
Không còn bỡ ngỡ
Theo ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng mang tính thời đại. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện công cuộc đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm cả các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,.. và đây là nền tảng để Việt Nam mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Anh Tuấn, việc mở rộng xuất khẩu là một cơ hội lớn nhưng cũng đầy thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam. Mặc dù thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, song cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế không nhỏ chờ đón doanh nghiệp. Một trong những thách thức đó là việc các nước tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, tính đến hết năm 2024, đã có 273 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra tại 25 thị trường đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong đó có các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như thuỷ sản, sắt thép, nhôm, gỗ, sợi…
Riêng trong năm 2024, Việt Nam phải đối mặt với 29 vụ kiện về phòng vệ thương mại, cao gấp 2 lần so với năm 2023, cũng là năm các nước khởi xướng điều tra nhiều vụ việc mới nhất với ta, đứng thứ 2 trong lịch sử, chỉ sau năm 2020 (với 39 vụ).
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã và đang triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ, từ việc nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thiểu thủ tục hành chính, đến việc tăng cường tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Thật vậy, tuy số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng lên nhưng nhờ có sự chủ động của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, nhiều vụ việc đã đạt được kết quả tương đối tích cực như doanh nghiệp không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, từ đó tiếp tục giữ được thị trường xuất khẩu.
"Sau rất nhiều những "va chạm" với các vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đã "trưởng thành" hơn rất nhiều, cụ thể, trong ngành thủy sản, có thể thấy rằng 5-6 năm gần đây khi tham gia các vụ kiện, chúng ta đã chứng minh được rằng chúng ta không bán phá giá và biên độ phá giá gần như bằng 0. Thành công của công tác phòng vệ thương mại phản ánh rõ sự chủ động và sáng tạo của các doanh nghiệp trong nước. Đến nay chúng ta không còn bỡ ngỡ với các vụ việc phòng vệ thương mại nữa, mà thay vào đó là chủ động xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại." - ông Trịnh Anh Tuấn nhấn mạnh.

Thành công của các ngành hàng
Đối với ngành thép, ông Đinh Quốc Thái - Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sau một thời gian đối mặt với nhiều vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đã từng bước chuyên nghiệp hóa, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra các nước cùng với sự chuẩn bị kỹ càng trong nội tại doanh nghiệp, nhiều vụ việc đã có được kết quả đáng ghi nhận, như việc EC không áp biện pháp phòng vệ thương mại lên ống thép Việt Nam (nguyên đơn rút đơn); năm 2017, Australia kết luận không tồn tại hành vi bán phá giá của Việt Nam đối với mặt hàng thép dây dạng cuộn; năm 2019, Indonesia dừng quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn lạnh sau 2 năm điều tra; năm 2020, Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép chính xác; năm 2023, Mexico kết luận Việt Nam không tồn tại thị trường đặc biệt và mức thuế áp cho doanh nghiệp Việt Nam (6,4-10,84%) thấp hơn so với Trung Quốc (24-77%).
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng cho biết, thủy sản là ngành va chạm với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài từ sớm với các vụ việc điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với cá tra-ba sa và tôm từ năm 2002.
Đến nay, mặc dù các mặt hàng này vẫn tiếp tục bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thuế suất 0% và duy trì được lượng xuất khẩu ổn định sang thị trường Hoa Kỳ. Đạt được kết quả này là nhờ có sự kiên trì và chủ động của các doanh nghiệp, sự tích cực của Hiệp hội và sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước.
Mới đây nhất, cuối tháng 11/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là một trong những vụ việc có diễn biến phức tạp nhất trong các vụ việc điều tra CTC đối với Việt Nam do số lượng các chương trình điều tra rất lớn, khoảng 50 chương trình và Nguyên đơn liên tục đề nghị điều tra thêm các chương trình cáo buộc mới trong quá trình điều tra.
Trước đó, năm 2013, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra CTC với tôm Việt Nam, tuy nhiên đã chấm dứt mà không áp thuế do không có thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ. Nguyên đơn đại diện cho ngành sản xuất Hoa Kỳ cũng là bên có tiếng nói khá mạnh mẽ, sẵn sàng thu thập thêm bằng chứng, thông tin gây bất lợi đối với Việt Nam.
Trước những khó khăn nêu trên, Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) với vai trò là cơ quan chủ trì xử lý vụ việc, đã phối hợp khẩn trường, chặt chẽ với các Bộ/ngành trung ương, UBND tỉnh, các Sở/ban/ngành địa phương, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp có liên quan để trao đổi, thống nhất và triển khai các phương án xử lý vụ việc một cách hiệu quả nhất.
Cuối tháng 10 vừa qua, Hoa Kỳ đã ban hành Kết luận cuối cùng của vụ việc. Theo đó, mức thuế chống trợ cấp dành cho bị đơn bắt buộc và các công ty xuất khẩu tôm khác của Việt Nam là 2,84%. Chỉ có 01 doanh nghiệp không hợp tác đầy đủ, phải chịu mức thuế khá cao là 221,82% (do doanh nghiệp quyết định rút, không tham gia vụ việc).
Trong số các nước cùng bị điều tra (gồm Ecuador, Ấn Độ và Indonesia), mức thuế chống trợ cấp của Việt Nam thấp hơn đáng kể mức thuế dành cho Ấn Độ (5,77-5,87%) và Ecuador (3,57-4,41%). Đây là kết quả đáng khích lệ đối với ngành sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giữ vững thị trường Hoa Kỳ và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo ông Cao Xuân Thanh - Chánh Văn phòng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong những năm gần đây ngành gỗ đã phải xử lý một số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ việc này cho thấy sự chủ động của các doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp cần đánh giá nguy cơ, rủi ro từ sớm để có chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp. Trong quá trình xử lý vụ việc, các doanh nghiệp cần hợp tác, cung cấp dữ liệu đầy đủ, chính xác, thống nhất cho cơ quan điều tra. Các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực tối đa trong quá trình cung cấp thông tin do khối lượng thông tin, dữ liệu mà cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp là rất lớn trong khi có sự hạn chế về mặt thời gian. Mặc dù vậy, những nỗ lực này có thể đem lại những thành quả xứng đáng. Đó không chỉ là việc các doanh nghiệp duy trì được thị trường xuất khẩu mà còn có cơ hội tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng theo hướng bền vững và gia tăng tỷ lệ sử dụng các nguyên vật liệu trong nước.
Cục Phòng vệ thương mại cũng khẳng định luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ để bảo vệ lợi ích hợp pháp trước các vụ kiện mà còn để thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp nhằm gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, Cục cũng không ngừng cải thiện hệ thống pháp lý về phòng vệ thương mại, đảm bảo các quy định luôn phù hợp với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường. Sự minh bạch và hiệu quả trong công tác phòng vệ thương mại sẽ giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, nơi doanh nghiệp có thể phát huy tối đa tiềm năng và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.