TÓM TẮT:
Chính sách giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Theo quy luật tất yếu của sự phát triển, chuẩn nghèo được nâng lên để phù hợp tình hình thực tiễn. Hiện nay, phương pháp tiếp cận đo lường nghèo chuyển từ đơn chiều sang đa chiều cho thấy chính sách giảm nghèo không chỉ quan tâm nhu cầu vật chất mà còn chú trọng cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người nghèo. Nhận thức tầm quan trọng của việc chăm lo đời sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân, chính sách giảm nghèo bền vững tại quận 6 đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận một loạt hạn chế và thách thức đòi hỏi đổi mới tư duy và phương pháp xây dựng - thực thi chính sách giảm nghèo. Bài nghiên cứu sẽ tiến hành phân tích quá trình xây dựng và thực thi chính sách giảm nghèo tại quận 6, từ đó ghi nhận những điểm tốt cần được phát huy và đề xuất những giải pháp, bài học rút ra để khắc phục những hạn chế, thách thức góp phần hoàn thiện chính sách giảm nghèo bền vững tại quận 6 trong thời gian tới.
Từ khóa: Chính sách giảm nghèo bền vững, quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh, chuẩn nghèo mới, giảm nghèo đa chiều.
1. Đặt vấn đề
Nghị quyết số 23/2018/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố về Điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo thành phố giai đoạn 2019 - 2020 đã nâng mức tiêu chí thu nhập bình quân của hộ nghèo là từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống và hộ cận nghèo là từ trên 28 triệu đồng/người/năm đến 36 triệu đồng/người/năm, ngoài ra tiêu chí đánh giá còn dựa vào mức độ thiếu hụt của 5 chiều nghèo. Một số hộ thoát nghèo theo chuẩn nghèo cũ có thể tái nghèo theo chuẩn nghèo mới. Tình trạng thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn tồn tại. Trước thực tế trên, Quận ủy - Ủy ban nhân dân (UBND) quận 6 cần điều chỉnh mục tiêu chính sách giảm nghèo theo tình hình mới.
2. Khởi sự chính sách
- Xác định vấn đề
Một số vấn đề cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo tại quận 6 bao gồm: thiếu vốn, chưa được đào tạo nghề, thiếu kỹ năng và hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; nguy cơ tái nghèo khi chuẩn nghèo được nâng lên hoặc khi không còn trợ cấp và hỗ trợ từ nhà nước; năng lực của một bộ phận nhỏ cán bộ thực thi chính sách còn hạn chế, chưa nắm bắt được tình hình thực tế.
Mục tiêu tổng quát đã được đề ra bao gồm: đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo; tạo việc làm, tăng thu nhập bình quân đầu người; tạo điều kiện cho hộ nghèo và hộ cận nghèo được tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế - bảo hiểm xã hội, nhà ở, điều kiện sống, tiếp cận thông tin); cải thiện mức sống, điều kiện sống, đảm bảo giảm nghèo bền vững, góp phần vì một quận 6 có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
- Thu thập thông tin
Dựa theo tiêu chí chuẩn nghèo từ Nghị quyết số 23/2018/NQ-HĐND của HĐND Thành phố, vào đầu năm 2019, quận 6 đã ghi nhận có 231 hộ nghèo và 1820 hộ cận nghèo.
- Thiết lập chương trình nghị sự
Áp dụng “Mô hình khởi xướng bên trong”, Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố khởi xướng. Khi nhận được Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND của UBND Thành phố, Thường trực UBND quận (gồm chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận) tiến hành họp để đề ra các nội dung chung mà quận 6 cần tiến hành thực hiện, sau đó giao cho bộ phận tham mưu soạn thảo văn bản.
Chính sách sử dụng “Mô hình động viên” để vận động sức mạnh toàn dân trong xây dựng, phát triển các nguồn quỹ “Vì người nghèo”, cũng như tạo việc làm cho người nghèo, nâng cao ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu của các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 với mức chuẩn nghèo mới giai đoạn 2019 - 2020 áp dụng “Mô hình gia tăng” vì cải tiến chính sách đã được triển khai qua các giai đoạn trước (1992 - 2003, 2004 - 2008, 2009 - 2015). Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều (thu nhập theo bình quân đầu người của thành viên trong hộ gia đình) sang đa chiều (thu nhập và các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội); hỗ trợ người nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản; rà soát, bổ sung hoàn thiện các nhóm chính sách theo hướng giảm nghèo bền vững, mở rộng chính sách hỗ trợ theo từng chiều thiếu hụt của người nghèo, có chính sách ưu tiên đối với nhóm hộ thuộc diện bảo trợ xã hội. Nguồn ngân sách nhà nước là có hạn, vì vậy chính sách giảm nghèo bền vững còn sử dụng “Mô hình hợp lý” để tối đa hóa lợi ích cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và giảm thiểu chi ngân sách thông qua huy động nguồn lực xã hội.
3. Hoạch định chính sách
Trong giai đoạn này có các bước thực hiện bao gồm: lựa chọn, xây dựng dự thảo và phản biện chính sách. Sau đó tiến hành tổng hợp, hoàn thiện và ban hành chính sách.
Phòng Lao động, thương binh và xã hội quận 6 là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững, chịu trách nhiệm trực tiếp tham mưu Thường trực UBND quận soạn thảo văn bản. Thường trực UBND quận tiến hành họp để bàn bạc, thảo luận các nội dung. Sau khi thống nhất, bộ phận soạn thảo sẽ bắt đầu lấy ý kiến góp ý của thành viên UBND quận, tất cả các ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững quận, khối phường. Tùy theo nhiệm vụ và các nội dung có liên quan của từng ban ngành, đơn vị để nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Đồng thời, có tiếp thu ý kiến của Văn phòng Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững của Thành phố - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố. Sau đó tổng hợp ý kiến đóng góp, trình UBND quận để ra văn bản cuối cùng. Dự thảo hoàn chỉnh trình Ban thường vụ Quận ủy cho ý kiến lần cuối. Sau khi tiếp thu chọn lọc các nội dung phù hợp do Ban thường vụ Quận ủy góp ý thì bổ sung hoàn chỉnh rồi trình lại cho Thường trực UBND quận, Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững quận. Khi thống nhất ý kiến thì chính thức tiến hành ban hành chính sách.
UBND quận 6, Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững quận và phường căn cứ vào các chủ trương chính sách giảm nghèo bền vững của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và tình hình thực tế tại địa phương đã đề xuất nhiều chính sách tập trung vào 5 mảng chính:
- Hỗ trợ vốn vay ưu đãi và tín dụng nhỏ;
- Đào tạo nghề và giải quyết việc làm;
- Hỗ trợ tiếp cận gần hơn với dịch vụ xã hội cơ bản;
- Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả;
- Tuyên truyền, phổ biến chính sách giảm nghèo bền vững giúp nâng cao ý thức trách nhiệm thoát nghèo của hộ nghèo, hộ cận nghèo và huy động nguồn lực xã hội trong thực hiện chính sách.
Thực tế, công tác phản biện chính sách chưa có sự tham gia sâu rộng của nhóm đối tượng liên quan đến chính sách giảm nghèo như doanh nghiệp, mạnh thường quân, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
4. Thực thi chính sách
Phương pháp tiếp cận thực thi chính sách sử dụng hướng tiếp cận “Từ trên xuống dưới” thông qua chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố, Quận ủy và UBND quận 6. Ngoài ra, còn kết hợp hướng tiếp cận “từ dưới lên trên” tập trung vào các các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững của quận và cách thức các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo tương tác với hộ nghèo, hộ cận nghèo để góp phần xây dựng và thực thi chính sách phù hợp thực tế tại địa phương.
Nhờ kinh nghiệm đạt được từ những chương trình giảm nghèo ở các giai đoạn trước, hiện nay các cơ quan thực thi tại quận 6 đã tiến hành phân công trách nhiệm và phối hợp thực hiện chính sách một cách rõ ràng, ổn định, đồng bộ và hiệu quả hơn trước. Cơ quan thực thi chính sách giảm nghèo tại quận bao gồm: các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND quận, trung tâm dạy nghề quận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quận, UBND 14 phường.
Mô hình và công cụ thực thi chính sách bao gồm:
- Cung cấp khoản vay, trợ cấp sản xuất và trợ cấp xã hội đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo;
- Cung cấp dịch vụ công: thông tin việc làm, tư vấn chính sách phát luật, trợ giúp pháp lý, y tế, giáo dục, dạy nghề;
- Tuyên truyền, phổ biến, thông tin, vận động của cơ quan thực thi.
Tuy nhiên, thực tế ghi nhận trong quá trình thực thi còn gặp nhiều trở ngại:
- Do quy luật phát triển, chuẩn nghèo được nâng lên nên có một số hộ tái nghèo;
- Quá trình đô thị hóa làm gia tăng mật độ dân số, tăng áp lực lên dịch vụ công khiến hộ nghèo, hộ cận nghèo hạn chế tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản;
- Năng lực và kinh nghiệm của một bộ phận nhỏ cán bộ thực thi còn hạn chế;
- Tâm lý không muốn thoát nghèo, trông chờ và ỷ lại của một bộ phận nhỏ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ.
5. Đánh giá chính sách
Chính sách được đánh giá cơ bản thành công. Kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2019, quận 6 đã thực hiện kéo giảm 178 hộ nghèo, đạt tỷ lệ 152,14% so với chỉ tiêu, còn lại 53 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,08%/tổng hộ dân); kéo giảm 971 hộ cận nghèo, đạt 129,47% so với chỉ tiêu, còn lại 849 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 1,31%/tổng hộ dân); thành công trên mục tiêu kéo giảm 5 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Quận 6 đã vượt chỉ tiêu được giao vào năm 2019, tuy nhiên, số hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn và tình trạng tái nghèo có thể xảy ra.
Quá trình đánh giá áp dụng “Mô hình đánh giá kỹ thuật” có bộ tiêu chí đánh giá mới theo chuẩn nghèo mới, có phân tích mục tiêu, công cụ thực thi chính sách phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Chính sách tập trung giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, chứ không chỉ trong thời hạn chương trình.
Ngoài ra, đánh giá còn áp dụng “Mô hình học hỏi”, thông qua quá trình đánh giá để xác định những hạn chế của chính sách, căn cơ của những vấn đề, từ đó giúp chính sách trở nên hiệu quả và thiết thực hơn. HĐND và các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND quận có thẩm quyền tiến hành giám sát độc lập và đánh giá kết quả. Quá trình đánh giá chính sách chưa tiếp nhận một cách sâu rộng ý kiến đóng góp, phản hồi từ các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
6. Đề xuất các nhóm giải pháp
Mặc dù chính sách đã gặt hái nhiều thành công nhưng nguy cơ tái nghèo vẫn có thể xảy ra, do đó, một số giải pháp được đề ra góp phần duy trì và tăng cường hiệu quả của chính sách.
Thứ nhất, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ chuyên trách giảm nghèo. Những cán bộ đã có năng lực, kinh nghiệm tốt và thành công trong thực thi chính sách giảm nghèo nên được bố trí trực tiếp thực thi hoặc tham mưu cho cán bộ khác thực hiện tại những nơi có số hộ nghèo và hộ cận nghèo cao, nơi có tình trạng tái nghèo diễn ra thường xuyên, khó thoát nghèo. Cán bộ cần sâu sát thực tế, nắm rõ tình hình, nhu cầu của các đối tượng liên quan đến chính sách. Hạn chế luân chuyển cán bộ thường xuyên. Kịp thời khen thưởng để tạo động lực cho những đội ngũ cán bộ hoàn thành tốt công tác giảm nghèo.
Thứ hai, phân bổ hiệu quả nguồn vốn vay trong giới hạn ngân sách địa phương. Phát huy hiệu quả của Ngân hàng chính sách xã hội thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi để hỗ trợ kịp thời cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, tránh tác động tiêu cực của tín dụng đen với lãi suất cao. Theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hạn mức vay vốn cho người lao động đã được nâng lên 100 triệu đồng và thời hạn vay tối đa được nâng lên 120 tháng.
Thứ ba, tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả trong việc kéo giảm các chiều dịch vụ xã hội bị thiếu hụt. Tập trung vào việc đào tạo nghề, kỹ năng đối với người lớn; giáo dục phổ thông kết hợp hướng nghiệp, đào tạo nghề đối với trẻ em vị thành niên. Chú ý đến các sinh kế bền vững, phù hợp thực tế địa phương, có thị trường đầu ra. Tăng cường tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thứ tư, xây dựng biện pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả hơn nữa. Tăng cường xã hội hóa chính sách giảm nghèo, vận động sức mạnh của toàn dân trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát huy truyền thống tốt đẹp: “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Kêu gọi sự chung tay góp sức của doanh nghiệp, mạnh thường quân trong hỗ trợ vốn và việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giúp các hộ sớm vượt nghèo. Biểu dương, nêu gương sáng và mô hình thoát nghèo hiệu quả của các hộ thoát nghèo đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo để truyền cảm hứng vượt qua khó khăn, nêu cao ý chí vươn lên và cung cấp kinh nghiệm thoát nghèo, biến ý chí và niềm tin thành hành động. Tăng gia sản xuất cần gắn liền với tiết kiệm. Tìm hiểu và phân tích nguyên nhân hộ nghèo, hộ cận nghèo không vươn lên thoát nghèo hoặc tái nghèo để có hướng giải quyết phù hợp. Quan điểm xuyên suốt của công tác giảm nghèo là: hỗ trợ “cần câu” (phương tiện sinh kế) thay cho “con cá”; không tạo sự ỷ lại, không muốn thoát nghèo, trông chờ, lợi dụng các chính sách hỗ trợ.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động giảm nghèo, đảm bảo công khai, dân chủ, không chạy theo thành tích mà phải đánh giá đúng thực tế, khuyến khích sự tham gia của người dân trong công tác giám sát thực thi chính sách tại địa phương.
7. Bài học rút ra trong xây dựng và thực thi chính sách
Đặt người dân vào trung tâm của việc xây dựng và thực thi chính sách, vì suy cho cùng, chính sách được xây dựng và thực thi là giúp cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Đảm bảo tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và áp dụng tư duy khoa học, tư duy hệ thống khi xây dựng và thực thi chính sách nhằm góp phần nâng cao tính rõ ràng, ổn định, đồng bộ và thực tế của chính sách.
Tiến hành kết hợp nhiều mô hình chính sách phù hợp thực tiễn, trong đó “Mô hình gia tăng” chiếm chủ đạo vì phù hợp tình hình nước ta là quốc gia đang phát triển.
- Khởi sự chính sách
Xác định vấn đề nên cần có sự tham gia của tất cả đối tượng có liên quan đến chính sách, như: cơ quan hành chính, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tiến hành thu thập thông tin dựa trên một bộ tiêu chí thu thập số liệu hợp lý, số liệu thu thập phải đảm bảo tính khách quan, khoa học.
Nên áp dụng chương trình nghị sự có hệ thống, nghĩa là có sự tham gia của công chúng, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo để biết được các hộ đang gặp khó khăn gì, đang cần sự giúp đỡ gì, để từ đó xem xét, có những điều chỉnh phù hợp thực tế, đảm bảo chính sách thực hiện “đúng người, đúng việc, đúng thời điểm”.
- Hoạch định chính sách
Chính sách cần phù hợp với đường lối lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chính sách cần có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, khả thi, phù hợp thực tế và trong một thời gian hạn định. Cần có sự tham gia ý kiến của các đối tượng liên quan, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tránh tình trạng cục bộ ý tưởng trong hoạch định chính sách. Xây dựng đội ngũ tham gia hoạch định chính sách có tài năng và đạo đức, đặc biệt là các nhà khoa học, chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức tốt nên được khuyến khích tham gia. Đội ngũ này cần độc lập với đội ngũ thực thi chính sách để đảm bảo tính khách quan trong hoạch định chính sách.
Dự thảo chính sách cần quy trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan thực thi. Cần có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị giúp tăng cường tính toàn diện chính sách, phát huy tư duy hệ thống, tránh tình trạng chồng chéo. Cần xem trọng khâu phản biện chính sách bằng cách đảm bảo tính công khai, minh bạch và có sự tham gia của tất cả các đối tượng mà chính sách có tác động đến. Tăng cường tính dự báo chính sách dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn, định lượng vấn đề phát sinh tránh mang tính cảm tính, xác định gốc của vấn đề chứ không chỉ là hiện tượng.
- Thực thi chính sách
Thực thi tốt chính sách giúp góp phần to lớn đem đến thành công cho một chính sách. Cần tuyên truyền, vận động để có sự tham gia tích cực của nhân dân vào việc thực thi chính sách. Các cơ quan thực thi cần có sự phân công công việc với trách nhiệm rõ ràng, đảm bảo phối hợp đồng bộ trong hoạt động thực thi. Cơ quan thực thi cần sử dụng và phối hợp hiệu quả các mô hình và công cụ thực thi. Đảm bảo quá trình thực thi không đi chệch hướng những gì chính sách đã được hoạch định. Điều này cần một cơ quan giám sát độc lập để tiến hành giám sát sát sao việc thực thi chính sách. Cần khuyến khích tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” biến thành hành động giám sát quá trình thực thi một cách thiết thực và sát sao nhất. Tìm hiểu và đánh giá nguyên nhân người dân không hưởng ứng, tham gia để đưa ra được những giải pháp phù hợp.
- Đánh giá chính sách
Đánh giá chính sách là một khâu quan trọng vì là kim chỉ nam của chính sách. Giai đoạn này quyết định duy trì hay kết thúc một chính sách nên đòi hỏi đánh giá phải đảm bảo tính khoa học, khách quan. Thể chế hóa khâu đánh giá thành yêu cầu bắt buộc, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hợp lý, khả thi và phù hợp thực tế, dành nguồn kinh phí riêng và thỏa đáng cho khâu đánh giá.
Cần có đánh giá nội bộ và độc lập. Cơ quan đánh giá độc lập giúp đảm bảo đánh giá khách quan. Quan tâm đến ý kiến, nguyện vọng của người dân trong công tác đánh giá chính sách.
8. Kết luận
Chính sách ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa là chăm lo đời sống cho cộng đồng yếu thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ”. Việc xóa đói giảm nghèo không chỉ nâng cao đời sống vật chất, mà còn cần làm phong phú, đa dạng đời sống tinh thần, phải làm cho người dân có chất lượng sống tốt và cuộc sống hạnh phúc.
Thành phố đã nâng mức chuẩn nghèo, chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều và đã gặt hái nhiều thành công trong thực hiện chính sách giảm nghèo trong nhiều năm qua. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, Thành phố nói chung và quận 6 nói riêng vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức như: nguy cơ tái nghèo và chuẩn nghèo mới trong tương lai sẽ được tiếp tục nâng lên. Những điều trên vừa là động lực, vừa là thách thức đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của quận 6. Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, việc xây dựng và thực thi chính sách cần đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch gắn với tư duy khoa học, tư duy hệ thống và trách nhiệm giải trình. Lấy người dân làm trung tâm xây dựng và thực thi chính sách như Bác Hồ đã từng căn dặn “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tất cả cùng hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững năm 2030: “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi” và tăng trưởng bao trùm toàn diện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000.
- Nghị quyết số 23/2018/NQ-HĐND của HĐND Thành phố ngày 7/12/2018 về Điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo Thành phố giai đoạn 2019 - 2020.
- Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND của UBND Thành phố ngày 15/3/2019 về Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.
- Hồ Thụy Đình Khanh, PGS. TS. Đặng Thị Phương Hoa (2018): Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững từ thực tiễn quận 6, thành phố Hồ Chí Minh - luận văn thạc sĩ ngành chính sách công thuộc Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
5. Quận 6: Phấn đấu trong năm 2020, hoàn thành chỉ tiêu quận không còn hộ nghèo. (HYPERLINK "https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/quan-6-phan-dau-trong-nam-2020-hoan-thanh-chi-tieu-quan-khong-con-ho-ngheo-1491861025"
FORMULATION AND IMPLEMENTATION OF SUSTAINABLE POVERTY
REDUCTION POLICIES: THE CASE STUDY
OF DISTRICT 6, HO CHI MINH CITY
LY KHOA DANG
Master’s student, Public Management Program
International School, Vietnam National University – Ho Chi Minh City
Assoc.Prof. PhD. MAI NGOC KHUONG
International University, Vietnam National University – Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
Sustainable poverty reduction policy is a major policy of the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam. According to the inevitable rule of development, the poverty criteria has been raised to suit the current situation. At present, the poverty measurement approach has changed from unidimensional to multidimensional approach, showing that poverty reduction policies do not only care about material needs but also focus on improving and promoting the spiritual and cultural life of the poor. Recognizing the importance of caring for the well-being and happiness of the people, the sustainable poverty reduction policy of District 6, Ho Chi Minh City has reached and exceeded many assigned targets. However, the reality recognizes a series of limitations and challenges that require innovation in thinking and methods of formulating - implementing poverty reduction policies. This study conducts an analysis of the process of formulating and implementing poverty reduction policies in District 6, thereby recording the good points that need to be promoted, and suggesting solutions and lessons to overcome the limitations, constraints, and challenges to improve the sustainable poverty reduction policy in District 6 in the future.
Keywords: Sustainable poverty reduction policy, District 6, Ho Chi Minh city, new poverty criteria, multi-dimensional poverty reduction.