Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức được thực thi, ngành cá ngừ Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu sang EU. Cùng với việc EU từng bước kiểm soát được dịch Covid-19, EVFTA có hiệu lực đã tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.
Sau hơn hai năm Ủy ban Châu Âu quyết định rút "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này liên tục sụt giảm. Việc không còn được hưởng ưu đãi thuế quan theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU đã khiến cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam giảm khả năng cạnh tranh tại khối thị trường này, thị phần giảm.
Tỷ trọng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU đã giảm từ 24% trong năm 2018 xuống còn 19% trong năm 2019. Khi EVFTA có hiệu lực, ngành cá ngừ Việt Nam đang kỳ vọng sẽ có sự phục hồi về hoạt động xuất khẩu tại thị trường này.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kể từ khi EVFTA chính thức thực thi vào đầu tháng 8/2020 đã có nhiều dấu hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Tính riêng nửa đầu tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đã tăng 11% so với cùng kỳ tháng 7, và tăng 65% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 6,3 triệu USD.
Số lượng đơn hàng trong giai đoạn này chủ yếu tập trung ở những mặt hàng thịt cá ngừ đông lạnh mã HS030487, thịt cá ngừ hấp đông lạnh các loại mã HS16041490, cá ngừ ngâm dầu/sốt đóng hộp mã HS16041419… các sản phẩm đang được miễn thuế hoàn toàn/miễn thuế theo hạn ngạch ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Với sự tăng trưởng vượt bậc tại các thị trường trong hai tháng gần đây, có thể thấy việc được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA đang tạo ra sức hút cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong tháng đầu tiên thực hiện Hiệp định đã có một số trục trặc về thủ tục xuất khẩu. Theo thông tin từ DN một số lô hàng cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước EU đã bị Hải quan của nước sở tại thông báo một số C/O mẫu EUR.1 của Việt Nam có màu xanh lam thay vì màu xanh lá cây nên không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của Hiệp định EVFTA, khiến các C/O này không được Hải quan tại đây chấp nhận.
Điều này đã khiến cho các lô hàng xuất khẩu không làm được thủ tục, ảnh hưởng đến việc hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu vào một số thị trường EU và tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Ngay sau khi nhận được ý kiến của các DNxuất khẩu, Bộ Công Thương đã ngay lập tức trao đổi với đầu mối phía EU về vấn đề trên. Ngày 31/8/2020, phía EU đã có ý kiến phản hồi, theo đó, EU chấp nhận các C/O với màu nền hiện tại như mẫu mà Việt Nam đã thông báo tới EU.
Đồng thời, cơ quan đại diện phía EU đã gửi thông báo tới cơ quan hải quan các nước thành viên để đảm bảo các C/O theo mẫu hiện tại mà tổ chức cấp C/O của Việt Nam cấp cho doanh nghiệp sẽ không bị từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan. Như vậy, thời gian tới các doanh nghiệp có thể yên tâm trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang EU. Và dự kiến, xuất khẩu cá ngừ sang EU sẽ tiếp tục khả quan hơn trong những tháng tới.
Hiệp định EVFTA được ký kết dự báo mang đến nhiều cơ hội cho ngành cá ngừ Việt Nam trong việc mở rộng và tiếp cận các thị trường. Bởi Hiệp định này giúp mặt hàng cá ngừ của Việt Nam có lợi thế về thuế hơn so với các nước: Thái Lan, Trung Quốc, đây là đối thủ lớn của Việt Nam đang nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn tại EU nhưng chưa ký kết FTA với EU.
Hiện Đức, Ý và Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối EU. Trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang cả 3 thị trường này đều tăng trưởng ấn tượng ở mức ba con số lần lượt là 119%, 200% và 210%. Trong đó, Đức đang là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong khối EU, chiếm tới 69% tổng nhập khẩu. Trong khi đó, Ý lại tăng nhập khẩu cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô (trừ thịt cá ngừ đông lạnh mã HS0304). Còn Hà Lan tăng nhập khẩu các sản phẩm thịt cá ngừ đông lạnh (mã HS0304) từ Việt Nam, đưa giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này tăng tới 659% so với cùng kỳ năm trước…