Một số kinh nghiệm giải quyết điều tra phòng vệ thương mại của quốc tế

Xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại gia tăng gần đây khiến các doanh nghiệp cần tìm kiếm nhiều hơn kinh nghiệm để giải quyết vấn đề này.
phòng vệ thương mại
Các doanh nghiệp cần có kinh nghiệm để giải quyết các vụ điều tra phòng vệ thương mại của quốc tế

Thời gian gần đây, các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng áp dụng nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại khi chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng tại một số nước. Số lượng các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại trên thế giới và ở Việt Nam gia tăng nhanh gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trao đổi kinh nghiệm từ phía Nhật Bản trong việc đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), ông Tadayoshi Hiraki, Vụ Công nghiệp chế tạo, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đưa ra ví dụ, khi các quốc gia Bắc Âu thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm sắt thép của Nhật Bản, phía Nhật Bản đã tiến hành gửi các bản khuyến cáo chính thức lên Chính phủ các quốc gia trong khu vực này.

Trong bản khuyến cáo của Nhật Bản có yêu cầu các quốc gia đánh giá lại biện pháp phòng vệ thương mại, dựa trên những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong đó, Nhật Bản cho rằng các quốc gia khi đưa ra các biện pháp tự vệ đã chưa nhìn thấy những nguy cơ rõ ràng, bởi việc đánh giá năng lực cung cầu tại quốc gia đó, thời điểm đó chưa thực sự chính xác trong dài hạn.

Cũng theo ông Tadayoshi Hiraki, song song với việc gửi khuyến cáo, Nhật Bản cũng tổ chức Diễn đàn với các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhật Bản đề xuất với những quốc gia có phát sinh vụ việc phòng vệ thương mại các biện pháp giảm nguồn cung phát sinh, với mong muốn quốc gia đó từ bỏ các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước để giải quyết vấn đề cung đang vượt cầu.

Đối với vấn đề xử lý các vụ kiện chống bán phá giá, ông Shohei Nishimura, Vụ Chính sách thương mại của METI cho biết, Nhật Bản đánh giá cao vai trò giải quyết tranh chấp về phòng vệ thương mại, đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá trên tinh thần quy định của WTO.

Theo đó, các nước có sản phẩm bị kiện chống bán phá giá như Nhật Bản trước tiên cần tuân thủ quyết định khởi kiện và tuyệt đối không lẩn tránh. Các bên cần có cuộc tham vấn song phương, sau đó nếu không thành công sẽ tiến hành thành lập Ban Hội thẩm bao gồm thành viên thuộc cơ quan phòng vệ thương mại thuộc các quốc gia thành viên WTO. Nếu việc hóa giải không thành công, biên bản sẽ được gửi tiếp lên Ban Phúc thẩm của WTO.

Từ năm 1995 đến năm 2021, Indonesia đối mặt với 404 vụ việc phòng vệ thương mại từ 34 nước. Để giải quyết với các nước phát triển có năng lực sâu hơn về phòng vệ thương mại, Indonesia đã tạo dựng sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và các doanh nghiệp liên quan trong quá trình điều tra để đảm bảo các cơ quan khởi xướng điều tra tính toán mức thuế phòng vệ thương mại theo đúng quy định của WTO.

Ngoài ra, để khắc phục khó khăn về ngôn ngữ địa phương sử dụng trong quá trình điều tra phòng vệ thương mại, nước này tạo sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoại giao, tùy viên thương mại của Indonesia tại nước khởi xướng điều tra, đảm bảo quản lý thời gian hiệu quả và chuyển ngữ tất cả các tài liệu một cách chính xác, hai yếu tố vô cùng quan trọng trong khâu chuẩn bị xử lý điều tra phòng vệ thương mại.

Với các Bộ, ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp trong nước, Indonesia cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại tại các nước để theo dõi, bám sát thị trường, cung cấp tài liệu liên quan và có phản ứng nhanh chóng.

Về phía Việt Nam, có thể thấy, để chủ động ứng phó, giảm thiểu các thiệt hại khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, bên cạnh vai trò của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, vai trò của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ cung cấp thông tin, cảnh báo sớm, cảnh báo từ xa các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, hỗ trợ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu.

tọa đàm

 

Tại Tọa đàm “Phòng vệ thương mại: Góc nhìn từ các vụ việc điều tra với ngành hàng tấm pin năng lượng mặt trời” diễn ra ngày 27/12, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Nguyễn Yến Ngọc cập nhật số liệu mới nhất về tình hình điều tra phòng vệ thương mại đối với ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, hiện có 25 thị trường tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam với tổng số 273 vụ việc. Tính riêng trong năm 2024 có 29 vụ việc, đây là con số cao thứ 2 trong lịch sử và chỉ thấp hơn năm 2020 là 39 vụ việc.

Bảo An