Một số nhóm hàng đang dần phục hồi
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong Quý II/2020 đã giảm 5,8% so với quý I/2020 và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 115,66 tỷ USD.
Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6/2020 ước tính đạt 21 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước. Khu vực kinh tế trong nước ghi nhận sự tăng trưởng khi đạt 7,38 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng 5; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,6 tỷ USD, tăng 13,7%. So với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6 giảm 2%.
Tháng 6/2020, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 6,7% so với tháng 5/2020 do kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng gạo giảm 53,8%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 12,5%; hạt tiêu giảm 8,3%. Các mặt hàng khác tăng trưởng khả quan như: thủy sản tăng 5,9%; rau quả tăng 11,2%; hạt điều tăng 2,6%; cà phê tăng 7,4%; chè tăng 23,7%; cao su tăng tới 44,7%.
So với tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng tăng trưởng cao như: dầu thô tăng 27,6%, xăng dầu tăng 46,9%, quặng và khoáng sản tăng 102,6%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến dù chưa thể trở lại trạng thái trước khi xảy ra dịch COVID-19 nhưng xu hướng phục hồi vẫn tiếp diễn, với mức tăng 10,5% so với tháng 5/2020, đạt 17,43 tỷ USD, mặc dù vẫn giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Những mặt hàng chính ghi nhận sự tăng trưởng so với tháng 5/2020 gồm: xuất khẩu điện thoại các loại tăng 9,2%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,4%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 22%; hàng dệt và may mặc tăng 17,8%; xơ, sợi dệt các loại tăng 14,5%; giày dép các loại tăng 10,8%; túi xách, vali, mũ, ô dù tăng 8,9%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 16,6%; hóa chất tăng 29,3%; sắt thép các loại tăng 14,5%...
Mặc dù có sự tăng trưởng trở lại trong 2 tháng gần đây nhưng tính chung kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,2%). Trong đó, khu vực khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 41,38 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 79,83 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%), trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 21,5 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 6/2020 ước tính đạt 20,5 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng 5/2020 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 117,17 tỷ USD (cùng kỳ tăng 8,8%).
Đáng chú ý, số liệu ước tính tháng 6/2020 cho thấy, nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất đang tăng khá mạnh trở lại trong tháng 6, điều này cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang bắt đầu đẩy nhanh quá trình khôi phục.
Những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh so với tháng 5/2020 có thể kể tới như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 16,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 46,2%; vải các loại tăng 12,9%; xơ, sợi dệt các loại tăng 15,2%; sản phẩm chất dẻo tăng 16,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,7%...
Còn nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 6 tháng cuối năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn.
“Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống COVID-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp. Do đó, trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019”, Thứ trưởng nhận định.
Trong 6 tháng cuối năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi. Bên cạnh đó, kết quả xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước, thể hiện khả năng chống chịu tốt hơn dưới tác động của dịch bệnh khi khối doanh nghiệp trong nước có kim ngạch xuất khẩu tăng 11,7% còn khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở mức tăng trưởng âm.
Một thuận lợi nữa cần phải kể đến đó là Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD.
Như vậy, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này. Rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương đẩy mạnh trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả tích cực và cũng là tạo đà cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, vẫn còn có những yếu tố khó khăn, cản trở đà tăng trưởng xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2020 khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,9% trong năm 2020, giảm 1,9 điểm phần trăm so với dự báo của tháng 4/2020, do dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng hơn dự đoán.
Trước tình hình làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 có thể quay trở lại, phía Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh như hủy bỏ toàn bộ các chuyến bay nội địa, hạn chế đi lại, cấm người dân đi du lịch để ngăn chặn dịch bệnh.
Chính quyền Bắc Kinh và một số địa phương đã tiến hành rà soát nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn, trong đó, tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và chứng từ mua hàng đối với nông sản dùng làm thực phẩm.
Để đối phó với việc này, Bộ Công Thương đã khuyến nghị doanh nghiệp và hộ sản xuất nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cường giám sát chất lượng, chủ động phối hợp với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực thẩm, truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, doanh nghiệp cần tích cực theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường để chủ động trong việc đưa hàng lên các cửa khẩu biên giới, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro và thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.
Cuối cùng, bên cạnh những thuận lợi mà Hiệp định EVFTA mạng lại, Bộ Công Thương đánh giá Hiệp định này cũng tạo ra những sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nội địa Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Bởi, khi EVFTA có hiệu lực, lộ trình giảm thuế được triển khai, nhiều sản phẩm với tiêu chuẩn EU sẽ có cơ hội vào Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn so với hiện nay.
Xuất khẩu sụt giảm sau 11 nămTrong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 ước tính giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 238,39 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008/2009, với mức giảm 1,1%, ước đạt 121,21 tỷ USD. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 117,17 tỷ USD.
Có thể thấy, không chỉ Việt Nam mà kết quả xuất khẩu của các quốc gia khác cũng đều sụt giảm hoặc tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 7,7%; kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan giảm 6,4%; kim ngạch xuất khẩu của Indonesia giảm 7,24%; Singapore giảm 8,5%; Hàn Quốc giảm 11,2%, Ấn Độ giảm 26,6%...