Một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) để thu hút đầu tư nguồn lực xã hội vào phát triển CNHT.
Trong đó, đặc biệt quan trọng là thu hút đầu tư các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và các nhà cung cấp cụm linh kiện, linh kiện lớn trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa phục vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế quan khi đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội địa.
Đồng thời có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp chế xuất lớn bán hàng vào nội địa, tìm kiếm cơ hội tại thị trường trong nước và phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam, cũng nhằm để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tại nước ta.
Chính vì vậy, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất, trong thời gian sắp tới, cần tiếp tục định hướng triển khai hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
Thứ nhất, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp CNHT Việt Nam và cụm liên kết nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam.
+ Triển khai hiệu quả các chương trình kết nối kinh doanh, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.
+ Định kỳ tổ chức các hội chợ, triển lãm về CNHT ở trong nước và nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT tham gia các triển lãm quốc tế liên quan.
+ Xúc tiến kết nối đầu tư tại thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hoá và mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm tạo cơ hội thị trường cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
+ Xây dựng các Khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành (cluster).
Thứ hai, phát triển khoa học và công nghệ
+ Xây dựng lộ trình về tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm đối với các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đầu tư, sản xuất tại Việt Nam dựa trên lộ trình công nghệ và phát triển sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất, chế tạo sản phẩm CNHT của Việt Nam.
+ Ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin, tự động hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) để nâng cao trình độ sản xuất và giảm giá thành sản phẩm.
+ Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình KHCN cấp quốc gia, tăng cường sự tham gia kết hợp giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học và các doanh nghiệp để tăng tính ứng dụng của các kết quả nghiên cứu KHCN.
+ Triển khai chương trình “Đánh giá trình độ và năng lực công nghệ một số ngành công nghiệp hỗ trợ” để từ đó định hướng phát triển năng lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các ngành CNHT.
+ Tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các Bộ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và đổi mới công nghệ để có thêm nhiều doanh nghiệp CNHT tiếp cận được Quỹ đổi mới khoa học công nghệ quốc gia, cũng như thêm nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong thực tiễn.
+ Tăng cường tư vấn, tìm kiếm, giới thiệu và hỗ trợ chuyển giao các công nghệ sản xuất hiện đại; hỗ trợ xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT trong nước, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp CNHT.
+ Thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hỗ trợ nâng cao trình độ đội ngũ nhà khoa học, nhà quản lý và người lao động trong lĩnh vực CNHT.
+ Tăng cường thành lập và khai thác Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp CNHT trong việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ.
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ, chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước phục vụ phát triển ngành CNHT.
+ Tiếp tục rà soát và xây dựng các TCVN, QCVN về các sản phẩm CNHT, nâng cao tỷ lệ hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực CNHT
- Xây dựng và triển khai kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề nhằm giúp Việt Nam đẩy nhanh được quá trình chuyển dịch từ lao động tay nghề thấp sang lao động tay nghề cao.
- Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực tư vấn công nghiệp để cung cấp đội ngũ các chuyên gia tư vấn đánh giá năng lực các doanh nghiệp CNHT trong nước.
- Xây dựng cơ chế, ưu đãi nhằm khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ các trường trong việc đầu tư mua sắm trang thiết bị phù hợp với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
- Phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, triển khai mô hình quản lý/quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin.
- Phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực CNHT.
- Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế (với Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Đức… và các tổ chức quốc tế) trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành CNHT.
Thứ tư, phát triển công nghiệp vật liệu
Phát triển các ngành công nghiệp vật liệu sẽ giúp các ngành CNHT tự chủ được nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu.
Chính phủ cần có chiến lược và chính sách tập trung ưu đãi, hỗ trợ cho việc sản xuất các vật liệu cơ bản như thép chế tạo (phục vụ cho các ngành cơ khí); nguyên phụ liệu, vải và da thuộc cho các ngành dệt may và da – giày; các sản phẩm từ hóa dầu như hạt nhựa, khuôn nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo... để đảm bảo đầu vào cho các ngành CNHT cũng như các ngành công nghiệp hạ nguồn.