Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hoạt động theo lối mòn
Trao đổi về nguyên nhân ùn ứ nông sản tại cửa khẩu, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: Dù có nhiều giải pháp nhưng kết quả cuối cùng không được như mong muốn.
Vậy chúng ta đã nhìn thấy nguyên nhân gốc rễ chưa? Về phía doanh nghiệp, theo ông Bình: Vẫn nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch.
Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: Với quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thị trường này thay đổi là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trở tay không kịp.
Doanh nghiệp chưa có tầm nhìn chiến lược. Bởi thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa. Người ta thay đổi lâu rồi, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã thay đổi nhiều.
Doanh nghiệp nông sản liên kết nhân lên sức mạnh
Ông Bình chia sẻ: Trước đây, chúng tôi có công ty xuất khẩu tinh bột hoa sang Trung Quốc. Việc xuất khẩu này mười mấy năm vẫn diễn ra bình thường. Đến năm 2010-2012, Chính phủ Trung Quốc đưa ra tiêu chuẩn mới, bạn hàng cũng yêu cầu chúng tôi phải thay đổi công nghệ mới có thể đáp ứng xuất khẩu được.
Vào tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
"Tôi cũng không rõ đã có bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký được theo hai lệnh này, nếu không kịp đăng ký thì sau này mất nhiều thời gian", ông Bình bày tỏ và cho biết thêm: Về việc giúp đỡ các doanh nghiệp, thì Hiệp hội có những biện pháp cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhận rõ vị trí hiện tại.
Theo đó, việc xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc phải cấp mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói cũng phải được cấp mã số… được thông tin rõ. Nếu doanh nghiệp không làm thì không đưa hàng sang thị trường Trung Quốc được.
"Cuối năm 2021, chúng tôi đã có sự nhất trí cao từ các doanh nghiệp hàng đầu của Hiệp hội để liên kết, hỗ trợ nhau để nhân lên sức mạnh. Cùng với đó, Hiệp hội Làm vườn và Hội nông sản sạch TPHCM cũng tạo những liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng", Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
Xuất khẩu nông sản chính ngạch: Vấn đề lớn, cần thời gian
Về vấn đề chuyển đổi sang phương thức chính ngạch, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam bày tỏ băn khoăn và cho rằng đây là vấn đề lớn và cần thời gian dài mới có thể làm được.
Theo ông, mỗi phương thức hoạt động, mỗi phương thức kinh doanh tiểu ngạch, chính ngạch có đối tượng riêng.
Nếu chúng ta bỏ tiểu ngạch, chuyển hết tiểu ngạch sang chính ngạch sẽ là một vấn đề. Chính ngạch có khách hàng của chính ngạch, có vị trí, địa điểm nhận hàng, phương thức thanh toán rồi các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường chính ngạch rất khó khăn.
Ông Bình đề nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương hỗ trợ tích cực, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được với thị trường, với khách hàng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng: Vấn đề chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch ở một thị trường nào đó cần thời gian.
Ví dụ, về quan hệ thương mại Việt Nam và Trung Quốc, xưa nay bà con, doanh nghiệp vẫn còn giữ tư duy cũ, coi thị trường này như "cái chợ huyện", cứ làm, thu hoạch rồi mang lên đó mới bán, rất bị động.
3 công đoạn của xuất khẩu nông sản
Ông Chinh cho biết thêm, về ngoại thương với Trung Quốc, có 2 hình thức buôn bán: Thứ nhất là chính ngạch theo thông lệ quốc tế và tiểu ngạch; thứ hai là trao đổi cư dân, chợ biên giới.
Ta có Nghị định 14/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới, có những điểm ưu tiên, nhưng bộc lộ ra điểm yếu, đó là xuất khẩu không ổn định.
Khi Trung Quốc gần đây áp các quy định tiêu chuẩn chất lượng thì doanh nghiệp gặp khó ngay. Do đó chính sách không đơn thuần là buôn bán lối đi cửa khẩu chính, phụ mà nằm ở 3 công đoạn.
Thứ nhất là phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn, quy định thị trường.
Ví dụ như một số loại trái cây Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam đã quen với tiêu chuẩn chất lượng nên vẫn xuất khẩu bình thường, không phải lo giải tỏa.
Thứ hai là vấn đề tổ chức xuất khẩu, vai trò các tỉnh, hải quan, biên phòng, công thương, nông nghiệp, kiểm dịch động thực vật làm thế nào cho triển khai thủ tục nhanh hơn.
Về kho bãi trung chuyển ở các địa phương, bây giờ đã cải thiện so với 5 năm trước. Các tỉnh quan tâm, mở ra nhiều khu vực trung chuyển chứa hàng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Bên cạnh đó sự phát triển logistics cảng biển không tương xứng tăng trưởng, xuất khẩu tăng 15-17%, logistics chỉ tăng khoảng 4-5 %... Vận tải cũng cần đa dạng hóa, như hiện nay, vận tải hàng hóa đường sắt vẫn còn ít.
Thứ ba là vấn đề thị trường. Trung Quốc đã gia nhập WTO, tham các hiệp định định RCEP, FTA ASEAN-Trung Quốc nên cần tuân thủ các nguyên tắc hiệp định.
Hiện nay, việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở vẫn là thói quen. Nếu không phối hợp trao đổi giữa các bên để chuyển sang chính ngạch thì giải quyết vấn đề không đơn giản.
Không thể phủ nhận lợi ích của xuất khẩu nông sản tiểu ngạch, nhưng DN cần hướng tới làm ăn lớn hơn
Chia sẻ về vấn đề này, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan: Không phủ nhận trao đổi mậu dịch tiểu ngạch góp phần thúc đẩy nông nghiệp thời gian qua.
Đến giờ lợi ích đó còn nên doanh nghiệp sẽ vẫn theo đuổi trong một thời gian nữa. Tuy nhiên, thời gian qua người xuất khẩu cũng gặp nhiều rủi ro khi mang hàng sang bên kia bên giới.
Nếu bán hàng theo hợp đồng sẽ hạn chế rủi ro, nhưng đôi khi bán tiểu ngạch thì dễ hơn.
Về lâu dài, doanh nghiệp cần tổ chức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, uy tín mới ký hợp đồng cung ứng đều đặn, hướng tới làm ăn lớn hơn. Cần thúc đẩy xu hướng này.
Hiện nay vẫn chủ yếu tập trung ở các địa phương giáp biên, muốn duy trì kim ngạch lớn hơn, cần đẩy mạnh đẩy mạnh khuyến khích mậu dịch, để hàng nông sản vào sâu hơn nội địa Trung Quốc.
Ông Mai Xuân Thành cho rằng, tiềm năng nông sản Việt Nam còn nhiều, các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp cần có thêm các giải pháp để hỗ trợ các thành viên của mình.
Cần các khu trung chuyển nông sản đa năng
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng lập các khu trung chuyển cho khách hàng Trung Quốc xem nông sản (nếu cần), sau đó giao hàng.
Các điểm trung chuyển nông sản không chỉ làm thủ tục hải quan, mà có thể tập trung cả tuyển chọn phân loại đóng gói theo tiêu chuẩn của bạn…
Cách làm như hiện nay đưa hàng sang tuyển chọn phân loại, hàng tốt lấy, không đạt trả về thì tốn kém, mất chủ động giao hàng.
Nên cần có các khu trung chuyển đa năng là giải pháp hỗ trợ xử lý được tồn tại hiện nay./