Theo Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, từ ngày 04/10/2021, nhiều mặt hàng gạch men (mã HS 6907) của Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia sang Đài Loan (Trung Quốc) bị áp thuế chống bán phá giá với nhiều mức thuế suất khác nhau. Tuy vậy, theo thống kê của hải quan Đài Loan cho biết, trong năm 2023, hàng rào thuế quan này ảnh hưởng không lớn tới xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam vào Đài Loan (Trung Quốc).
Theo đó, năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gạch mẹn (mã HS: 6907; mô tả tiếng Anh: Ceramic flags and paving, hearth or wall tiles; ceramic mosaic cubes and the like, whether or not on a backing; finishing ceramics) đạt 143,5 triệu USD giảm 14,72% so với năm 2022.
Việt Nam vẫn giữ vững là đối tác cung ứng mặt hàng này lớn nhất vào Đài Loan (Trung Quốc) trong năm 2023, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 40,567 triệu USD, cơ bản tương đương với năm 2022 khi chỉ giảm nhẹ 0,82% so với năm 2022, chiếm 28,27% tổng thị phần nhập khẩu của Đài Loan (Trung Quốc) trong năm 2023.
Cũng theo thống kê của phía Đài Loan (Trung Quốc), Italia do không chịu ảnh hưởng của lệnh chống bán phá giá nên tiếp tục giữ vị trí thứ 2, với tổng kim ngạch năm 2023 đạt 32,92 triệu USD, giảm 15, 8% so với năm 2022, chiếm 22,94% thị phần.
Ấn Độ với lợi thế về quy mô sản xuất và giá cả tiếp tục giữ vị trí thứ 3, với tổng kim ngạch đạt 29,18 triệu USD, giảm 17,88% so với năm 2022, chiếm 20,33% thị phần.
Tây Ban Nha tiếp tục giữ vị trí thứ 4, với tổng kim ngạch đạt 23,02 triệu USD, giảm 24,37% so với năm 2022, chiếm 16,04% thị phần.
Malaysia và Indonesia đã tụt xuống vị trí thứ 4 và thứ 6 với số thị phần chiếm được lần lượt là 4,45% và 2,8%.
Trong Top 10 đối tác xuất khẩu mặt hàng này vào Đài Loan (Trung Quốc) còn có: Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Thái Lan song với thị phần không lớn.
Như vậy có thể thấy, thuế chống bán phá giá của Đài Loan (Trung Quốc) không ảnh hưởng nhiều tới các sản phẩm gạch men xuất xứ từ Việt Nam khi nhu cầu thị trường và lợi thế so sánh của Việt Nam tiếp tục được giữ vững trong nhóm hàng này.
Tuy vậy, theo Hiệp hội Phát triển công nghiệp gạch men Đài Loan (đơn vị đại diện các nhà nhập khẩu), với thuế suất chung lên tới gần 20% mà Đài Loan đang áp cho Việt Nam, các nhà xuất khẩu mới (không có thuế suất riêng) sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi khai thác thị trường Đài Loan (Trung Quốc).
Theo thống kê của Cơ quan quản lý Ngoại thương mại Đài Loan (TITA), lũy kế quý đầu tiên của năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Đài Loan (Trung Quốc) - Việt Nam đạt 5,11 tỷ USD, tăng 20,23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch hàng hóa từ Đài Loan (Trung Quốc) xuất khẩu sang Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD, tăng 20,62%, kim ngạch nhập khẩu của Đài Loan (Trung Quốc) từ Việt Nam đạt 1,76 tỷ USD, tăng 19,49% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng theo thống kê của TITA, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Đài Loan trong 3 tháng đầu tiên của năm nay, chiếm 2,53% tổng thị phần ngoại thương của Đài Loan (Trung Quốc), là đối tác cung ứng hàng hóa lớn thứ 12 (1,92% thị phần) và thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Đài Loan – Trung Quốc (3,04% thị phần).