Xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành trung tâm dịch vụ logistics, trung chuyển hàng hóa của vùng

Theo Quy hoạch, Hưng Yên sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu; phát triển các ngành dịch vụ có thế mạnh và điều kiện phát triển, nhất là du lịch, vận tải, logistics, thương mại, bất động sản,...; hướng tới xây dựng tỉnh trở thành một trung tâm dịch vụ logistics, trung chuyển hàng hoá của vùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ phạm vi phần lãnh thổ tỉnh Hưng Yên với tổng diện tích tự nhiên 930,22 km2, với 10 đơn vị hành chính bao gồm: Thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào và 08 huyện (Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ).

Đến năm 2030, Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch, đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Hưng Yên
Xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành một trung tâm dịch vụ logistics, trung chuyển hàng hoá của vùng.

Mục tiêu cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh phấn đấu khoảng 9,0%/năm giai đoạn 2021 – 2030; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030: 278 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030: Nông nghiệp, thủy sản 3,6%; công nghiệp, xây dựng 64,1%; khu vực dịch vụ 25,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 6,9%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 60 - 65% và đến năm 2050 khoảng 80%. Kinh tế số chiếm 35% GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 8,5 - 9,0%/năm. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2030 đạt 50 - 55%.

Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hằng năm dưới 1,0%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,5% vào cuối năm 2025 và không còn hộ nghèo đến năm 2030.

Về môi trường, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt 100%. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn về môi trường đạt 100%; 100% dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…

Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0". Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Phát triển các ngành dịch vụ có thế mạnh và điều kiện phát triển

Về các nhiệm vụ trọng tâm, Hưng Yên sẽ cải cách, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, toàn diện trên các mặt thể chế, chính sách; thủ tục hành chính…

Bên cạnh đó, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư theo định hướng chiến lược phát triển và quy hoạch của tỉnh; thu hút các dự án đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hưng Yên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp nền tảng; công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải các bon thấp. Tập trung xây dựng, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ, hiện đại; ưu tiên phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; hình thành các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ.

Phát triển các ngành dịch vụ mà Hưng Yên có thế mạnh và điều kiện phát triển, nhất là du lịch, vận tải, logistics, thương mại, khoa học - công nghệ, tài chính, ngân hàng, bất động sản, thông tin, truyền thông, giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi, nghỉ dưỡng,...

Đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng sinh thái, văn hoá, thể thao, vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp. Xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành một trung tâm dịch vụ logistics, trung chuyển hàng hoá của vùng.

Cơ cấu lại, phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, sản xuất chuyên canh, quy mô lớn và giá trị gia tăng cao; phát triển các vùng trồng hoa, cây cảnh, đặc sản, cây trồng, vật nuôi và nông sản mà tỉnh Hưng Yên có thế mạnh.

Hưng Yên sẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị, khu đô thị mới, hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, hạ tầng năng lượng, viễn thông, thủy lợi, phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư, phát triển các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh kết nối với các đường cao tốc, quốc lộ; kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng; kết nối các trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại của vùng.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trên cơ sở kết hợp giữa đào tạo, đào tạo lại và thu hút lao động chất lượng cao từ ngoài tỉnh để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và triển khai các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Phát huy bản sắc văn hóa con người Hưng Yên "thứ Nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến".

Phát triển công nghiệp theo chiều sâu

Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, Hưng Yên sẽ phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Hưng Yên tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên bao gồm: Công nghiệp công nghệ cao gắn với công nghệ số (sản xuất các sản phẩm điện tử, viễn thông, chíp bán dẫn, sản phẩm quang học, chế tạo phần mềm, sản phẩm công nghệ số;...); công nghiệp sản xuất thiết bị điện, năng lượng; công nghiệp sản xuất cơ khí - chế tạo (sản xuất, lắp ráp ô tô, phương tiện vận tải, máy móc, phụ tùng, linh kiện,...); công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao; công nghiệp sản xuất các thiết bị y tế, hóa dược, công nghệ sinh học, dược phẩm; công nghiệp dệt may; công nghiệp vật liệu, nhất là vật liệu mới...

Hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu phát triển bền vững. Phát triển nhanh các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ để thu hút các dự án đầu tư lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển các cụm công nghệ để phục vụ các dự án quy mô nhỏ, vừa và công nghiệp hỗ trợ.

Đưa Hưng Yên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, thân thiện với môi trường, có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa của Phố Hiến - Hưng Yên và của vùng đồng bằng sông Hồng, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, sinh thái, nghỉ dưỡng,… đưa Hưng Yên trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao.

Đối với ngành nông nghiệp, Hưng Yên phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn và tăng cường liên kết theo chuỗi....

Tỉnh Hưng Yên có nhiều tiềm năng phát triển logistics

Với vị trí địa lý đắc địa, giáp ranh Thủ đô Hà Nội, Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trung tâm Đồng bằng sông Hồng. Trong những năm qua, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và ưu thế của tỉnh, hạ tầng logistics trên địa bàn được Đảng bộ, chính quyền địa phương quan tâm phát triển cũng như chú trọng thu hút các bên có liên quan tham gia đầu tư vào hệ thống logistics.

Tỉnh đã từng bước phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ; mở rộng và xây mới như tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và cầu Hưng Hà; mở rộng, nâng cấp quốc lộ 38 và đường tỉnh 386, đường tỉnh 378 và 387; xây dựng hoàn chỉnh cầu La Tiến với đầy đủđường dẫn hai đầu cầu; cải thiện nhiều đường cấp huyện... góp phần đảm bảo kết nối đồng bộgiữa hệthống giao thông quốc gia với giao thông địa phương.

Về cảng thuỷ nội địa, tỉnh đã quy hoạch các cảng Mễ Sở (huyện Văn Giang), Phố Hiến (huyện Kim Động), Hưng Yên (thành phố Hưng Yên), Triều Dương (huyện Tiên Lữ) và cảng La Tiến (huyện Phù Cừ) với sản lượng ước tính 1,9 triệu tấn/năm cùng với đó quy hoạch 21 cụm bến thuỷ nội địa, đa số là các bến hàng hoá kết hợp bến khách ngang sông.

Về hạ tầng logistics, tỉnh đã có 2 cảng cạn được quy hoạch là ICD Yên Mỹ (5 -10ha, công suất khoảng 60 - 125.000TEU/năm), ICD Văn Lâm (diện tích 5ha, công suất khoảng 63.000TEU/năm). Tỉnh Hưng Yên cũng đã đề xuất bổsung, điều chỉnh 7 cảng cạn khác gồm: ICD Lý Thường Kiệt (huyện Khoái Châu và Yên Mỹ có quy mô hơn 80ha), ICD Lạc Hồng (huyện Văn Lâm, quy mô khoảng 30ha), ICD Văn Lâm (thịxã MỹHào và huyện Văn Lâm với quy mô 68ha), ICD Kim Động (huyện  Kim  Động,  quy  mô  khoảng  20ha),  ICD thông quan logistics Hưng Phát (huyện Yên Mỹ, quy mô 50ha); ICD Transimex (huyện Yên Mỹ, quy mô khoảng 10ha), ICD Ân Thi (huyện Ân Thi quy mô 20ha).

Đặc biệt, mạng lưới giao thông đã liên kết các cụm, khu chế biến, khu công nghiệp, trung tâm cảng cạn ICD, các cảng sông và kết nối với đường sắt, cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu quốc gia ởHà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn... Hệ thống giao thông đã gắn kết các phương tiện vận tải, đồng thời liên kết giữa các khu vực, đặc biệt là mối liên hệ với Thành phố Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và cả nước.

Doanh thu từ các ngành logistics trên địa bàn tỉnh cũng khá lớn (chiếm khoảng 17% GRDP năm 2023 và đang có xu hướng tăng lên, theo Niên giám Thống kê tỉnh Hưng Yên). Thu nhập ngành logistics hiện nay phần lớn từ dịch vụ vận tải đường bộ chiếm 85,5%, trong khi dịch vụ kho bãi chỉ có hơn 11% (2023), vận tải đường sông chưa phát huy được ưu thế (chiếm chưa đến 4%).

Tuy nhiên, nhiều tuyến đường trên địa bàn cần cải tạo để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao. Vận tải đường thủy nội địa chưa phát huy tối đa tiềm năng lợi thế sông ngòi. Các kho bãi và trung tâm logistics phục vụ nhu cầu tại tỉnh và vùng lân cận chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn hiện đại. Dịch vụ vận tải và dịch vụ phân phối đang dần được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều vấn đề về giá cả và chất lượng dịch vụ…

Thanh Hà