Thị trường là yếu tố quyết định
Xuất thân từ khu vực nông thôn miền núi Thanh
Hóa, anh Thắng có tuổi thơ gắn liền với núi rừng, bà con thôn bản nên anh hiểu
rất rõ từng gốc cây, con suối đã từng nuôi dưỡng quê hương anh như thế nào! Bản
thân anh cũng có một ít diện tích trồng cây keo lá tràm làm kinh tế mũi nhọn
của cả gia đình. Anh Thắng kể: Thời kỳ đó, quê anh thu hoạch cây để bán gỗ cho
các cơ sở, nhà máy chế biến gỗ băm dăm xuất khẩu, nhưng chỉ được giai đoạn đầu
thị trường ổn định, lâu dần hàng hóa trở nên ế ẩm, sản phẩm bị ép giá… khiến
cho thu nhập của mỗi gia đình giảm sút rõ rệt.
Với quyết tâm: “Họ làm được mình cũng làm được”,
anh Thắng đã lặn lội, mày mò khắp nơi tìm hiểu quy trình, đối tác xuất khẩu,
tìm lối ra cho sản phẩm quê anh. Bên cạnh đó, nhờ vào sự giúp đỡ của gia đình,
bạn bè cho vay tiền bạc, hướng dẫn thị trường, anh Thắng đã quyết tâm thành lập
doanh nghiệp tư nhân với tên gọi Nhất Duy, nhằm xuất khẩu gỗ dăm và gỗ xẻ thanh
sang thị trường nước ngoài.
Vùng nguyên liệu đầu tiên chính là trên khu vực
quê anh (huyện Triệu Sơn). Những cây keo trước đây mà bà con đang gặp khó đầu
ra được anh thu mua lại, mua đến đâu anh trả tiền đến đó, tất cả đều được anh
bao tiêu hết. Bà con nhân dân trong vùng rất vui mừng vì những lao động vất vả,
sản phẩm làm ra được chi trả xứng đáng.
Những thân gỗ ấy được anh thu mua về, sau đó phân
loại, chọn lựa những thân gỗ tốt, có chất lượng đưa vào máy xẻ thành gỗ thanh
xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Lượng gỗ hư, xấu còn lại cộng với phế phẩm được
anh cho băm thành dăm và xuất đi nước ngoài.
Mặc dù, nền kinh tế trong và ngoài nước đang
chịu tác động bởi tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng đối với DNTN
Nhất Duy vẫn có được thị trường ổn định và sản lượng không ngừng tăng trưởng.
Hàng tháng, sản phẩm của anh tấp nập di chuyển tới cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) và
cảng Hải Phòng với khối lượng lớn: gỗ băm dăm trung bình từ 5.000 – 6.000
tấn/tháng; gỗ nan thanh khoảng 1.300 tấn/tháng để xuất sang thị trường Hàn
Quốc, Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu đạt trị giá vài triệu USD/năm; nộp thuế
xuất khẩu lên tới 3 tỷ đồng/năm.
Anh Thắng tâm sự: “Để có được thành công đó, điều quan trọng là nằm ở chữ tín”. Anh Thắng phân tích; Chữ tín được hiểu trên hai góc độ. Thứ nhất, chính bản thân mình phải biết tôn trọng những giá trị sản phẩm của bà con vất vả làm nên. Thứ hai, đối với thị trường và đối tác, phải đảm bảo chất lượng hàng hóa. Đơn cử, để đưa sản phẩm quê hương mình ra được nước ngoài, phải gánh chịu rất nhiều yếu tố “khắc nghiệt” của thị trường. Điều đó, đã có rất nhiều công ty, doanh nghiệp… như anh từng “bó tay” trước thử thách ấy. Nói như vậy thì rất dễ, nhưng khi đi vào hoạt động mới thấu hiểu bao mỗi khó khăn, bất cập. Anh Thắng đã từng thất bại rồi lại thành công nhiều lần đã giúp anh nhận ra sự thành công duy nhất, đó chính là sự chọn lựa, chắt lọc những gì tinh túy nhất của sản phẩm ngay từ khâu đầu vào!
Sự đồng hành của cơ quan chức năng làm nên thành công
Đối với nhiều công ty, doanh nghiệp khác, thị
trường vẫn là yếu tố quyết định đến sự sống còn! Với DNTN Nhất Duy, điều đó
luôn được đảm bảo an toàn trong bất cứ điều
kiện nào, trở thành thương hiệu Nhất Duy trên lĩnh vực xuất khẩu gỗ dăm
băm và gỗ xẻ thanh ở thị trường trong và ngoài nước.
Những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực vượt khó
của doanh nghiệp thì còn có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, đơn vị
liên quan như: Sở Công Thương Thanh Hóa, Chi cục Hải quan Thanh Hóa, Cảng Nghi
Sơn… để kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng cao. Đặc biệt, các ngành chức năng đã thực hiện đúng các chế
độ, chính sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Thường xuyên tổ chức đối
thoại với các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong
hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút các doanh nghiệp làm thủ tục, hồ sơ theo
hướng đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật.
Để tạo điệu kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Cảng Nghi Sơn (thuộc Công ty CP Cảng dịch vụ Dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa) đã không ngừng dầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phương tiện khai thác cảng, xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO và OHSAS. Ông Lê Văn Ngà – Giám đốc Cảng Nghi Sơn cho biết: Với việc chú trọng đầu tư để nâng cao năng lực hoạt động, Cảng Nghi Sơn luôn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, bốc xếp nhanh, đảm bảo an toàn. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, Cảng đã bốc xếp được 350.000 tấn hàng, tăng 75% so với cùng kỳ. Trong đó, 250.000 tấn hàng được vận chuyển nội địa, còn lại 100.000 tấn hàng xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là dăm gỗ, gỗ thanh sẽ càng được ưu tiên.
Bằng những phương pháp làm ăn hiệu quả, Doanh nghiệp tư nhân Nhất Duy không những là “bà đỡ” cho bà con nhân dân trong vùng, tạo uy tín của mình trên thương trường, mà còn là một trong những doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu đứng trong tốp đầu của tỉnh, góp phần nâng cao tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp Thanh Hóa.