Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 7/2020, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn giảm gần 17% so với cùng kỳ năm 2019, đạt gần 357 triệu USD.
Trong suốt 7 tháng qua, đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong năm nay dường như hi vọng hơn khi chứng kiến sự đảo chiều tăng trưởng đột biến trong xuất khẩu sang các thị trường như EU, Israel và Canada.
Sau một thời gian dài sụt giảm nhập khẩu liên tục, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đã tăng gần 65% trong tháng 7/2020. Sự tăng trưởng này đã giúp tăng tỷ trọng của thị trường EU trong tổng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2020 lên hơn 20%. Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang 3 thị trường chính trong khối EU là Đức, Italy và Hà Lan đã có sự tăng trưởng cao ở mức ba con số trong tháng 7, lần lượt là 119%, 200% và 210%.
Sự tăng trưởng này là do tác động của việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã khiến cho các nhà nhập khẩu EU tăng cường nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, thông thường, các lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU thường mất ít nhất khoảng 3 tuần. Chính vì vậy, mà trong tháng 7 các lô hàng cá ngừ của Việt Nam đang được xuất cảng sớm để có thể sang tới nước xuất khẩu nhập kho ngoại quan chờ “thời điểm vàng” để thông quan và được hưởng mức thuế ưu đãi.
So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang EU trong tháng 7 đều tăng. Trong đó, nhóm mặt hàng cá ngừ tươi, sống và đông lạnh tăng mạnh nhất, tăng 2.607% so với tháng 7/2019, đây là nhóm mặt hàng mà theo các cam kết trong EVFTA, EU sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Cùng với EU, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường lớn khác như Israel và Canada cũng đang có dấu hiệu phục hồi. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang 2 thị trường này trong tháng 7/2020 tăng lần lượt là 26% và 146% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước mắt, do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam và các nước vẫn đang diễn biến phức tạp, nên tình hình thị trường sẽ chưa thể ổn định, đặc biệt là tại các thị trường như ASEAN, hay Nhật Bản… Dự kiến, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ bảo quản như cá ngừ đóng hộp, đóng túi… sẽ tiếp tục tăng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn xuất khẩu vào thị trường EU rộng lớn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực.
Hiện mặt hàng tôm, cá tra, cá ngừ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU. Đối với sản phẩm cá ngừ, Thái Lan, Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam, nắm giữ nhiều thị phần xuất khẩu nhất nhưng cả hai quốc gia trên đều chưa ký kết FTA với EU. Điều này đồng nghĩa với sản phẩm cá ngừ của Việt Nam có lợi thế tuyệt đối về thuế so với hai nước trên tại hai khu vực thị trường lớn là EU.