu không gian và thuộc tính). CSDL được hướng tới ứng dụng cho nhà quản lý và đối với người sử dụng. Trong đề tài nghiên cứu, nhóm tác giả thống nhất lựa chọn CSDL thông tin được tổng hợp xây dựng và tổ chức CSDL tổng hợp du lịch Lào Cai bao gồm các nhóm thông tin như: dữ liệu điểm du lịch (mã điểm du lịch, tên điểm du lịch, mô tả điểm du lịch, loại hình du lịch) và nhóm thông tin dữ liệu hạ tầng kỹ thuật (khách sạn, nhà nghỉ; nhà hàng; cơ sở y tế; chợ; bưu điện, trạm xăng; giao thông và thủy văn).

Võ Thị Hoài Thương & Nguyễn Văn Phượng (2019)[4]: “Xây dựng CSDL phát huy giá trị ẩm thực xứ Nghệ”. Nhóm tác giả đã nghiên cứu về văn hóa ẩm thực xứ Nghệ và đã đề xuất xây dựng danh mục các lớp dữ liệu du lịch cần xây dựng thành 4 nhóm lớp: (1) Dịch vụ du lịch (ẩm thực - nhà hàng, giải trí, mua sắm hàng lưu niệm, lưu trú, lữ hành, dịch vụ vận chuyển, khu du lịch, trung tâm du lịch, tour tuyến du lịch); (2) Tài nguyên du lịch nhân văn (Khu di tích Kim Liên, dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh, bảo tàng, đình, đền, chùa, làng nghề, lễ hội…); (3) Tài nguyên du lịch tự nhiên (Vườn Quốc gia Pù Mát, biển Cửa Lò, biển Thiên Cầm, sông, hồ, đồi, núi…); (4) Số liệu du lịch (dự án du lịch, số liệu thống kê du lịch). Trong đó, CSDL văn hóa ẩm thực thuộc nhóm lớp dịch vụ du lịch.

Mặc dù, các nghiên cứu trên chưa đề cập đến việc xây dựng CSDL theo dạng tuyến điểm du lịch. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên đã cung cấp cho một số kinh nghiệm quý báu để từ đó có thể nghiên cứu để xây dựng mô hình CSDL tuyến điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt một cách thuận lợi.

2.2. Phương pháp nghiêu cứu

Phương pháp nghiên cứu định tính: Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu thống kê, tổng hợp, phân tích, hệ thống và so sánh được sử dụng xuyên suốt đề tài nhằm phân tích hệ thống thông tin CSDL tuyến điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt như lớp lịch trình du lịch; lớp khách sạn, lớp nhà hàng, lớp phương tiện vận chuyển, lớp điểm tham quan, lớp điểm vui chơi giải trí; lớp đặc sản quà tặng, lớp ẩm thực và lớp lễ hội.

Phương pháp chuyên gia: Phương pháp chuyên gia được sử dụng nhằm xin ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch thông tin CSDL tuyến điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt trên cơ sở đó xây dựng lớp lịch trình du lịch; lớp khách sạn, lớp nhà hàng, lớp phương tiện vận chuyển, lớp điểm tham quan, lớp điểm vui chơi giải trí; lớp đặc sản quà tặng, lớp ẩm thực và lớp lễ hội.

Khảo sát thực địa: Khảo sát thực địa các bến cảng, cầu tàu, các điểm tham quan, các điểm ăn uống, điểm vui chơi giải trí… có trong tuyến điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt. 

Kỹ thuật sử dụng: Đề tài sử dụng những công trình nghiên cứu, giáo trình, tài liệu, ấn phẩm và bài viết hiện có của các tác giả ở Việt Nam liên quan tới chủ đề nghiên cứu của đề tài để xây dựng hệ thống thông tin CSDL tuyến điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt. Ngoài ra, đề tài sẽ sử dụng số liệu từ các cuộc điều tra hiện có của các tác giả ở Việt Nam được tiến hành những năm gần đây liên quan đến chủ đề để xây dựng hệ thống thông tin CSDL tuyến điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt.

3. Thiết kế mô hình CSDL tuyến điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt

3.1. Tổng quan về khu vực nghiên cứu

3.1.1. Nha Trang

Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa, là thành phố du lịch biển nổi tiếng nhất của Việt Nam. Các bãi biển dọc chiều dài thành phố và trên các đảo thuộc Vịnh Nha Trang đều là những thắng cảnh tuyệt vời thu hút du khách trong và ngoài nước. Vịnh Nha Trang có 19 hòn đảo lớn, nhỏ nằm rải rác xa, gần tạo nên cảnh quan vừa kỳ vĩ, vừa thơ mộng. Hệ thống các đảo nhỏ trong vịnh Nha Trang rất đa dạng, với nhiều đảo lớn nhỏ như Hòn Mun, Hòn Tre, Hòn Tằm, Hòn Miễu, Hòn Hố, Hòn Đụn, Hòn Một. Đây là những hòn đảo không chỉ có những cảnh đẹp trên bờ mà còn có những cảnh đẹp dưới nước. Ngoài ra, Nha Trang còn có di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá, đó là các công trình kiến trúc độc đáo, những di tích lịch sử văn hóa có giá trị với hệ thống các đình, đền, chùa, tháp, miếu như Tháp Bà Ponagar, Đền Hùng Vương, Đền Trần Hưng Đạo, Chùa Long Sơn, Nhà thờ Chánh tòa Nha Trang... Song song đó là những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như: Lễ hội Tháp Bà, lễ hội cầu ngư, lễ hội cúng đình,… Nha Trang có nhiều điểm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng hấp dẫn như Khu du lịch Vinpearl land, Khu du lịch và giải trí Diamond Bay, Trung tâm Du lịch suối khoáng nóng Tháp Bà Nha Trang, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng I-Resort Nha Trang, Khu du lịch tắm khoáng bùn Trăm Trứng và các trung tâm mua sắm như Chợ Đầm, Nha Trang Center, Siêu thị Maximark, Coop.mark. Siêu thị Metro, Siêu thị Big C, Siêu thị Lotte Mart Nha Trang. Chính vì vậy, Nha Trang được biết đến như là một thiên đường du lịch và nghỉ dưỡng.

3.1.2. Đà Lạt

Đà Lạt là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Với độ cao 1.500 mét so với mực nước biển và được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng bao quanh, Đà Lạt thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Lịch sử hơn một thế kỷ cũng để lại cho thành phố một di sản kiến trúc giá trị, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ XX. Những tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú giúp Đà Lạt trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Nhờ khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và di sản kiến trúc phong phú, Đà Lạt còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như "Thành phố mù sương", "Thành phố ngàn thông", "Thành phố ngàn hoa", "Xứ hoa Anh Đào" hay "Tiểu Paris"[5]. So với các đô thị khác của Việt Nam, Đà Lạt là thành phố được thiên nhiên dành tặng nhiều ưu ái. Những thắng cảnh của thành phố, nằm rải rác ở cả khu vực trung tâm lẫn vùng ngoại ô như Hồ Xuân Hương, đồi Cù, thung lũng Tình Yêu, hồ Than Thở, thác Prenn... từ lâu đã trở nên nổi tiếng. Lịch sử đã để lại cho Đà Lạt không ít những công trình kiến trúc giá trị, như những công sở, trường học, nhà thờ, tu viện, chùa chiền, công trình công cộng cùng hàng ngàn biệt thự xinh đẹp hiện diện khắp thành phố. Chính vì vậy, Đà Lạt cũng được biết đến như là một thiên đường để tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng.

3.2. Thiết kế mô hình CSDL tuyến điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt

Trên cơ sở những phân tích, tổng hợp và đánh giá các nhân tố mà du khách quan tâm tại một điểm đến, tác giả đề xuất mô hình cơ sở dữ liệu tuyến điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt được hệ thống hóa thành 9 lớp dữ liệu (Sơ đồ 1) gồm: (1) lớp dữ liệu chương trình du lịch; (2) lớp dữ liệu khách sạn; (3) lớp dữ liệu nhà hàng; (4) lớp dữ liệu phương tiện vận chuyển; (5) lớp dữ liệu điểm tham quan; (6) lớp dữ liệu điểm vui chơi giải trí về đêm; (7) lớp dữ liệu đặc sản quà tặng; (8) lớp dữ liệu ẩm thực và  (9) lớp dữ liệu lễ hội.

Đối với nhóm thông tin chương trình du lịch, tác giả tiến hành xây dựng lớp (class) chương trình du lịch (Tour progarm) gồm có các thuộc tính như: mã và tên chương trình du lịch, phương tiện vận chuyển, giá tour, hạng khách sạn, lịch trình du lịch và thời gian chuyến đi.

Đối với nhóm thông tin khách sạn, tác giả tiến hành xây dựng lớp (class) khách sạn (Hotel) gồm có các thuộc tính như: mã khách sạn, tên khách sạn, hạng khách sạn, số lượng phòng, thông tin về khách sạn, địa chỉ liên hệ đặt phòng và địa chỉ khách sạn.

Đối với nhóm thông tin nhà hàng, tác giả tiến hành xây dựng lớp (class) nhà hàng (Restaurant) gồm có các thuộc tính như: tên nhà hàng, giờ mở cửa - đóng cửa, thông tin nhà hàng, điện thoại liên hệ đặt ăn, trang web, fanpage nhà hàng, địa chỉ nhà hàng.

Đối với nhóm thông tin phương tiện vận chuyển, tác giả tiến hành xây dựng lớp (class) phương tiện vận chuyển (Transportaion) gồm có các thuộc tính như: loại phương tiện vận chuyển, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, thông tin về nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, giá dịch vụ vận chuyển, điện thoại liên hệ đặt dịch vụ, trang web, fanpage, địa chỉ nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển.

Đối với nhóm thông tin điểm tham quan, tác giả tiến hành xây dựng lớp (class) điểm tham quan (Tourist attraction) gồm có các thuộc tính như: tên điểm tham quan, giá vé tham quan, thông tin điểm tham quan, giờ mở cửa - đóng cửa, điện thoại liên hệ và địa chỉ điểm tham quan.

Đối với nhóm thông tin điểm vui chơi giải trí, tác giả tiến hành xây dựng lớp (class) điểm vui chơi giải trí (Entertainment) gồm có các thuộc tính như: tên điểm vui chơi giải trí, giá cả, thông tin điểm vui chơi giải trí, điện thoại liên hệ, trang web và địa chỉ điểm tham quan.

Đối với nhóm thông tin đặc sản quà tặng, tác giả tiến hành xây dựng lớp (class) đặc sản quà tặng (Gift Specialties) gồm có các thuộc tính như: tên đặc sản, địa chỉ cung cấp đặc sản, giá đặc sản, thông tin đặc sản, điện thoại liên hệ và trang web.

Đối với nhóm thông tin ẩm thực, tác giả tiến hành xây dựng lớp (class) ẩm thực (Cuisine) gồm có các thuộc tính như: tên ẩm thực, địa chỉ cung cấp ẩm thực, giá ẩm thực, thông tin ẩm thực, điện thoại liên hệ và trang web.

Đối với nhóm thông tin lễ hội, tác giả tiến hành xây dựng lớp (class) lễ hội (Festival) gồm có các thuộc tính như: tên lễ hội, địa điểm tổ chức lễ hội, thời gian tổ chức lễ hội và thông tin về lễ hội.

4. Kết luận

Việc xây dựng CSDL du lịch là vấn đề nghiên cứu và thực tiễn rất quan trọng  đối với quốc gia, địa phương và từng doanh nghiệp du lịch. Phần lớn các nghiên cứu đã đề cập trên đều đưa ra được hệ thống lý luận về CSDL du lịch dựa vào đặc điểm tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch... Đồng thời, hệ thống hóa các nhóm dữ liệu thuộc tính để xây dựng CSDL du lịch. Trên cơ sở những phân tích, tổng hợp và đánh giá các nhân tố mà du khách quan tâm tại một điểm đến, tác giả đã đưa ra được mô hình cơ sở dữ liệu tuyến điểm du lịch TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang - Đà Lạt được hệ thống hóa thành 9 lớp dữ liệu. Kết quả nghiên cứu đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên Khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nói riêng và sinh viên theo học ngành Du lịch của Việt Nam nói chung.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1]  Nguyễn Trọng Khánh (2016), Tổng quan về khái niệm cơ sở dữ liệu, phân loại cơ sở dữ liệu và thảo luận về cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước. Truy cập tại https://aita.gov.vn/tong-quan-ve-khai-niem-co-so-du-lieu-phan-loai-co-so-du-lieu-va-thao-luan-ve-co-so-du-lieu-trong-co-quan-nha-nuoc-phan-1

[2]  Lê Văn Hòa, Nguyễn Thị Thúy Vân, Xây dựng mô hình CSDL thông tin cho điểm đến du lịch thông minh: Nghiên cứu trường hợp Thành phố Huế, Tạp chí Khoa học - Đại học Huế: Khoa học Xã hội Nhân văn, Tập 128, Số 6D, 2019, tr. 181-194.

[3]  Nguyễn Thị Lan Phương, Đỗ Văn Hải, Hoàng Văn Hùng, Trần Phạm Văn Cương (2020), Xây dựng CSDL tổng hợp phục vụ phát triển du lịch tỉnh Lào Cai bằng công nghệ GIS và viễn thám, Tạp chí Khoa - Công nghệ Đại học Thái Nguyên, tr. 14.

[4]  Võ Thị Hoài Thương & Nguyễn Văn Phượng (2019), Xây dựng CSDL phát huy giá trị ẩm thực xứ Nghệ, Tạp chí Khoa - Công nghệ Nghệ An, số 9, tr. 24.

[5]  https://www.dilinh.net/thanh-pho-da-lat-tinh-lam-dong.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vương, H. N. (2013), Xây dựng CSDL trong GIS phục vụ định hướng phát triển du lịch tỉnh Savannakhet, Lào, Doctoral dissertation, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Thủy, N. T., Hải, Đ. V., Phúc, N. H., & Quang, T. A. (2018), Xây dựng CSDL tổng hợp phục vụ phát triển du lịch huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bằng công nghệ GIS và viễn thám, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Thái Nguyên, 186 (10), 83-89.
  3. Thái Thị Hồng, N., & Lưu Quốc, H. (2016), Xây dựng CSDL GIS du lịch khu vực ven biển tỉnh Quảng Bình.
  4. Du lịch, k. (2019), Xây dựng mô hình CSDL thông tin cho điểm đến du lịch thông minh: Trường hợp Thừa Thiên Huế,Hue University Journal of Science: Social Sciences and Humanities, 128(6D), 181-194.
  5. Hương, Đ. T. X. (2011), Ứng dụng công nghệ Web - GIS trong quản lý CSDL du lịch, Hội thảo ứng dụng GIS toàn quốc, 183-184.
  6. Nông, V. T. (2019), Nghiên cứu xây dựng Chatbot hỗ trợ tư vấn du lịch Quảng Bình, Doctoral dissertation, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng.
  7. Dũng, C. T. (2018), Xây dựng kho dữ liệu liên kết mở về địa điểm du lịch Việt Nam.
  8. Trần, H. P. (2017), Nghiên cứu và xây dựng hệ thống gợi ý địa điểm du lịch, Doctoral dissertation, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng.
  9. Lê, H. L. (2011), Nghiên cứu và ứng dụng webgis để xây dựng bản đồ các bãi biển du lịch của Thành phố Đà Nẵng, Doctoral dissertation, Đại học Đà Nẵng.
  10. Nguyễn, T. T. (2017), Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin du lịch tỉnh Đồng Tháp, Doctoral dissertation, Đại học Tây Đô.
  11. Lợi, P. T. H. (2018), Xây dựng hệ thống thông tin về di tích thành cổ Quảng Trị dựa trên nền GIS và công nghệ 3D,  Hue University Journal of Science: Techniques and Technology,127(2A), 83-94.
  12. Phạm Côn Sơn (2008), Sách Non nước Việt Nam - Sắc màu Nam bộ, NXB Phương Đông.
  13. Bửu Ngôn (2012), Sách Du lịch 3 miền, NXB Thanh Niên.
  14. Vũ Thế Bình (2012), Sách Non nước Việt Nam, NXB Hà Nội. 
  15. Bùi Thị Hải Yên (2006), Giáo trình Tuyến điểm du lịch Việt Nam, NXB Giáo dục.
  16. Nguyễn Công Hoan (2014), Giáo trình Tuyến điểm du lịch, Đại học Hutech.

 The establishment of Ho Chi Minh City - Nha Trang - Da Lat tourist route database

Master. NGUYỄN HOÀNG LONG

Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

Nha Trang - Da Lat is a special tourist route which has both scenic forestry and ocean views and it is one of the most popular routes for many tourists and tourism training institutions to train their students. Both Nha Trang and Da Lat are considered perfect destinations for travellers to enjoy and relax. Nha Trang is known as the Pearl of the Far East and it is ranked among the 29 most beautiful bays in the world. Meanwhile, Da Lat is at an altitude of 1,500 meters above sea level and is surrounded by mountain ranges and forests. Da Lat has a mild and cool mountainous climate all year round. This paper proposes a database model of tourist destinations for the Ho Chi Minh City - Nha Trang - Da Lat route to meet the learning needs of students of the Faculty of Tourism and Vietnam Studies, Nguyen Tat Thanh University.

Keywords: database, top tourist destination, Nha Trang, Da Lat.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]