Ngày 31/8, tại Tiền Giang diễn ra Phiên tư vấn xuất khẩu xoài sang thị trường Trung Quốc, nằm trong chuỗi “Chương trình hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài và các cam kết quốc tế về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu” năm 2022.
Sự kiện do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Các Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trùng Khánh (Trung Quốc) tổ chức.
Xoài Việt Nam được ưa chuộng
Phát biểu khai mạc Phiên tư vấn, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, xoài là một trong những loại trái cây nhiệt đới chính được trồng tại Việt Nam; trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 48%.
"Thị trường xuất khẩu xoài Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, chiếm gần 84% tổng sản lượng xuất khẩu xoài của cả nước. Phiên tư vấn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu nhu cầu thị trường, các tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu xoài sang thị trường Trung Quốc.", bà Thủy cho biết.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng thông tin, Trung Quốc là nước sản xuất xoài lớn thứ hai trên thế giới, chiếm khoảng 8,75% tổng sản lượng của thế giới. Mặc dù là nước có sản lượng xoài lớn trên thế giới nhưng nhu cầu nhập khẩu xoài của Trung Quốc cũng rất lớn.
Xoài là một trong 9 loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tại Trung Quốc, xoài Việt Nam nổi tiếng vì chất lượng cao và giá cả hợp lý. Theo chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc trên trang Q2d, Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây xoài phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cũng rất cao; giá nhân công rẻ nên giá thu mua cũng khá cạnh tranh.
Bên cạnh đó, xoài Việt Nam và xoài Hải Nam (vùng trồng xoài nổi tiếng nhất Trung Quốc) cũng như xoài Quảng Tây có thời điểm chín khác nhau. Xoài Hải Nam thường được thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 8, xoài Quảng Tây từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 9, trong khi xoài Việt Nam lại chín vào thời điểm cuối năm. Bởi vậy, vào thời điểm này, Trung Quốc thường nhập số lượng lớn xoài Việt Nam với các chủng loại chính: Xoài tượng xanh, xoài Úc và xoài ngọt.
Những khó khăn mới cho xuất khẩu xoài sang Trung Quốc
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, Trung Quốc sản xuất xoài lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Năm 2020, diện tích xoài của Trung Quốc khoảng gần 350.000 ha, sản lượng hơn 3,3 triệu tấn.
"Từ năm 2016 đến năm 2020 hầu hết các mặt hàng xoài xuất khẩu của Trung Quốc là xoài tươi và xoài sấy, nhưng Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu một lượng lớn xoài tươi và xoài sấy", ông Nguyên cho biết.
Về nguồn nhập, Trung Quốc nhập khẩu xoài từ Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan, Peru, Australia và các nơi khác. Nhập khẩu xoài từ 5 thị trường chính chiếm hơn 90% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam, Đài Loan và Thái Lan đều có xu hướng tăng, riêng nhập khẩu từ Việt Nam tăng đáng kể, trong khi nhập khẩu từ Peru và Australia giảm nhẹ.
Ngoài nhập khẩu xoài tươi, lượng nước ép xoài nhập khẩu của Trung Quốc cũng lớn hơn nhiều so với lượng hàng xuất khẩu của nước này.
Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 84.000 tấn xoài, 80% con số này đến từ Việt Nam. Hiện 2/3 sản phẩm xoài tươi trên thị trường Trung Quốc là nhập khẩu từ Việt Nam.
Về tình hình sản xuất xoài Việt Nam, ông Nguyên thông tin, sản lượng xoài Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng xoài Việt Nam đạt 140.000ha, sản lượng đạt 1,5 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 650 triệu USD với thị trường xuất khẩu chính vẫn là Trung Quốc, bên cạnh đó là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,…
Năm 2021 diện tích trồng xoài cả nước là 114.200ha, sản lượng 938,2 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu xoài tươi và sản phẩm từ xoài trong năm 2021 đạt hơn 300 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu xoài ước đạt khoảng 77 triệu USD.
"Chúng tôi đang lo ngại rằng xuất khẩu xoài sang thị trường Trung Quốc trong năm nay giảm, do chính sách kiểm dịch Covid-19 của Trung Quốc rất nghiêm ngặt, thông thương không dễ dàng như trước đây. Cộng với việc năm nay Trung Quốc ký Nghị định thư cho phép xoài Campuchia xuất khẩu vào nước này khiến xoài Việt Nam gặp sự cạnh tranh, đó cũng là yếu tố làm kim ngạch xuất khẩu xoài Việt Nam sang Trung Quốc năm nay giảm hoặc không tăng trưởng mạnh", ông Nguyên chia sẻ.
Nâng cao năng lực, đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường
Tại Phiên tư vấn, đại diện các doanh nghiệp Trung Quốc, ông Diêu Lâm - Giám đốc dự án Xoài Công ty Hữu hạn hoa quả RunJia Trùng Khánh và ông Vương Lệ Quân – Tổng Giám đốc Công ty Hữu hạn Hưng Hội Vinh (Hà Bắc – Trung Quốc) đã chia sẻ những thông tin cần lưu ý về nhập khẩu xoài vào Trung Quốc.
Ông Diêu Lâm đánh giá cao Phiên tư vấn do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) phối hợp với các cơ quan tổ chức để các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu Trung Quốc có thể trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu xoài của Việt Nam.
Ông cho biết, Trung Quốc không chỉ là nước sản xuất xoài lớn mà cũng là tiêu dùng xoài lớn. Từ năm 2020, với việc kí kết Hiệp định RCEP và ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng lượng xoài nhập khẩu của Trung Quốc tăng lên mức 84.000 tấn, bằng lượng nhập khẩu xoài của những năm trước cộng lại.
Trung Quốc nhập khẩu xoài chủ yếu từ Việt Nam và Thái Lan, trong đó xoài từ Việt Nam chiếm khoảng gần 80% tổng lượng nhập khẩu xoài của Trung Quốc. Riêng Công ty của ông hàng năm nhập khẩu và kinh doanh khoảng 420 tấn xoài Việt Nam, doanh số khoảng 3,7 triệu NDT.
Về quy định thị trường, ông Diêu Lâm cho biết: "Những yêu cầu về trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc như truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định phòng chống dịch bệnh sẽ ngày càng cao. Hải quan Trung Quốc sẽ tăng cường quản lý an toàn thực phẩm và các hoạt động xuất nhập khẩu, do đó các công ty nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc phải tuân thủ các quy định mới của Trung Quốc".
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, để tăng lượng xoài xuất khẩu sang Trung Quốc đòi hỏi các cơ sở sản xuất xoài phải tính đến phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất - thu mua - sơ chế - đóng gói - bảo quản; doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng được các quy định của thị trường Trung Quốc.
Để phát triển được theo chuỗi giá trị sản phẩm, cần có sự trao đổi giữa nhà sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị xoài với các cơ quan thương mại, doanh nghiệp tham gia các giao dịch quốc tế tại Việt Nam để tìm hiểu, phát triển thị trường xuất khẩu; hướng dẫn, phổ biến thực thi tốt các quy định về kiểm dịch thực vật, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, quy định mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, thông tin tới các địa phương, nhà sản xuất, các hợp tác xã, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu xoài để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, rào cản kỹ thuật; hỗ trợ các vùng sản xuất xoài, doanh nghiệp nâng cao năng lực tuân thủ, phát triển chuỗi giá trị xoài, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc.
Tại Phiên tư vấn, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu xoài Việt Nam và các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã trao đổi, hỏi - đáp cụ thể về những yêu cầu chất lượng sản phẩm, những vấn đề thường gặp và những quy định mới đối với nhập khẩu xoài vào Trung Quốc...