Xuất phát từ đặc điểm tình hình của địa phương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đăk Nông lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2011 - 2015) đã khẳng định: Phát triển bền vững về kinh tế, nhưng vẫn bảo đảm kết hợp hài hoà giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và bảo đảm công bằng, an sinh xã hội, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm môi trường trong lành, cảnh quan có giá trị và tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ sau. 

1. Về kinh tế
- Tăng trưởng GDP thời kỳ 2011 - 2015 đạt mức bình quân 16%/năm (trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 25%, nông nghiệp tăng 5,0%, dịch vụ tăng 17,66%); thời kỳ 2016 - 2020 đạt mức bình quân 15,6%/năm (trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 20%, nông nghiệp tăng 4,5%, dịch vụ tăng 15,68%).
- Cơ cấu kinh tế chuyển đổi mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế của tỉnh là công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP tăng từ 17,8% năm 2005 lên 48,6% năm 2010, lên 60,3% năm 2015 và lên 66,3% vào năm 2020. Tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt 22,8% năm 2015 và 23,8% năm 2020. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GDP đến năm 2015 là 16,9% và đến năm 2020 giảm xuống còn khoảng 9,9%. 

- GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 30,4 triệu đồng, năm 2020 đạt 66 triệu đồng. Rút ngắn khoảng cách so với cả nước về GDP/người từ 58% so với cả nước vào năm 2005 lên 90% vào năm 2010 và 163% vào năm 2020. 

2. Về xã hội
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,1 - 1,2% vào năm 2020. Tỷ lệ dân số thành thị chiếm 28% năm 2015 và 36% năm 2020. 

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15 - 16% vào năm 2015 và bằng mức bình quân cả nước vào năm 2020. Đưa tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ngang mức bình quân chung của tỉnh. 

- Đến năm 2020: giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 10%; 100% dân số được sử dụng nước sạch; có 8 bác sĩ/một vạn dân. 

- Năm 2020 : có 75% dân số trong độ tuổi phổ cập trung học phổ thông và 80% số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. 

- Đến năm 2020: có 100% gia đình, 80% thôn, buôn, 100% cơ quan, đơn vị và 60% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn hoá. 

- Hoàn chỉnh hệ thống phòng thủ, tiếp tục xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa. 

Các giải pháp phát triển:
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thời gian tới, Đăk Nông tập trung triển khai thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp cơ bản sau đây: 

Nhóm giải pháp về nâng cao nhận thức: Trang bị kiến thức, xây dựng ý thức trách nhiệm cho cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp và quần chúng nhân dân các dân tộc thiểu số về phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới cho nên cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân các dân tộc thiểu số về lý thuyết, quan điểm, phương hướng và những giải pháp phát triển bền vững với các nội hàm tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, chăm lo các vấn đề xã hội, văn hoá, như là một sự lựa chọn phát triển hợp quy luật khách quan và xu thế phát triển của xã hội hiện đại. 

Nhóm giải pháp về thể chế, xây dựng chính sách: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển. Thể chế hoá chiến lược phát triển bền vững bằng việc lồng ghép các thành tố phát triển như tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, bảo vệ tài nguyên, giữ gìn giá trị truyền thống, văn hoá, con người, công nghệ... vào các chính sách, kế hoạch cụ thể, phân công, phân cấp cho các cấp, các ngành thực hiện, huy động tối đa sự tham gia của người dân, tập trung chăm lo đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, thông qua các hoạt động sưu tầm, bảo tồn văn hoá truyền thống, tổ chức nhiều loại hình văn hoá, thể thao lành mạnh, nhằm định hướng lối sống, nếp sống văn hoá cho các tầng lớp nhân dân. Lồng ghép các cuộc vận động văn hoá với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn dân cư làm cho các giá trị văn hoá, giá trị truyền thống thấm sâu vào đời sống nhân dân, trở thành động lực cho sự phát triển, tạo tác dụng lan toả một cách toàn diện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hướng đến phát triển bền vững. 

Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực: Chú trọng nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số. Đây là nhân tố quan trọng, quyết định thành công của chiến lược phát triển bền vững. Để cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục, đào tạo với vị trí quan trọng là "quyết sách hàng đầu" phải được chú trọng và đầu tư xứng đáng. Cùng với nâng cao trình độ dân trí, cần tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, đi đôi với việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng để khai thác, gìn giữ và trao truyền lại các sinh hoạt văn hoá truyền thống, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể cho thế hệ trẻ. 

Nhóm giải pháp về bố trí các nguồn vốn: Phát triển bền vững là mục tiêu đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và đầu tư nguồn lực lớn. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cần huy động ngân sách địa phương và kêu gọi sự hưởng ứng, đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và nhiều thành phần trong xã hội tham gia, nhất là sự tham gia tích cực của những người dân địa phương, các nghệ nhân và người có uy tín trong cộng đồng.

  • Tags: